Thầy trò Thôn Cuôi mong sớm thoát cảnh học trong "lò lửa" mỗi mùa gió Lào thổi

12/04/2023 06:33
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với hai lớp học ghép trong những tấm tôn sắt hấp nhiệt, thầy, trò phải vượt qua từng tiết học trong gió Lào khô khốc của miền Tây Trường Sơn.

Dòng Sê Băng Hiêng, dù chỉ cách biển Cửa Tùng khoảng 40km theo đường chim bay nhưng chạy dài trên mặt đất lại mất hàng ngàn cây số để tìm ra tới biển Đông, bởi đây là dòng sông hiếm hoi của Việt Nam chảy ngược qua đất bạn Lào.

Người dân ở đây cứ bảo con sông chảy ngược, số phận “truân chuyên”, nên những vùng đất bên sông cũng gập ghềnh, khúc khuỷu. Vì thế, hành trình kiếm tìm con chữ của thầy, trò trên điểm trường thôn Cuôi, (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập) ở xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị - gần với con sông này - cũng lắm những gian nan.

Điểm trường thôn Cuôi là xa nhất của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập. Các thầy cô giáo của nhà trường nhắc chúng tôi phải chuẩn bị thật kỹ khi muốn đến thăm điểm trường, bởi đường đi vô cùng khó khăn, vất vả.

Để lên thôn Cuôi, các thầy giáo phải 2 lần vượt sông Sê Băng Hiêng. Ảnh: LC

Để lên thôn Cuôi, các thầy giáo phải 2 lần vượt sông Sê Băng Hiêng. Ảnh: LC

Điểm trường thôn Cuôi, bám theo dòng sông Sê Băng Hiêng nhưng ở hướng ngược lên thượng nguồn.

Từ cầu Sê Băng Hiêng (cạnh Đồn Biên phòng Hướng Lập) đi về thôn Cuôi theo hướng huyện Vĩnh Linh phải qua con đường men theo dòng sông đầy dốc. Một bên là vách núi, một bên là vực nhìn xuống dòng sông sâu.

Bây giờ, các thầy cô giáo đã có thể đi xe máy đến điểm trường vào mùa khô, nhưng cũng phải vượt qua sông Sê Băng Hiêng 2 lần.

Còn trước đây, các thầy cô giáo cả đi cả về có đến 52 lần lội sông. Mà sở dĩ các thầy cô nhớ được con số 52 này bởi trên chặng đường của mình, mỗi lần vượt sông, các thầy cô lại ngắt một chiếc lá cho vào túi, để xong hành trình sẽ đếm số lần. Và cả đi, cả về có tất cả 52 chiếc lá.

Với chúng tôi, sau hơn 1 giờ đồng hồ băng qua đường mòn bám theo những vách núi, cuối cùng cũng đã đến được điểm trường thôn Cuôi.

Đường vào thôn Cuôi. Ảnh: LC

Đường vào thôn Cuôi. Ảnh: LC

Ở điểm trường thôn Cuôi, năm học 2022 – 2023 chỉ còn lại lớp tiểu học với 15 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4; lớp mầm non không mở vì không đủ học sinh.

Phụ trách điểm trường là thầy Lê Quỳnh Lưu dạy lớp ghép 3 – 4 và thầy giáo Nguyễn Việt Khảm dạy lớp ghép 1 – 2. Các thầy đều có trên 10 năm gắn bó với vùng biên phía Tây Trường Sơn.

Thôn Cuôi vẫn chưa có sóng điện thoại, may mắn là vài tháng nay ở điểm trường đã có điện, cuộc sống của các thầy cũng có thay đổi đôi chút.

Lớp học "thùng tôn" của thầy và trò thôn Cuôi. Ảnh: LC

Lớp học "thùng tôn" của thầy và trò thôn Cuôi. Ảnh: LC

Cách đây mấy năm, đường vào thôn Cuôi quá khó khăn. Bởi chỉ có con đường độc đạo lắm dốc, bị che khuất bởi cây cối và đá núi. Mùa mưa nước chảy xé ngang đường tạo nên nhiều hố ngăn cách; mùa nắng lởm chởm ổ voi, bụi đỏ. Các thầy vào trong điểm trường dạy học, vào mùa mưa thì ở trong điểm trường cả tháng, không quay ra trung tâm xã Hướng Lập được.

Khi chúng tôi đến, Hướng Lập lúc này bắt đầu mùa gió Lào. Lớp học ở thôn Cuôi như một chiếc hộp kim loại bởi mái tôn thấp lè tè, xung quanh cũng gia cố bằng tôn, nóng ngang chiếc chảo gang phơi nắng, mỗi khi có cơn gió Lào tràn vào, thầy trò lại mướt mải mồ hôi.

Cách đây vài tháng, thôn Cuôi đã có điện, lớp học cũng có quạt, nhưng thầy không dám bật quạt nhiều bởi sợ không khí nóng phả vào mặt học trò.

Lớp ghép 2 trình độ lớp 3 - 4 của thầy Lê Quỳnh Lưu. Ảnh: LC

Lớp ghép 2 trình độ lớp 3 - 4 của thầy Lê Quỳnh Lưu. Ảnh: LC

Nhiều lúc thấy học trò nóng, các thầy cũng muốn đưa học trò ra gốc cây, có tán rộng để học, cho dịu bớt cái nóng, nhưng điều này cũng rất khó thực hiện, bởi người dân không thấu hiểu, thông cảm cho, thắc mắc có lớp mà tại sao ra gốc cây ngồi.

