Buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 6/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” và câu nói này đã tạo thành một diễn đàn thảo luận khá sôi nổi của các diễn đàn giáo dục.
Học sinh tỉnh Thanh Hóa thi vào lớp 10 (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Thanh Hóa) |
Nhiều câu chuyện chưa dạy thật được phanh phui trong dư luận, nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhiều giải pháp sẽ khắc phục cũng được những người tâm huyết với ngành hiến kế rất hay. Tuy nhiên, có những giải pháp cần sự nỗ lực của những cá nhân nhưng nhiều giải pháp phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của cả ngành mà đặc biệt là Bộ Giáo dục.
Thông qua sự phản ánh của một số giáo viên bậc trung học phổ thông nơi có điểm chuẩn vào 10 thấp nhất tỉnh, bức tranh giáo dục về bậc học này hiện lên rõ nét và nếu chỉ có sự nỗ lực của giáo viên, họ vẫn phải bất lực trước yêu cầu dạy thật, học thật.
Học sinh cấp 3 mà cộng trừ chưa thạo, không chịu học vẫn phải đăng kí gần 100%
Đây là tâm sự của cô giáo M. (đề nghị không nêu tên), giáo viên một trường trung học phổ thông thuộc huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, nơi điểm chuẩn vào 10 cả 3 môn sau khi điểm Toán, Văn đã nhân hệ số 2, cộng điểm Anh văn và điểm ưu tiên nhưng chưa tới 10 điểm.
Tính riêng điểm trung bình mỗi môn có em thi chỉ cần đạt 0.25 điểm đã đỗ. Cô giáo M. chia sẻ: “Học sinh cộng trừ chưa thạo, không chịu học nhưng chỉ tiêu do nhà trường ấn xuống vẫn phải đăng kí gần 100%”.
Lời chia sẻ của giáo viên một trường trung học nơi có điểm chuẩn vào 10 thấp nhất tỉnh |
Giáo viên sẽ dạy thế nào khi học sinh học lực quá yếu như thế? Năng lực yếu nhưng có chịu học đâu, chỉ chơi là chính. Không dạy được thì Ban giám hiệu nhà trường cho là dạy kém, yếu về nghiệp vụ sư phạm và cắt thi đua giáo viên cuối năm.
Có giáo viên chỉ thiếu vài phần trăm tỉ lệ học lực so với đăng kí đầu năm mà nhà trường hạ thi đua xuống vài bậc trong khi đó những thầy cô này vẫn có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, các mặt khác vẫn hoàn thành tốt.
Lời chia sẻ của giáo viên một trường trung học nơi có điểm chuẩn vào 10 thấp nhất tỉnh (Ảnh chụp từ tin nhắn) |
Giáo viên phải tự “cứu mình” thì sao có thể dạy thật?
Có giáo viên chấp nhật bị hạ thi đua chứ nhất thiết không thể hoàn thành chỉ tiêu thi đua bằng mọi giá vì: “Làm trái lương tâm nhà giáo thì không đáng”.
Nhưng vẫn có không ít thầy cô giáo lại tặc lưỡi dùng biện pháp “sạ, cấy” điểm (cho điểm khống). Cô giáo M. vẫn khẳng định: “Để hoàn thành chỉ tiêu hàng năm, giáo viên chỉ “sạ, cấy” điểm mới được vậy chứ học sinh làm bài theo đề thì làm sao đủ điểm được dù đề ra rất dễ.
Giờ học sinh lưu ban, hạnh kiểm yếu như mò kim đáy bể nên học sinh đậu được tốt nghiệp nhiều cũng do có điểm học bạ đẹp, nếu không có điểm nghề, ưu tiên, khuyến khích thì chết”.
Điểm chuẩn 3 môn chưa tới 10 điểm vô cùng khó để giáo viên dạy thật
Điểm thi có môn chỉ đạt 0.25 điểm thì phải khẳng định ngay rằng những học sinh này trong đầu chẳng có một tý kiến thức nào cả. Trong thực tế, những học sinh diện này không chỉ học yếu mà còn lười học, không muốn học và bất cần học.
Cả kiến thức và thái độ gần như bằng không thì giáo viên dù có nhiệt tình đến đâu, dù có mang danh giáo viên dạy giỏi cấp nào hay giáo viên cốt cán có chuyên môn vững, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm…cũng đành bó tay chứ chẳng thể làm gì.
Thế nhưng phần lớn các trường học vẫn áp chỉ tiêu cao ngất như lời tâm sự buồn của cô giáo M. buộc chỉ tiêu 100% cho từng môn học.
Cách làm này, chúng tôi thường nói trắng ra rằng “dồn giáo viên đến chân tường”, giáo viên không có cách nào khác là tìm lối thoát ra.
Và, cách được mọi người áp dụng nhiều nhất là sự thỏa hiệp với cái lười, cái dốt để ngụy trang thành cái khá, cái giỏi bằng cách cấy điểm, sạ điểm, nâng cao chất lượng học tập của các em mà ai cũng ngầm hiểu là chất lượng ảo.
Muốn dạy thật, đánh giá thật khi đầu vào tuyển sinh 3 môn chưa tới 10 điểm không còn cách nào khác là từng trường phải nhìn thẳng vào hiện thực để cùng giáo viên có những biện pháp giúp đỡ học sinh.
Giáo viên sẽ nỗ lực dạy và học sinh đạt được kết quả đến đâu sẽ chấp nhận đến đấy chứ không phải kiểu áp chỉ tiêu và hạ thi đua như cách mà không ít trường học đang áp dụng hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.