LTS: Liên quan đến vấn nạn tham nhũng, lạm quyền từ các “công bộc” của dân, tác giả Trần Sơn đã có bài viết gửi tòa soạn trình bày những bức xúc về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Tiếng hát át tiếng nợ
Ở xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) chuyện cán bộ thường xuyên tổ chức ăn chơi, nhậu nhẹt đến mức vỡ nợ đã làm cho dư luận hết sức bức xúc.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, xã này hiện đã nợ ngân hàng lên đến 38 tỷ đồng; riêng các quán nhậu, quán hát thì số tiền lên đến vài trăm triệu.
Ngoài ra, xã còn chịu chơi đến mức tổ chức các cuộc “đi thực tế” ở Sầm Sơn và Cửa Lò với số tiền hơn 145 triệu đồng.
Cái đặc biệt là, cán bộ ở đây rất yêu văn nghệ, sau mỗi cuộc nhậu là họ lại kéo nhau đi hát “nợ”, thật đúng là “tiếng hát át tiếng nợ".
Hóa ra, các vị công bộc này chỉ nghĩ đến chuyện ăn chơi chứ đâu có tập trung làm việc xã, việc dân. Hơn nữa, lại ăn chơi bằng tiền của Nhà nước dù là “ăn chơi chịu”.
Làm quan mà không liêm khiết, bè phái, nhận hối lộ sẽ đánh mất niềm tin của nhân dân (Ảnh: laodong.com.vn). |
Nhưng rất lạ là, dù làm việc yếu kém, “chịu ăn chơi” và “ăn chơi chịu” đã nhiều nhưng ông Chủ tịch xã chỉ bị giáng chức chuyển xuống làm Trưởng công an xã và bàn giao cái nợ siêu khủng kia sang ông Chủ tịch kế nhiệm.
Rồi đây, cái nợ này ai trả, nếu không phải đổ lên đầu Nhà nước và nhân dân?
Trong thực tế, có không ít xã có tình trạng nợ siêu, nợ khủng và cái chuyện “nợ ăn, nợ hát” của một số xã cũng đã trở thành “chuyện thường ngày ở xã”, chỉ có điều chúng còn lấp liếm trong bóng tối mà chưa được lôi ra trước công luận.
"Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân” |
Chả thế mà có một số nơi, chủ các quán nhậu còn lên tận Ủy ban xã làm ầm ĩ lên để đòi nợ, thậm chí có người còn mang xăng lên đòi đốt trụ sở Ủy ban xã (như ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau).
Để biết được cụ thể chuyện “công nợ ăn chơi” của các vị quan xã, chỉ cần đến các quán nhậu đông khách ở xã đó mà hỏi thì chắc chắn sẽ có một quyển sổ riêng ghi “công nợ” của xã có khi từ vài triệu đến vài trăm triệu như xã Đồng Thái.
Ngoài việc gây lãng phí, thất thoát tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân, hiện tượng “chịu chơi, chơi chịu” này còn làm mất đi hình ảnh đúng mực của người cán bộ, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cán bộ và chính quyền các cấp.
Để khắc phục tình trạng này cần có sự vào cuộc kiểm tra, thanh tra nghiêm túc của ngành chức năng, đặc biệt là cần sự giám sát, phản ánh, tố cáo của nhân dân nếu phát hiện ra các dấu hiệu vi phạm của đội ngũ cán bộ.
Đồng thời các cấp quản lý cũng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ không để tình trạng cán bộ chỉ lo ăn chơi để nợ cho dân mà không chịu tập trung làm việc.
Công bộc “bảo kê, ăn chặn”
Sự việc ba ông “quan” thanh tra thành phố Cần Thơ bị bắt vì làm bảo kê thu tiền “mãi lộ”, “mua lốt” của các doanh nghiệp vận tải khi đi trên địa bàn thành phố này đã làm xôn xao dư luận mấy ngày qua.
Báo chí đưa tin, ba ông “quan” thanh tra này gồm hai ông Đội trưởng và một ông Đội phó.
Mỗi xe qua địa bàn là phải nộp tiền hàng tháng cho các ông đó từ 1-3 triệu đồng, nếu không nộp số tiền trên thì các xe đi qua đây sẽ bị gây khó dễ.
Tổng số tiền mà các ông “quan” này thu được của các doanh nghiệp khi bị bắt là hơn 3,4 tỉ đồng. Đường dây bảo kê này đã hoạt động từ năm 2014.
Nói thẳng ra, số tiền “ăn chặn” này có thể lớn hơn rất nhiều con số trên.
Như vậy, trên thì các vị “công bộc” này lừa dối Nhà nước, làm sai quy định, làm ngơ cho các xe vi phạm lưu thông, dưới thì họ lại “hành” và “moi tiền” của doanh nghiệp.
Chỉ có điều, nhiều người tự hỏi: Liệu có thế lực lớn hơn chống lưng cho những vị “quan” bảo kê này để họ đương chức trong một thời gian dài và tham ô với những số tiền “khủng” như thế?
Những chuyện kỳ nhưng không lạ! |
Các báo cũng cho biết, hiện Công an thành phố Cần Thơ đang mở rộng điều tra, hy vọng rằng công luận sớm nhận được đáp án của câu hỏi trên!
Hiện tượng “mãi lộ”, “mua lốt xe” đã có nhiều vi phạm và bị vạch trần nhưng lạ là vẫn cứ tồn tại, cái này có lẽ phải hỏi các cơ quan chức năng mới rõ được?
“Con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nếu sâu “khủng” quá hoặc nhiều sâu quá thì có còn là nồi canh nữa không, hay là thành “canh sâu”.
Hiện tượng bảo kê, thu tiền “mãi lộ”, “mua lốt xe” này khiến người dân, ở đây là doanh nghiệp gọi hành động trên của ba ông “quan” thanh tra Cần Thơ là “cướp cạn”, “cướp ngày” có lẽ là không oan uổng gì.
Nhân dân rất mong đợi vào sự quản lý chặt chẽ, sự điều tra nghiêm túc, xét xử công minh tới đây của các cơ quan chức năng để hạn chế tối đa hiện tượng “cướp cạn” này.