Có những học sinh chây lười, thầy cô rất áp lực trong việc xếp loại học tập

02/05/2022 06:45
NGỌC GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường mà không có ý chí học tập, không cố gắng, thiếu trách nhiệm với bản thân mình thì khi lớn lên các em khó trưởng thành.

Có một thực tế đang tồn tại ở nhiều cấp học phổ thông hiện nay là có một bộ phận học sinh không hề có động lực học tập, đến lớp chủ yếu là được gặp bạn bè và thầy cô gọi gì cũng không biết, thậm chí không trả lời. Kiểm tra thường xuyên không làm bài.

Vào thời điểm cuối học kỳ - khi phải hoàn thành các cột điểm mà gặp những trường hợp như vậy, thầy cô giáo thường phải giữ bình tĩnh để không có những hành động, lời nói thiếu kiềm chế nhưng có lẽ trong lòng nhiều thầy cô giáo sẽ rất buồn…

Đó là chưa kể một số em học sinh có phần hỗn láo nhưng rồi thầy cô phải lấy số đông, lấy những em có ý chí học tập, ngoan hiền làm động lực cho mỗi tiết dạy chứ cứ giận, buồn học trò thì làm sao còn cảm xúc để truyền cảm hứng học tập cho các lớp mà mình giảng dạy.

Một bộ phận học sinh thiếu đi động lực học tập (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Tùng Dương)

Một bộ phận học sinh thiếu đi động lực học tập

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Tùng Dương)

Vì học trực tiếp vui nên em đi học lại

Khi giảng dạy học kỳ I của năm học này thì trong lớp chúng tôi dạy có một em học sinh bỏ học khi gần kết thúc học kỳ dù đã được thầy cô chủ nhiệm vận động nhưng học sinh này vẫn quyết tâm bỏ học.

Thế nhưng, khi bước vào đầu học kỳ II thì nhiều thầy cô bộ môn và bạn bè trong lớp ngạc nhiên thấy em này trở lại học tập. Vì thế, nhà trường chỉ đạo giáo viên bộ môn của lớp cho em này làm các bài kiểm tra bổ sung để hoàn thành các cột điểm của học kỳ I.

Nhớ lại buổi đầu tiên lên lớp dạy trực tiếp – sau một kỳ dạy trực tuyến, chúng tôi thấy em này vào học thì hỏi vì sao em bỏ học mấy tuần vừa rồi thì em này trả lời tỉnh bơ rằng học trực tuyến chán vì chỉ có một mình nên em bỏ, giờ học trực tiếp vui nên em đi học học.

Tất nhiên, khi giáo viên thấy học trò trở lại lớp học thì sẽ giúp đỡ các em lấy lại kiến thức cơ bản và cho kiểm tra bổ sung nhưng vấn đề là học sinh có chịu học và thực hiện các bài kiểm tra bổ sung hay không.

Vì kiến thức không có thì lấy gì để kiểm tra bổ sung nên dù có thực hiện nhưng điểm số thường thấp và rõ ràng học sinh này đến trường không phải vì học tập mà vì được chơi với chúng bạn mà thôi.

Hiện tượng một số học sinh đến lớp học hiện nay chủ yếu là để chơi thì thầy cô giáo không khó nhận ra ở từng lớp mà mình giảng dạy. Nhiều khi cho lớp kiểm tra 15 phút nhưng những học sinh đó không làm, không nộp bài kiểm tra dù vẫn ngồi trong lớp bình thường.

Môn học nào cũng có cột điểm miệng nhưng gọi thì học sinh cứ lần lữa mãi để không lên trả bài, đến khi năm học gần kết thúc, các bạn trong lớp đã thực hiện xong các cột điểm thì vẫn có học sinh quyết tâm không làm bài kiểm tra, không trả bài cho thầy cô.

Thời gian đầu thì thầy cô khuyên bảo, động viên mà học sinh vẫn không thực hiện, cuối năm nhắc nhở nếu em không thực hiện thì thầy (cô) bắt buộc phải cho điểm 0 nhưng những học sinh này nào có biết sợ là gì.

Bởi, có những học sinh bất cần trong học tập, mục tiêu đến trường của những em này không phải để học tập mà chỉ đến để chơi. Nếu được lên lớp thì tiếp tục “đi học” còn ở lại lớp thì nghỉ luôn.

