Còn hơn 88.000 phòng học mầm non, phổ thông công lập chưa được kiên cố hóa

22/08/2024 06:19
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là các vùng có tỷ lệ lớp học được kiên cố hóa thấp nhất cả nước.

Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2023-2024, các địa phương đã tích cực triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ với mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Cùng với đó, các dự án ODA, các chương trình, đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương là cơ sở để các địa phương huy động các nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học. Kết cấu hạ tầng các cấp học được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hệ thống trường lớp tiếp tục được quy hoạch, đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

gdvn_taynguyen.JPG
Kết thúc năm học 2023 - 2024, cả nước còn 88.281 phòng học chưa được kiên cố hóa. (Ảnh minh họa: Nguyên Phương)

Cụ thể, cả nước hiện có 38.260 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập với 657.912 lớp. Tổng số học sinh được đến trường đạt hơn 21 triệu em.

Về phòng học, cả nước có 610.223 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập. Tổng số phòng học kiên cố là 521.942 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 85,5%.

Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long là 3 vùng có tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn mức bình quân cả nước.

Mầm non là cấp học có tỷ lệ kiên cố hóa phòng học thấp nhất, chỉ đạt 82,2%. Trong đó, Hậu Giang, Cà Mau và Gia Lai là 3 tỉnh có tỷ lệ kiên cố hóa đạt dưới 40%.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Tại một số địa phương, vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.

Số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao (cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa), tập trung chủ yếu ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp.

Minh Quân