Bằng TS chưa được công nhận ở VN, Trưởng khoa Du lịch, ĐH Văn Lang nói gì?

01/09/2023 06:37
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn Lang được cấp bằng TS của nước ngoài từ 2017. Đã 5 năm, thầy Thành cho biết vẫn đang làm thủ tục công nhận. 

Ngày 31/8, liên quan đến việc bằng tiến sĩ của thầy Lê Minh Thành, Trưởng khoa Du lịch – Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh chưa được công nhận tại Việt Nam, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Minh Thành đã có những lý giải về vấn đề này.

Bằng tiến sĩ được cấp từ năm 2017

Thầy Lê Minh Thành cho biết, thầy được Trường SMC của Thụy Sỹ cấp bằng tiến sĩ vào năm 2017, ngành Quản trị học. Trước đó thì thầy có bằng thạc sĩ vào năm 2010 do Đại học Melbourne, Úc cấp vào năm 2010.

Từ tháng 8/2019, thầy Lê Minh Thành chuyển công tác về Trường Đại học Văn Lang, giữ vai trò là Trưởng khoa Du lịch.

Trả lời câu hỏi của phóng viên việc tại sao thời gian kiểm định bằng tiến sĩ của thầy Thành lại quá lâu như vậy, thầy Lê Minh Thành giải thích: “Do phải thu thập đầy đủ thông tin theo yêu cầu của phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại những thời điểm khác nhau lại có những yêu cầu khác, nên cũng cần phải bổ sung thông tin.

Công tác xác nhận, kiểm định văn bằng có rất nhiều thủ tục, yêu cầu lại thay đổi liên tục, nên mới xảy ra chuyện kéo dài đến như vậy”.

Trường Đại học Văn Lang (ảnh minh họa: VLU)

Trường Đại học Văn Lang (ảnh minh họa: VLU)

Cũng theo thầy Lê Minh Thành, thầy học tiến sĩ theo hình thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Học trực tiếp thì tại Hoa Kỳ, một trong hai địa điểm đào tạo của Trường SMC (Hoa Kỳ và Thụy Sỹ).

Thầy Lê Minh Thành cho biết: “Tới hiện giờ, thầy vẫn chưa thể gửi kiểm định lại bằng tiến sĩ, do chưa thu thập đầy đủ các thông tin như được yêu cầu”.

Về lý do thầy Lê Minh Thành có bằng tiến sĩ ngành Quản trị học, nhưng lại làm Trưởng khoa Du lịch, thầy Thành giải thích, là do toàn bộ các đề tài mà thầy thực hiện đều có liên quan đến du lịch.

Nói thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực của Trường Đại học Văn Lang giải thích miễn đừng là trưởng bộ môn, đứng chủ trì ngành là được.

Miễn là thầy có bằng tiến sĩ, có thời gian giảng dạy theo yêu cầu, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cần thiết là được.

Kiểm tra văn bằng do nước ngoài cấp bằng cách nào?

Là một trường đại học công lập nằm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm thành phố nói rằng, toàn bộ các văn bằng, chứng chỉ do nước ngoài cấp cho các thầy cô trong trường đều phải được kiểm tra lại hết.

Thầy Trần Đình Lý cho hay, trước đây thì những bằng cấp nước ngoài đều phải gửi về Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác nhận, kiểm định lại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có phân cấp lại cho các trường trong việc này. Các trường có thể tự kiểm tra và báo lại cho Bộ, bằng cách vào website của các trường (nơi cấp văn bằng cho các thầy cô) để tra cứu văn bằng xem như thế nào, rồi ghi nhận lại hình ảnh, chụp lưu hồ sơ cá nhân của các thầy cô.

Theo thầy Trần Đình Lý, nếu những trường đó mà không có hệ thống tự tra cứu văn bằng trên website, thì bắt buộc phải có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhờ kiểm tra.

Hoặc có một cách khác nữa là Phòng Hợp tác Quốc tế của các trường phía Việt Nam sẽ làm việc bằng văn bản với phía trường bạn (nơi cấp văn bằng) để nhờ kiểm tra, thẩm định.

Nếu áp dụng công nghệ số, tra cứu trực tiếp trên website thì sẽ cho kết quả ngay lập tức, còn nếu làm văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng để nhờ kiểm tra, thẩm định lại thì cần có một thời gian để cho ra kết quả.

Nhìn chung, Tiến sĩ Trần Đình Lý nhấn mạnh rằng, công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ do nước ngoài cấp được nhà trường xác minh rất kỹ, để tránh các sai sót có thể xảy ra.

Việt Dũng