Những con số về đội ngũ thầy cô, học sinh và mạng lưới trường lớp ở bậc tiểu học

01/08/2024 06:20
Linh An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Năm học 2023-2024, toàn quốc có 485.200 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các trường tiểu học, trong đó có 393.096 giáo viên.

Về mạng lưới trường, lớp

Theo số liệu của Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho thấy, năm học 2023-2024 toàn quốc có 14.585 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (gồm 12.177 trường tiểu học, 2.206 trường liên cấp tiểu học-trung học cơ sở, 202 trường liên cấp tiểu học-trung học cơ sở-trung học phổ thông, 58 trường quốc tế, 169 trường trực thuộc Sở; 14.188 trường công lập, 390 trường tư thục) (giảm 123 cơ sở giáo dục so với năm học 2022-2023) với 15.268 điểm trường (giảm so với 249 điểm trường so với năm học 2022-2023); tỷ lệ bình quân 1,37 cơ sở giáo dục tiểu học/đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ điểm trường/cơ sở giáo dục tiểu học là 1,05, trong đó nhiều cơ sở giáo dục tiểu học có từ 3 đến 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng, khu vực miền núi).

Trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục hiện hành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, sẵn sàng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học.

Trung bình toàn quốc tỷ lệ phòng học/lớp là 1,32, trong đó phòng học kiên cố đạt 71%; phòng học bán kiên cố đạt 25%; phòng học tạm, mượn chiếm 0,9%; số phòng học đang học nhờ, mượn là 11.931 phòng; về cơ bản giữ ổn định so với năm học trước, cụ thể tỷ lệ phòng học/lớp ở cấp tiểu học tại các vùng trên toàn quốc như sau:

1.png
Nguồn từ hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục (http://bgd.csdl.moet.gov.vn)

Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư sau sáp nhập chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Về học sinh và kết quả huy động nhập học

Năm học 2023-2024, toàn quốc có tổng số học sinh tiểu học là 8.919.198 (giảm 313.518 học sinh so với năm học trước); tổng số lớp là 281.611 (giảm 5.804 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 32, ổn định so với năm học trước.

2.png
Nguồn từ hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục (http://bgd.csdl.moet.gov.vn)

Các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế số học sinh tăng nhưng các địa phương đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng học sinh/lớp theo đúng quy định tại Điều lệ trường tiểu học. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương… và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.

Các địa phương đã làm tốt công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi, đầu năm học 2023-2024 đã đạt tỉ lệ này là 1.703.686/1.708.813 (đạt 99,7%). Việc thực hiện đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc.

3.png
Nguồn từ hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục (http://bgd.csdl.moet.gov.vn)

Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học

Các địa phương đã không ngừng chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hướng đến đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng theo chuẩn.

Cụ thể, hầu hết các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu giáo viên, báo cáo ủy ban nhân dân cấp huyện để tham mưu Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành các Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí hợp đồng lao động giáo viên năm học 2023-2024 nhằm đảm bảo đủ giáo viên trong các cơ sở giáo dục; ưu tiên giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo các yêu cầu đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để dạy học lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức dạy học học tích cực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là xây dựng và triển khai tốt kế hoạch tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4; tạo điều kiện để tất cả giáo viên, cán bộ quản lý (bao gồm các trường công lập và tư thục) được tham gia các đợt tập huấn năng cao năng lực quản lý, tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trước bối cảnh đổi mới giáo dục tiểu học.

Các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nhà giáo; mỗi thầy giáo, cô giáo thực sự là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/01/2019 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường thực hiện giảm áp lực sổ sách không cần thiết cho giáo viên.

Năm học 2023-2024, toàn quốc có 485.200 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các trường tiểu học, trong đó có 393.096 giáo viên (giảm 755 giáo viên so với năm học 2022-2023), tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,41. Nhìn chung, cơ bản đủ để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Các địa phương tăng cường thực hiện tuyển mới giáo viên, trong đó chú trọng đến giáo viên các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới như môn Tiếng Anh, Tin học. Phân bố tỷ lệ giáo viên trên lớp ở cấp tiểu học theo vùng trên toàn quốc như sau:

4.png
Nguồn từ hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục (http://bgd.csdl.moet.gov.vn)

Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và học liệu

Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất các nhà trường, trên cơ sở đó tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rà soát nhu cầu, đăng ký và triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 4; mua sắm thiết bị dạy học hiện đại, phòng học thông minh trang bị cho phòng học lớp 4 theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, ngân sách địa phương và từ nguồn xã hội hóa, nhiều trường đã được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại như: ti vi thông minh, máy chiếu, bảng thông minh,… để triển khai các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều trường đã huy động các nguồn lực mua sắm thiết bị dạy học cho các phòng học để tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trực tiếp như là giải pháp tương hỗ khi các điều kiện dạy học trực tiếp gặp khó khăn. Đồng thời, kế thừa những thiết bị dạy học này để vận dụng vào quá trình tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của từng địa phương, nhà trường trong năm học.

Linh An