Công tác đào tạo của Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang những năm qua ra sao?

03/09/2023 06:33
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang đào tạo 4 ngành trình độ Đại học, 2 ngành trình độ Thạc sĩ, không đào tạo trình độ Tiến sĩ.

Trường Đại học Văn Lang là trường đại học tư thục, thành lập năm 1995. Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu hiện đang đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Chủ tịch Hội đồng trường hiện nay là bà Bùi Thị Vân Anh, thay thế cho ông Nguyễn Cao Trí - người từng đảm nhận vị trí này trước đó.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh ý kiến của bạn đọc liên quan đến bằng tiến sĩ của Trưởng khoa Du lịch Lê Minh Thành, cùng như lo lắng liên quan việc quản lý, đào tạo của Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm có thêm thông tin cung cấp cho độc giả, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số tìm hiểu về công tác đào tạo của Khoa Du lịch qua các thông tin được công khai.

Được biết, tính đến năm học 2023-2024, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang đào tạo 4 ngành trình độ đại học (Du lịch, Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống), 2 ngành trình độ Thạc sĩ (Quản trị Khách sạn, Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành), không đào tạo trình độ Tiến sĩ.

Chỉ tiêu đào tạo các năm ra sao?

Theo Báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, được biết tính đến tháng 12 năm 2022, quy mô đào tạo đại học của Trường Đại học Văn Lang là 42.882 sinh viên. Trong đó, Khoa Du lịch của Trường thuộc Khối ngành VII, tổng quy mô của khối ngành này theo công bố của Trường là 14.638 sinh viên. Chi tiết số lượng sinh viên của từng ngành trong khối ngành VII, phóng viên không tìm thấy thông tin công khai.

Thống kê số lượng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của Khoa Du lịch trong vòng 5 năm qua như sau:

CHỈ TIÊU TUYỂN SINH TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC TRONG 5 NĂM QUA

CỦA KHOA DU LỊCH, TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN LANG

Trình độ Đại học

2023

2022

2021

2020

2019

Ngành đào tạo

Chỉ tiêu dự kiến

(theo ĐATS 2023)

Chỉ tiêu dự kiến

(theo thông tin trong ĐATS 2023)

Chỉ tiêu dự kiến

(theo ĐATS 2021)

Chỉ tiêu dự kiến

(theo ĐATS 2020)

Chỉ tiêu dự kiến

(theo ĐATS 2019)

Du lịch

120

50

50

//

//

Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành

120

370

86

95

150

Quản trị khách sạn

250

600

86

180

150

Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống

120

229

229

//

//

Tổng

610

1249

451

275

300

Kết quả bảng thống kê cho thấy chỉ tiêu hàng năm của Khoa Du lịch nhìn chung có xu hướng tăng qua từng năm, biến động nhất vào năm 2022.

Thực tế, số liệu chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 được phóng viên lấy từ bảng bảng thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất (theo phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp) trong đề án tuyển sinh năm 2023.

Trong đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Văn Lang, phóng viên không tìm thấy số liệu cụ thể liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh các ngành năm 2022 của nhà trường.

Các ngành của Khoa Du lịch được tuyển sinh bằng 3 phương thức chính: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ) và xét kết quả thi đánh giá năng lực. Trong đó, phần lớn chỉ tiêu tập trung cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Hai ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành và Quản trị khách sạn thường có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn so với các ngành còn lại.

Tỷ lệ sinh viên (các ngành thuộc Khoa Du lịch) tốt nghiệp có việc làm theo số liệu công bố mới nhất trong đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Văn Lang khoảng 90% (cụ thể, tỷ lệ sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành 93,1%, Quản trị khách sạn 87,73%).

Năm nay, Khoa Du lịch dự kiến tuyển sinh khoảng hơn 600 chỉ tiêu cho 4 ngành đào tạo trình độ cử nhân. Số lượng chỉ tiêu này gấp đôi số lượng tuyển sinh năm 2019.

Theo đề án tuyển sinh 2023, mức học phí các ngành đào tạo thuộc Khoa Du lịch dự kiến dao động trong khoảng 20 đến 30 triệu đồng/học kỳ, tùy ngành.

