Có lẽ tôi lạc hậu, đã lớn tuổi rồi nên quan niệm về tác phong, ăn mặc theo lối chân phương… ngày xưa nên chẳng còn “phù hợp” với bây giờ.
Ngay cả bà xã, cũng đòi mua cho tôi chiếc xe tay ga SH đời mới, mua một chiếc đồng hồ xịn (tầm khoảng 10 triệu đồng) cho mọi người “nể phục” chứ đi chiếc xe máy số hoài thì chẳng mấy ai… phục đâu.
Tôi không đồng ý mua gì cả và nói rằng chiếc xe chỉ là phương tiện đi lại, đồng hồ chỉ là phương tiện coi giờ, không nên hoài phí tiền bạc vào những chuyện hình thức bên ngoài đó.
Một cô giáo nhà cách trường chừng 200 mét, vừa bán chiếc xe số cũ, mua một chiếc xe tay ga mới cứng để cho “có chị có em” với mấy cô trong trường.
Tôi nói rằng, nhà kế bên trường, mua xe mới làm gì cho tốn tiền, xe kia (xe cũ) còn đi tốt mà. Cô cười và nói nhỏ cho hay là đi xe “bèo” tới trường mắc cỡ lắm. Mọi người nhìn mình khác, đối xử cũng khác …
Thời gian sau, nhìn vào khu vực để xe giáo viên, ôi toàn là xe xịn, xe thuộc hàng “đẳng cấp” chứ không phải xe tàng tàng như trước nữa.
Cuộc đua đẳng cấp ngầm trong nhà trường (Ảnh minh họa: LEO). |
Thì ra, có một cuộc “thi đua” ngầm nhưng không kém phần quyết liệt giữa các tổ, giữa các trường với nhau về “đẳng cấp” xe cộ, váy áo, điện thoại…
Nào là giáo viên trường đạt chuẩn quốc gia mà xe “bèo” vậy sao? Nào là mang tiếng giáo viên trường chuyên mà điện thoại “cùi bắp” vậy sao?
Thế là giáo viên giữa các tổ, giữa các trường âm thầm, lặng lẽ tự “lên đời” cho mình. Đó là vay ngân hàng, đó là vay bạn bè, vay gia đình, anh em để sắm cho bằng được xe xịn, điện thoại xịn…
Những hiệu trưởng bình dân thì khỏi nói, có không ít hiệu trưởng cũng thể hiện “đẳng cấp vượt trội” của mình.
Đó là sắm toàn hàng hiệu thứ thiệt: giày đạt chuẩn từ 4 đến 5 triệu đồng một đôi, thắt lưng da cá sấu, điện thoại, máy tính bảng đều “hơn hẳn” giáo viên trong trường. Ngay cả cây vợt đánh cầu lông cũng là cây vợt ngoại, giá không dưới 5 triệu đồng…
Hiệu trưởng đổi xe từ tay ga đời cũ qua xe tay ga đời mới nhất, màu sắc ưng ý nhất. Chắc các vị nghĩ rằng mình “bình dân” quá sẽ mất thiêng và làm như vậy để “phân biệt” với giáo viên, nhân viên nhà trường…
Cái tâm của người hiệu trưởng |
Không biết mọi người “nể phục” tới đâu nhưng tôi thấy làm như vậy thì khoảng cách giữa hiệu trưởng và giáo viên ngày càng xa. Ít người lại gần trò chuyện, chia sẻ vì khác… “đẳng cấp” nên sự cảm thông, chia sẻ cũng hạn chế.
Tôi “tự kiểm” và thấy mình không lạc hậu trong vấn đề này.
Nếu hiệu trưởng sống hòa đồng, sống gần gũi, bình dân với mọi người thì mọi người luôn ủng hộ. Nếu giáo viên sống hòa đồng, không phân biệt “đẳng cấp” này nọ thì nội bộ sẽ chan hòa, đoàn kết…
Các thầy cô thay vì đua đòi hình thức nên đua đòi về tự học, tự rèn; đua đòi về chất lượng giảng dạy; đua đòi về ứng xử đẹp; đua đòi về lối sống nhân ái, yêu thương đồng nghiệp, yêu thương học sinh… thì hay biết mấy.
Từ nhỏ tới giờ, tôi chỉ sợ mình thua kém bạn bè về trình độ, về kiến thức, về hiểu biết chứ chưa bao giờ sợ thua kém về hình thức bên ngoài.
Không hiểu nguyên nhân từ đâu mà có xu hướng “đẳng cấp” trong trường học như hiện nay? Do tác động của kinh tế thị trường? Do mức sống vật chất ngày càng cao nên cần đưa đời sống tinh thần đi lên “một bước”?
Và liệu vấn đề tôi đưa ra đây có lạc hậu không?