Thầy Lưu bảo, nóng đã khổ rồi nhưng mưa còn khổ hơn bởi mưa ở Tây Trường Sơn cũng rất dữ dội. Trong lớp học "hộp sắt" này, tiếng mưa ồn, thầy, trò nói không ai nghe thấy tiếng ai. Tiếng mưa át cả tiếng thầy giảng. Lúc ấy, học trò chỉ biết ngồi làm bài tập và ngồi nhìn mưa rơi.

Cũng theo lời của các thầy, do điểm trường trung tâm có bán trú nên một số em lớp 5 được ra trung tâm học bán trú, vừa đỡ vất vả cho các em và gia đình, vừa giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Và ở những lớp học lắm không như ở thôn Cuôi này (không thiết bị hỗ trợ giảng dạy, không nhà vệ sinh, không sóng điện thoại…) cả thầy cả trò đang phải nỗ lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lớp ghép 2 trình độ lớp 1 - 2 của thầy Nguyễn Việt Khảm. Ảnh: LC

Lớp ghép 2 trình độ lớp 1 - 2 của thầy Nguyễn Việt Khảm. Ảnh: LC

Khi chúng tôi hỏi các thầy giáo về khó khăn khi triển khai giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các thầy bảo, theo yêu cầu đổi mới, theo yêu cầu của sự phát triển nói chung thì chương trình mới rất có nhiều điểm sáng tạo. Ở vai trò người dạy, các thầy phải thay đổi để thích ứng.

Khi nói chuyện với học trò về chương trình mới, các em cũng thích thú lắm khi biết sẽ được học với máy tính, được vẽ mầu, hát nhạc... Đặc biệt, học trò ở đây thích hát, hát hay, chất giọng rất có nội lực.

Tuy nhiên, vì là điểm ở xa, lớp học lại còn nhiều thiếu thốn, nên các thầy vừa dạy chương trình mới, vừa khắc phục khó khăn. Một thầy, "cân tất" các nhiệm vụ: Từ dạy các môn Toán, tiếng Việt, đến Mỹ thuật, Thể dục, Tin học… và đương nhiên, làm luôn vai trò giáo viên chủ nhiệm.

Với môn Tin học, các thầy cũng đã xin được 1 chiếc máy tính để bàn. Chiếc máy tính này các thầy cũng chỉ để... giới thiệu cho các em quan sát, xong rồi lại đắp màn bảo quản.

Lúc được hỏi liệu có quá vất vả và đảm bảo chất lượng dạy học không khi một giáo viên phải kiêm dạy nhiều môn, các thầy chỉ cười bảo, phải cố gắng làm tốt nhất có thể.

Bên cạnh đó, theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên tiểu học sẽ dạy 23 tiết/tuần, nhưng ở điểm trường thiếu giáo viên nên các thầy đều phải dạy lên 32 tiết/ tuần giữa trời nắng nóng.

Khu tái định cư của người dân, dự định sẽ có lớp học cho thầy và trò ở điểm trường thôn Cuôi nhưng hiện nay vẫn đang chậm tiến độ. Ảnh: LC

Khu tái định cư của người dân, dự định sẽ có lớp học cho thầy và trò ở điểm trường thôn Cuôi nhưng hiện nay vẫn đang chậm tiến độ. Ảnh: LC

Cả tuần miệt mài với học sinh, miệt mài với chương trình mới, niềm vui duy nhất của các thầy là những cuốn tạp chí cũ hoặc cuối tuần ra sông bủa lưới cho đỡ buồn, kiếm thêm chút cá để thầy trò cùng cải thiện bữa ăn. Ở thôn Cuôi, người dân chỉ đi chợ vào thứ hai và mua thức ăn dự trữ cho đến cuối tuần.

Học sinh mùa “giáp hạt” cũng chỉ có cơm và muối, thầy mà bắt được thêm con cá, con tôm thì cả thầy, cả trò sẽ có thêm món: Cá, tôm kho... muối. Cá, tôm từ dòng Sê Băng Hiêng bao năm qua cũng góp phần giúp các thế hệ thầy trò ở đây cải thiện phần nào bữa ăn trên hành trình gieo chữ.

Hi vọng mới được mở ra, khi các cấp chính quyền đã có chủ trương rời lớp học vùng gian khó này về địa điểm thuận lợi hơn. Các thầy cũng được trao đổi về việc hết tháng 3/2023, thầy và trò sẽ được ra khu tái định cư mới, có lớp khang trang hơn.

Nhưng giờ đã là tháng 4, khi gió Lào bắt đầu ùa về vần vũ quanh lớp học, thầy, trò vẫn phải gắng gượng đi qua từng con chữ giữa cái nắng nóng của lớp học cũ.

Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Hướng Lập - Hồ Thị Ven cho biết, khu tái định cư bị chậm tiến độ, địa phương đã có nhiều lần kiến nghị và hi vọng khoảng tháng 8/2023, người dân sẽ được về khu tái định cư và lớp học ở thôn Cuôi cũng sẽ được về theo. Vậy là, thầy và trò điểm trường thôn Cuôi vẫn phải đợi thêm.

Trần Phương