LTS: Quý vị đang theo dõi tự sự của cô giáo Phạm Đỗ Bình An (từ Tây Nguyên) về nghề giáo.
Cô kể chuyện gia đình cô, và chưa chắc đã phải là điển hình trong xã hội, nhưng là một câu chuyện không nên bỏ qua.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
3 chị em gái chúng tôi, mặc dù hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau nhưng ba mẹ quyết cho ăn học và đều tốt nghiệp Đại học Sư phạm với mong muốn con cái được đi làm “bà giáo” với người ta để đổi thay số phận.
Tôi là chị cả, may mắn ra trường từ năm 2006 và xin được việc sau đó một năm ở một nơi vùng sâu, vùng xa.
Cô em kế, 6 năm rồi đã làm cả hàng chục hồ sơ, nghe ở đâu tuyển giáo viên cũng đến xin, rồi thi tuyển tới 5 lần do sở GD-ĐT các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ mở nhưng đều không được tuyển.
Có một điều lạ là một số bạn bè ở cùng xã cùng ra trường với em tôi họ đều nhanh chóng có việc làm, đứa muộn cũng chỉ năm thứ 2, hỏi ra đứa nào cũng nói nhỏ là “xin bằng tiền”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Hàng chục người lao động đang kêu cứu vì bị "lừa" đi lao động ở Belarus
(GDVN) - Hàng chục lao động người Việt Nam bỗng chốc lâm vào cảnh trắng tay sau một thời gian làm việc tại Belarus...
Chuyện này thực hư thế nào không được biết chính xác, vì không có bằng chứng gì để chứng minh.
Thế nhưng, không ít lần đã nhiều người dạm bảo “đưa tiền chạy việc” và họ hứa 100% sẽ được, song ba mẹ không thể có khả năng lo tới hơn 100 triệu cho con đi dạy, và thêm nữa cũng khó tin tưởng khi đồng tiền người ta đã cầm, lỡ không xin được thì rất khó đòi lại. 31 tuổi cô em buộc phải lấy chồng vì sợ đợi xin được việc mới lập gia đình thì có nguy cơ ế.
Cô em út ra trường thì về nhà mở ngay một trang trại nho nhỏ để chăn nuôi heo nái, heo thịt.
Hai năm qua em cũng luôn dò hỏi, thậm chí nhờ vả nhiều chỗ nhưng việc vẫn chưa xin được. Có điều cô Út rất vô tư, thường bảo rằng “xin được thì xin, không thì sẽ lấy việc nuôi heo làm cái nghề, làm gì chẳng là lao động”.
Nhiều người nói kháy: "Học đại học Sư phạm để về nuôi heo sao?”, em tôi chẳng buồn mà tỉnh bơ trả lời “thì có trình độ để áp dụng vào chăn nuôi càng tốt chứ sao?”.
Ở quê tôi còn khá nhiều sinh viên Đại học, Cao đẳng ra trường thuộc diện con nhà nông dân không có gì gọi là khá giả nhiều năm vẫn không thể nào xin được việc.
Còn con nhà giàu chẳng hiểu sao họ ra trường cái là có cơ quan nhận vào làm việc ngay?
Cũng may quê tôi là vùng nông thôn, gia đình nông dân nào cũng có ít nhất 5 sào đất trở lên, nên đám sinh viên ra trường rồi thì cố cày sâu, cuốc bẫm để chờ đợi xin việc, chứ những nơi đất chật, người đông không biết họ làm gì trong những tháng năm dài đằng đẵng ấy?