Cơ sở giáo dục ĐH duy nhất đào tạo ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia

19/07/2024 06:36
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Tiến sĩ Phùng Hà Thanh, ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia không hứa hẹn một công việc lương cao mà làm cho trải nghiệm đi học không vô ích.

Ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia (Transnational Cultural and Media Studies) được xây dựng theo triết lý giáo dục khai phóng, giúp người học phát triển tri thức liên ngành, tư duy phê bình, bản sắc cá nhân và khả năng thiết lập những mối quan hệ nhân văn trong đời sống và công việc. Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất đào tạo ngành này.

Ngành học tập trung vào giáo dục khai phóng con người

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Hà Thanh, Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ và văn hóa các nước nói tiếng Anh, phụ trách chương trình đào tạo ngành Văn hoá và truyền thông xuyên quốc gia,Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay, lĩnh vực văn hóa và truyền thông đang trở nên rất phức tạp và tác động sâu rộng đến cuộc sống của con người, đặt ra nhiều vấn đề phải xử lý.

“Ví dụ như làm thế nào để nhận biết được đâu là tin giả, làm thế nào để tránh bị vướng vào các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao, tiếp cận tin tức như thế nào để có tầm nhìn rộng mở chứ không chỉ bó hẹp ở kiến thức bản thân đã biết, học cách ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào đời sống, xây dựng thương hiệu cá nhân,…

Trong bối cảnh hiện tại, tăng cường giáo dục về văn hóa và truyền thông là yêu cầu tất yếu để giải quyết những vấn đề đó. Ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia ở Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội được mở ra như một giải pháp giáo dục rất cụ thể, rõ nét và nhiều triển vọng”, cô Thanh cho hay.

TS Phùng Hà Thanh.jpg
Tiến sĩ Phùng Hà Thanh, Phó trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh, phụ trách chương trình đào tạo Văn hoá và truyền thông xuyên quốc gia. Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Thanh, ngành học này được trường tuyển sinh từ năm học 2023 – 2024, chương trình giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh, dựa trên thế mạnh ngoại ngữ và tính xuyên quốc gia của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh.

Ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia được phát triển từ định hướng quốc tế học của ngành Ngôn ngữ Anh. Đội ngũ phát triển chương trình học đã cố gắng lồng ghép giáo dục ngoại ngữ với giáo dục về văn hóa và truyền thông, đem đến những điều kiện phù hợp, cũng như đáp ứng yêu cầu về phát triển ngành đào tạo mới.

Ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia tập trung vào giáo dục con người, với mục đích tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực ngoại ngữ thành thạo, có kiến thức sâu về ngôn ngữ, hiểu biết rộng về các nền văn hóa, văn học, đất nước và con người các nước nói tiếng Anh. Đặc biệt là gắn người học với những nhiệm vụ học tập thực tế, không giáo điều.

“Tuy nhiên, giáo dục văn hóa và truyền thông không hoàn toàn là dạy cách đối phó với thực tiễn khắc nghiệt mà cần phải có tính định hướng để người học trở nên nhạy cảm, sáng tạo, có khả năng kiến tạo đời sống tốt đẹp hơn.

Vì vậy, sự cần thiết của ngành Văn hoá và truyền thông xuyên quốc gia không chỉ là đáp ứng yêu cầu của xã hội, mà còn thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của bản thân khi công nghệ đã tham gia sâu rộng vào đời sống của con người”, cô Thanh nhấn mạnh.

Trần Thị Nhàn, sinh viên lớp 23VH2 ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia, Trường Đại học Ngoại ngữ chia sẻ quyết định lựa chọn ngành này vì phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Ngành học này nghiên cứu nhiều nền văn hóa và truyền thông khác nhau nên sinh viên sẽ có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn, thay vì chỉ tập trung ở một quốc gia.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Hà Giang, sinh viên lớp 23VH2, Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết, điều khiến bạn tự hào nhất về ngành học của mình chính là chương trình tân tiến và được học chủ yếu bằng tiếng Anh. Trong thời đại hội nhập toàn cầu, tiếng Anh như một chìa khoá có thể mở ra một thế giới mới cho con người, trao cho người học nhiều cơ hội để phát triển bản thân.

hà giang.jfif
Sinh viên Nguyễn Thị Hà Giang, lớp 23VH2, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, điều khiến các sinh viên yêu thích ở ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia là chương trình tạo điều kiện cho mỗi cá nhân tự tin phát huy cá tính, năng lực của mình. Sinh viên được tham gia câu lạc bộ, các cuộc thi làm sản phẩm truyền thông của khoa theo sở thích cá nhân. Đặc biệt là không có chuẩn mực chung cho quá trình phát triển của sinh viên, mà chỉ có một đích đến là phiên bản hoàn thiện hơn của từng cá nhân.

sv3.jfif
Sinh viên ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia, Trường Đại học Ngoại ngữ tham gia buổi thảo luận tại Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: NTCC.

Cơ hội để sinh viên thấu hiểu bản sắc cá nhân và các sự vận động không ngừng của thế giới

Tiến sĩ Phùng Hà Thanh chia sẻ, sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia, chuẩn đầu ra tiếng Anh tương đương với ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh. Trong quá trình học, sinh viên được học ngoại ngữ 2 nhưng không có chuẩn đầu ra ngoại ngữ 2.