Đây thực sự là những vấn đề đã và đang tồn tại ở nhiều nhà trường từ lâu và giáo viên nhiều lúc cũng bất lực trước thực trạng này. Cho điểm 0 thì đúng với quy chế nhưng 1 học sinh mà cho vài điểm 0 trong một học kỳ thì giáo viên phải giải trình rất phức tạp với nhà trường hoặc khi cấp trên về thanh, kiểm tra.

Cũng chính vì thế, một số thầy cô chọn giải pháp an toàn là gọi học sinh lên bảng chỉ cần trả lời được vài ý rồi cho các em điểm chứ còn giải pháp nào khả quan hơn nữa đâu.

Bệnh ngụy thành tích cũng có những nỗi niềm riêng

Từ lâu rồi, xã hội lên tiếng về bệnh thành tích trong ngành giáo dục và đó là một thực tế ở nhiều nhà trường. Nhưng, có lẽ nhà trường và giáo viên cũng khó tìm được một giải pháp phù hợp cho thực trạng này.

Thầy cô cho học sinh ở lại lớp thì đơn giản lắm nhưng chẳng lẽ năm nào cũng ở lại lớp bởi có những em không chịu học, không có động lực học tập từ nhỏ và mất hết kiến thức căn bản. Trong khi, theo hướng của Bộ những năm qua thì học sinh chỉ được phép ở lại 1-2 lần/ cấp học và quy định về độ tuổi đối với từng cấp học phổ thông.

Chính vì thế, một số em dù học rất yếu thì giáo viên cũng phải miễn cưỡng tìm cách cho các em đủ điểm để lên lớp. Những ràng buộc về quy chế của ngành và thực tế học tập của học trò khiến cho nhiều thầy cô bị áp lực rất nhiều trong việc xếp loại học tập của học trò.

Đó là chưa kể chỉ tiêu của cấp trên giao khiến cho giáo viên gặp khó khi giảng dạy. Đánh giá đúng thì nhiều học trò có thể bị điểm yếu, điểm kém và tất nhiên là các em sẽ ở lại.

Nhưng, thông thường thì những học sinh học yếu kém, đã không có động lực học hành thì dù có ở lại lớp cũng không cải thiện được tình hình và kết quả học tập.

Vì thế, mới có hiện tượng học sinh học hết tiểu học mà chưa đọc thông viết thạo, còn chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” thì ở các trường phổ thông bây giờ nhiều lắm.

Có lẽ, để học sinh có động lực học tập ngay từ nhỏ thì điều cốt lõi nhất là phụ huynh cần tạo cho các em động lực học tập ngay từ lúc đến trường. Bởi, thời gian các em ở nhà chiếm phần lớn trong ngày nên sự nuông chiều, bảo bọc quá mức đôi lúc sẽ tạo cho con em mình thiếu đi động lực, ý chí phấn đấu.

Vì thế, sự giám sát, giáo dục cho con em mình động lực học tập là điều mà tất cả các phụ huynh phải hướng tới. Không nên chỉ phó mặc thầy cô, nhà trường, còn khi ở nhà thì để mặc con em mình đắm chìm trong những trò chơi vô bổ mà quên đi chuyện học hành.

Cùng với gia đình thì thầy cô ở trường - nhất là cấp tiểu học cần dạy, tạo cho học sinh những kiến thức cần thiết, khích lệ cho các em động lực học tập, thi đua và phấn đấu. Trong các giờ lên lớp cần có sự quan tâm nhiều hơn đến những học trò yếu kém, những em gặp khó khăn về tâm lý…

Nếu học sinh học yếu, học kém cần có kế hoạch phụ đạo và khích lệ tinh thần học tập đối với những em này. Đồng thời, cũng cần có sự nghiêm khắc trong giảng dạy để hướng các em tới những kiến thức của bài học.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, trao đổi thường xuyên với phụ huynh để nắm bắt tình hình và cùng chung tay vào việc giáo dục, động viên các em học tập.

Tương lai của học trò không chỉ là của học trò, của gia đình mà còn là tương lai của đất nước. Vì thế, khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường mà không có ý chí học tập, không cố gắng vươn lên, thiếu trách nhiệm với bản thân mình thì khi lớn lên các em khó trưởng thành và trở thành người có ích.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGỌC GIANG