Lãi vay cắt cổ, đồng nghiệp ơi, tình ở đâu?

12/10/2019 06:33
Thảo Ly
(GDVN) - Đồng nghiệp với nhau nhưng họ sẵn sàng vi phạm phạm pháp luật để nặn hầu bao của bạn trong những lúc nguy khốn nhất.

Nhìn vào giáo viên ai cũng nói là giàu, là sướng, là sang chảnh. Vì, không ít người đi xe đời mới, ăn mặc đẹp, áo quần xông xênh.

Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm (Ảnh minh họa)

Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm (Ảnh minh họa)

Thế nhưng chẳng mấy người là không vay nợ vài ba chân ngân hàng. Hàng tháng, lương vào “cửa trước” lại chạy ngay ra “cửa sau”.

Nhà giáo thì ai chẳng giống ai (trừ một số ít thầy cô dạy môn Toán, Anh hoặc có chồng có địa vị trong xã hội hoặc có công việc tốt) chưa hết tháng đã “viêm màng túi”.

Thế là, có việc gì cần đến một khoản tiền từ vài triệu đồng trở lên, mượn qua lại dăm bảy ngày còn được chứ mượn dài ngày, nhiều thầy cô chỉ có nước đi vay nợ lãi.

Một số người lợi dụng cơ hội đồng nghiệp đang trong cơn túng bấn để “tiền đẻ ra tiền”

Nghèo khổ, túng bấn mới phải đi vay tiền. Thế mà đồng nghiệp với nhau có người vẫn ngửa tay thu lãi khủng (10 chấm/tháng). Nghĩa là, vay 5 triệu đồng tháng trả 500 ngàn đồng tiền lãi.

Số tiền vay chưa trả hết lại có nhu cầu vay thêm cái mới. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con không kiểm soát nổi.

Một đồng nghiệp của tôi vay một đồng nghiệp khác 70 triệu đồng. Một tháng tiền lời phải trả là 7 triệu đồng cao hơn mức lương một tháng đi dạy của cô X.

Lãi vay cắt cổ, đồng nghiệp ơi, tình ở đâu? ảnh 2
Mỗi tháng, thầy cô được bao nhiêu tiền lương?

Thế là khỏi phải mất công đi rút lương về trả, cô X. giao hẳn thẻ ATM cho cô Y.

Cô trả đằng đẵng hàng chục năm trời nhưng cũng chỉ trả được tiền lãi.

Số nợ ban đầu 70 triệu đồng vẫn cứ như sợi dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu.

Cô M. vay của một đồng nghiệp tên L. số tiền lên đến 80 triệu đồng. Được biết mỗi lần cô kẹt đóng tiền học cho con, kẹt tiền viện phí thuốc thang cho chồng…chẳng biết xoay đâu (vay đồng nghiệp khác cũng chỉ được 1 hoặc 2 tháng là nhiều) nên phải vay cô L.

Mỗi lần dăm ba triệu, sau 1 năm số tiền gốc đã là 80 triệu đồng.

Hàng tháng, để kiếm đủ số tiền trả lãi, tiền sinh hoạt phí đã vắt kiệt sức của cô. Không cách gì trả nổi tiền gốc, cô lại vay đầu nọ, mượn đầu kia để đắp đổi qua ngày.

Và nợ lại chồng nợ, vòng xoáy nợ nần đẩy cô vào mê hồn trận không cách nào thoát ra được.

Dạo gần đây, con cái cô bị bệnh nên không có tiền trả cả lãi. Cô L. tính luôn vào tiền gốc nhưng chỉ cho hạn 3 tháng phải trả.

Sau 3 tháng, cô M. vẫn chưa thể xoay ra số tiền hơn 100 triệu đồng nên đến nhà cô L. xin khất.

Không đồng ý, cô L. còn chửi bới, hăm dọa sẽ “tính sổ” với cô M.

Thế rồi, cô thường nhận được tin nhắn: "Có tiền chưa để em chị qua lấy?" Lời lẽ tưởng nhẹ nhàng thế nhưng cô M. hiểu rằng đó là sự cảnh báo.

Những hôm đi dạy về, cô thấy có người cứ bám theo mình là chẳng còn tâm trí nào lo nghĩ được những chuyện khác.

Đuối sức, mất khả năng chi trả, chủ nợ hăm he dọa nạt, những đồng nghiệp tôi người suy sụp, người viết đơn xin bỏ nghề chỉ muốn lấy tiền chế độ để trả nợ cho xong.

Cô X. vay 70 triệu đã trả lời gần chục năm hơn 600 triệu.

Cô M. vay 80 triệu đã trả lời 2 năm hết gần 200 triệu đồng. Số tiền lời gấp nhiều lần số tiền vốn.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Lãi vay cắt cổ, đồng nghiệp ơi, tình ở đâu? ảnh 3
Giáo viên khốn khổ vì ngân hàng Agribank thay đổi quy định

Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Theo đó, lãi suất vay là do chính các bên thỏa thuận, nếu vay có lãi thì lãi xuất thỏa thuận không được quá 20%/năm của khoản tiền vay (tức 1,7%/tháng).

Khi giải quyết vụ việc, Tòa án sẽ căn cứ quy định pháp luật để áp dụng lãi suất vay.

Thế mà, đồng nghiệp với nhau nhưng họ sẵn sàng vi phạm phạm pháp luật (khi cho vay 120%/năm) để nặn hầu bao của bạn trong những lúc nguy khốn nhất.

Người dưng với nhau đã đáng trách nhưng đồng nghiệp của nhau thì còn đáng trách, đáng lên án gấp trăm lần.

Thảo Ly