So với các ngành ngôn ngữ, ngành này có nhiều môn về truyền thông và nghiên cứu phát triển hơn. Từ đó, kỹ năng nghiên cứu và phân tích cho sinh viên cũng được chú trọng. Về hình thức tổ chức học tập, chương trình có một nhóm các môn dự án để người học phát triển khả năng kết nối tri thức với thực hành.

Nguyễn Trần Ngọc Bích, thủ khoa đầu vào ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia khóa đầu tiên cho biết, trước khi học các kiến thức chuyên môn của ngành truyền thông, chương trình học trang bị cho sinh viên những hiểu biết và tư duy cơ bản để thấu hiểu bản sắc cá nhân và các yếu tố vận động không ngừng của thế giới. Đây đều những tri thức đúng đắn và cần thiết trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Bên cạnh đó, Ngọc Bích cho biết thêm, thầy cô luôn hỗ trợ và quan tâm sinh viên cả trong việc học tập và các vấn đề cá nhân. Trên lớp, thầy cô luôn đảm bảo việc sinh viên hiểu được bài giảng bằng tiếng Anh và tháo gỡ những khúc mắc của sinh viên. Vì vậy, sinh viên có tâm lý thoải mái học và không quá áp lực về mặt điểm số.

Sinh viên Trần Thị Nhàn cho rằng, mọi kiến thức trong chương trình đào tạo đều có giá trị rất lớn với bản thân, nhất là môn Tư duy định lượng trong phân tích xã hội (Quantitative Reasoning). Đây là phần kiến thức khá khó và đem đến rất nhiều thách thức cho sinh viên.

Khi hoàn thành môn học, Nhàn đã biết tư duy về những con số và hiểu được số liệu thống kê trong thực tiễn đều mang ý nghĩa mới mẻ, thú vị. Môn học này cũng giúp bạn phát triển khả năng suy nghĩ phản biện và phân tích logic, có nhận định chính xác hơn khi đánh giá các nghiên cứu, báo cáo và số liệu.

Trần Nhàn sv.jpg
Sinh viên Trần Thị Nhàn, lớp 23VH2, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phùng Hà Thanh thông tin thêm về công tác tuyển sinh: Dựa trên uy tín của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành thu hút được thí sinh ở tất cả các vòng đăng ký hồ sơ. Tình hình tuyển sinh năm 2023 - 2024 khá khả quan với điểm chuẩn đầu vào là 34.49 (thang điểm 40), tương đương 8.5 điểm/môn.

Vị trí việc làm đa dạng, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác quốc tế

Tiến sĩ Phùng Hà Thanh cho hay: "Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia là một ngành giáo dục khai phóng, điểm vượt trội của nó không phải là hứa hẹn một công việc lương cao mà là làm cho trải nghiệm đi học không vô ích, có sức mạnh cải biến con người".

Sinh viên tốt nghiệp không chỉ sử dụng vốn tiếng Anh vào thực tế công việc, mà có thể khai thác những kiến thức về văn hóa, truyền thông đã được học trong định hướng quốc tế học, và trau dồi thêm nhiều kiến thức liên quan trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, khoa học phát triển để phục vụ cho công việc.

Qua đó, sinh viên có thể tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và tạo lập các hiện tượng và sản phẩm văn hóa, truyền thông và xử lý các sản phẩm truyền thông một cách tốt nhất.

Ngoài ra, cô Thanh chia sẻ thêm, hiện nay nhu cầu tuyển dụng của ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia rất lớn. Sinh viên muốn có việc làm ổn định không khó, nhưng để làm việc đúng với đạo đức nghề nghiệp, có ý nghĩa và thu nhập cao thì không dễ, nên khó tránh khỏi lo lắng cho sinh viên mới ra trường.

Tuy nhiên, cô Thanh tin rằng sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia sẽ có những hành trang quý báu và khả năng ứng phó với thay đổi của thời cuộc.

sv2.jfif
Sinh viên ngành Truyền thông và văn hóa xuyên quốc gia, Trường Đại học Ngoại ngữ học tập, trải nghiệm tại nhà thờ đá Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: NTCC.

Tùy thuộc vào định hướng cá nhân, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận công việc trong lĩnh vực truyền thông, với vị trí biên tập viên, nhân sự phụ trách xây dựng nội dung truyền thông, cán bộ truyền thông,…

Bên cạnh đó, sinh viên ra trường có thể thử sức trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, với công việc của cán bộ hợp tác quốc tế, cán bộ phụ trách văn hóa, cán bộ quản lý dự án, hay lĩnh vực nghiên cứu quốc tế về văn hóa, ngôn ngữ, quốc tế học,...

Ngoài ra, sinh viên có thể làm trong lĩnh vực giáo dục, với các công việc như giáo viên, phụ trách đào tạo, truyền thông tại các cơ sở giáo dục, hoặc lĩnh vực dịch thuật như biên dịch viên, phiên dịch viên.

Sinh viên Trần Thị Nhàn chia sẻ: "Ngành Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia yêu cầu sinh viên phải có con mắt nhanh nhạy với mọi sự kiện diễn ra hàng ngày. Cùng với đó, sinh viên phải có tư duy logic để phân tích, tổng hợp và đánh giá những sự kiện diễn ra trong cuộc sống.

Thành thạo công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận tài liệu quốc tế và hoàn thành tốt chương trình học”.

Bích Ngọc