Ngày 9/5, thực hiện chương trình phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.293 kiến nghị của cử tri.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong đó, có 57 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,49%); 2.174 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành (chiếm 94,81%); 56 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 2,44%); 06 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,26%).
Các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyềnxem xét giải quyết và trả lời cử tri theo quy định, đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển.
Theo tổng hợp của Ban Dân nguyện, cũng như các kỳ họp trước đây, một số lĩnh vực vẫn luôn nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri nhiều địa phương như lĩnh vực giáo dục đào tạo (248 kiến nghị), về giải quyết việc làm và an sinh xã hội (190 kinh nghị), về tài nguyên, môi trường (189 kiến nghị), về nông nghiệp, nông thôn (167 kiến nghị), về cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương (122 kiến nghị)...
Về vấn đề tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cử tri Thành phố Hà Nội cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn thay đổi đề án thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này.
Cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk,... phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này và các giải pháp khắc phục hậu quả.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết , Bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi.
Ngày 04/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra thông báo nêu rõ, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ được giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và năm 2018, đồng thời thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập, đặc biệt là hiện tượng gian lận, đảm bảo tổ chức kỳ thi được khách quan, an toàn, nghiêm túc.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn trả lời kiến nghị cử tri một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận,... về các giải pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; việc cải cách, đổi mới giáo dục; về thay đổi sách giáo khoa; về chế độ đối với giáo viên mầm non...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu thảo luận tại phiên họp về nội dung trên, ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 vừa qua, cử tri kiến nghị cần có hướng xử lý đối với phụ huynh, thí sinh liên quan đế vụ gian lận điểm thi trong vụ tiêu cực thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.
“Phụ huynh, thí sinh được nâng điểm thi sẽ xử lý như thế nào, cử tri yêu cầu cần có hướng xử lý”, đại biểu Vũ Hồng Thanh nói.