Đề án tuyển sinh cũng nêu thêm, hàng năm, các ngành đào tạo sẽ cung cấp thêm các khóa đào tạo kỹ năng, trang bị thêm trang thiết bị, bổ sung các dịch vụ tiện ích,… nhằm bảo đảm giá trị tăng thêm cho sinh viên khi học tập tại Trường. Do đó, mức học phí của những năm sau có thể sẽ thay đổi, nhưng sẽ tăng không quá 8% mức học phí tiêu chuẩn.

Khoa Du lịch bắt đầu đào tạo Thạc sĩ từ năm học 2022-2023

Đối với đào tạo bậc sau đại học, hiện Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang đào tạo trình độ Thạc sĩ đối với 2 ngành: Quản trị Khách sạn và Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Chương trình đào tạo của 2 ngành này đều theo hướng ứng dụng. Tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Thời gian đào tạo theo công bố của Trường là 18 tháng đối với cả 2 ngành.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Khoa Du lịch bắt đầu tuyển sinh trình độ Thạc sĩ đối với 2 ngành này bắt đầu từ năm học 2022-2023. Tính đến năm học 2023-2024, Khoa Du lịch tuyển sinh năm thứ 2 các ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ.

Trong thông báo tuyển sinh trình độ Thạc sĩ của Trường Đại học Văn Lang không công bố chỉ tiêu tuyển sinh các ngành. Trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trước đó, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang cho biết số học viên của hai ngành này đến nay là 34 người.

Học phí đào tạo theo công bố là 80 triệu đồng đối với cả 2 ngành Quản trị Khách sạn và Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành.

Số lượng giảng viên đào tạo các chuyên ngành về du lịch ra sao?

Về đội ngũ giảng viên, số lượng giảng viên thuộc khối ngành VII năm học 2022-2023 là 479 giảng viên. Trong đó, 1 Giáo sư, 15 Phó giáo sư, 65 Tiến sĩ, 389 Thạc sĩ và 9 giảng viên trình độ Đại học.

Thống kê chi tiết số lượng giảng viên các chuyên ngành về du lịch (thuộc khối ngành VII) của Khoa Du lịch từ báo cáo ba công khai 3 năm gần nhất của Trường cho thấy, số lượng giảng viên các chuyên ngành năm học 2022-2023 có sự sụt giảm đáng kể so với năm 2021-2022.

Cụ thể, tổng số giảng viên năm 2022-2023 giảm 28 người so với năm 2021-2022. Trong đó, giảng viên các ngành Quản trị khách sạn và Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành có số lượng giảm mạnh nhất, lần lượt là 16 và 6 giảng viên.

Năm học

2022-2023

2021-2022

2020-2021

Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành

24

30

38

Quản trị khách sạn

28

44

38

Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống

10

13

11

Du lịch

7

10

//

Tổng

69

97

87

Bên cạnh số lượng giảng viên giảm, các giảng viên có học hàm, học vị Phó giáo sư, trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ của Khoa cũng đang có xu hướng giảm. Chi tiết độc giả theo dõi biểu đồ dưới đây:

Lưu ý: Số lượng giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư tiếp tục được Trường Đại học Văn Lang tính vào giảng viên có trình độ Tiến sĩ nên tổng số giảng viên phân theo trình độ nhiều hơn so với số giảng viên cơ hữu thống kê ở bảng trên.

Trước đó, cũng trả lời trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn năng lực đào tạo sau đại học của hai ngành Du lịch, Khách sạn là 50 người.

Được biết, hiện bằng tiến sĩ của thầy Lê Minh Thành, Trưởng khoa Du lịch của Trường Đại học Văn Lang vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam. Theo thông tin mà phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có được, thầy Lê Minh Thành được Đại học SMC cấp bằng Tiến sĩ từ năm 2017. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang cho biết, hiện thầy Lê Minh Thành vẫn đang làm thủ tục công nhận bằng tiến sĩ ở Việt Nam.

Bắc Sơn