Ngày 15/10/2019, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Nghị quyết số 21 - NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết 20 ghi nhận: Hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Đội ngũ thầy thuốc và cán bộ, nhân viên y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ngày càng tăng.
Chính sách tài chính y tế có nhiều đổi mới; diện bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Tỉ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám, chữa bệnh giảm nhanh. Ứng dụng công nghệ thông tin từng bước được đẩy mạnh.
Y tế dự phòng được tăng cường, đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch lớn. Các yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ như môi trường, thực phẩm, rèn luyện thân thể, đời sống tinh thần… được quan tâm hơn.
Năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Lĩnh vực dược, thiết bị y tế có bước tiến bộ. Mô hình kết hợp quân - dân y được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Các chỉ số sức khoẻ, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao. Nhiều tấm gương y bác sĩ tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.
Nghị quyết 20 cũng nêu quan điểm chỉ đạo: Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.
Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu.
Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế.
Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.
Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tốt trong những năm qua. |
Tiếp và làm việc với đoàn về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; cùng đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Sở/Ban/Ngành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; các cơ quan truyền hình thông tấn Trung ương, địa phương đã về dự.
Báo cáo Bộ trưởng và Đoàn công tác, ông Nguyễn Vy Hồng - Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020 hệ thống mạng lưới y tế có sự sắp xếp và phát triển theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Hiện nay, số đầu mối trực thuộc Sở giảm từ 34 xuống còn 26. 8 bệnh viện tuyến tỉnh, 528 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, nguồn nhân lực của y tế toàn tỉnh là 6388 cán bộ, trong đó 1908 bác sĩ, đạt 15,0 bác sĩ/10.000 dân.
Hệ thống y tế dự phòng được củng cố và phát triển từ tỉnh đến cơ sở; công tác tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 97%.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị; đào tạo cán bộ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Công tác phát triển y tế chuyên sâu cũng được đẩy mạnh; các kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh được triển khai thành công tại nhiều bệnh viện của tỉnh.
Cùng với đó công tác quản lý dược, ứng dụng công nghệ thông tin vào các bệnh viện, thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam cũng được tỉnh triển khai có hiệu quả…
Bên cạnh những kết quả đạt được ngành Y tế Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn như:còn nhiều công trình dự án được phê duyệt nhưng triển khai còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí; nhân lực y tế còn thiếu, nhất là bác sĩ có tay nghề cao; tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp cùng với đó có sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm cũng như gánh nặng của bệnh lây nhiễm HIV/AIDS, lao còn cao.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đưa ra một số kiến nghị đối với Bộ Y tế như: Tiếp tục quan tâm định hướng cho Thái Nguyên phát triển y tế vùng; chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn ứng dụng các thành quả của khoa học vào công tác khám, chữa bệnh; giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Thái Nguyên.
Taị buổi làm việc các thành viên trong Đoàn công tác đã cũng thảo luận, trao đổi và giải đáp những vướng mắc khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết, những vấn đề vướng mắc về chính sách, nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, quản lý nhà thuốc trên địa bàn, cũng như vướng mắc trong khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và đã đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với ngành Y tế Thái Nguyên; cũng như sự thay đổi của hệ thống y tế Thái Nguyên trong những năm gần đây.
Những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thái Nguyên nêu lên, Bộ trưởng cho rằng, đây là những kiến nghị rất xác đáng, đồng chí ghi nhận, tiếp thu những ý kiến kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời đề nghị tỉnh xây dựng đề án nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cả về số lượng, chất lượng, cho ngành Y tế đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh phát triển rất cao của nhân dân trên địa bàn; cùng với đó có quy hoạch phát triển Y tế, đẩy nhanh chương trình sức khỏe Việt Nam, gắn phát triển y tế cơ sở với dự phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện phát triển ngành Y tế Thái Nguyên lên tầm cao mới.
Bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng. Tăng số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách.
Nghị quyết 20 của Trung ương cũng chỉ rõ nhưng yêu cầu nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở:
Phát triển y học gia đình. Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.
Đẩy mạnh kết hợp quân - dân y, y tế ở vùng biên giới, hải đảo. Kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y.
Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.
Thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ, khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ.
Chú trọng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Quan tâm chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp.