Ngày 15/10, tại hội trường S5 của Học viện Kỹ thuật quân sự đã diễn ra buổi gặp mặt đặc biệt của những cựu chiến binh Hội đồng đội C224 và C423, một trong những khóa sĩ quan kỹ thuật đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.
Buổi gặp mặt càng trở nên đặc biệt hơn khi Hội đồng đội C224 và C423 kỷ niệm tròn 50 năm ngày nhập trường Đại học kỹ thuật quân sự.
Tiết mục của nhữn người đồng đội hát cho nhau nghe (Ảnh: Lại Cường) |
Cuộc hội ngộ càng thêm ý nghĩa bởi sau nửa thế kỷ, họ có dịp được gặp lại những người bạn, người đồng đội năm xưa của mình và hơn thế nữa họ vinh dự được đón thủ trưởng cũ, thầy Lê Phương Cảo, nguyên phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự đến dự dù tuổi đã 90.
Đại diện thế hệ sau và cũng đang là thế hệ xây dựng và phát triển nhà trường, thiếu tướng Lê Kỳ Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự cũng đã đến dự và phát biểu cảm tưởng.
Qua nửa thế kỷ cùng học tập, chiến đấu, những người thanh niên trai trẻ xưa nay đã là thành ông, thành bà, thành những người lính già đầu bạc. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, trong mắt họ không còn những câu chuyện binh lửa nữa, câu chuyện họ hỏi nhau là ai còn ai mất, ai khỏe, ai ốm, ai đau
Nhiều người đã lãng tai, hỏi thăm nhau phải ghé tai sát lại. (Ảnh: Lại Cường) |
Những người lính năm xưa vẫn vậy, vẫn vẹn nguyên cảm xúc của cuộc chiến, vẫn vẹn nguyên nghĩa tình đồng đội. Đầu bạc, da đồi mồi ám màu khói chiến binh, khi gặp mặt vẫn “tao, mày” như chưa từng có thời gian xa cách, với họ 50 năm trôi qua cũng chỉ như mới vừa hôm qua.
Không chỉ là sự gặp gỡ của những người đồng đội đã từng học tập và chiến đấu vào sinh ra tử, mà cuộc gặp mặt những đồng đội C224 và C423 còn là sự gặp gỡ của thế hệ cha anh đi trước và thế hệ con cháu sau này.
Nhiều người trong số họ đã dẫn cả gia đình 3 thế hệ đến buổi gặp mặt, qua đó, giáo dục truyền thống cho con cháu trong gia đình.
Trong số họ, đã có không ít người đã hi sinh trước khi nhận bằng tốt nghiệp, nhận quyết định phong hàm sĩ quan. Không ít người đã hi sinh dọc đường chiến đấu. Đau xót hơn có những đồng đội của họ hi sinh đúng ngày cả dân tộc được ca khúc khải hoàn.
Cuộc gặp mặt sau 50 năm ngày nhập trường (Ảnh: Lại Cường) |
Cùng chung mái trường, nhưng mỗi người mỗi đơn vị, mỗi người mỗi hoàn cảnh chiến đấu, buổi gặp mặt, những người lính già tự kể cho nhau nghe về những kỷ niệm về năm tháng gian khổ hào hùng, những trận đánh không thể nào quên, những bức ảnh đã đi vào lịch sử, những thời khắc cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng…
Cũng trong buổi gặp mặt truyền thống, những đồng đội già xúc động cùng mừng nhau lên lão 70 mừng mừng tủi tủi.
Chia sẻ với phóng viên, cựu chiến binh Lê Đức Hồng, chia sẻ: “Cảm xúc của tôi giờ thật khó tả. 50 năm đã qua mà hôm nay, ngày gặp lại nhưng với chúng tôi mới như ngày nào chúng tôi xách ba lô vui vẻ lên đường. Những ngày ở Thậm Thình, Tuyên Quang, Vĩnh Phú… những địa danh đã đi qua, những ngày lao động xây trường… tất cả anh em gặp lại thấy nhau mạnh khỏe là hạnh phúc lắm rồi.”
Cùng nhau mừng đồng đội bước vào tuổi 70 (Ảnh: Lại Cường) |
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Kiều chia sẻ: “Ngày đó, dù gian khổ, học tập trong điều kiện vất vả, thiếu thốn nhưng anh em chúng tôi vẫn động viên nhau vượt qua gian khó. Những ngày vác nứa, vác tre về xây dựng lán trại, học trong rừng khuya, thiếu thốn đủ bề nhưng anh em vẫn phơi phới yêu đời. Sau này, anh em chúng tôi mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi đơn vị nhưng vẫn nhớ về nhau, những năm tháng đầu đời đẹp nhất.”
Trong buổi gặp mặt, các vị cựu chiến binh già đã cùng thủ trưởng, thầy giáo Lê Phương Cảo chia sẻ lại những kỷ niệm những ngày đầu thành lập trường gian khó. Dù 50 năm đã qua, nhưng những học trò xuất sắc một thời vẫn được thầy giáo xúc động đọc tên từng người.
Thiếu trướng Lê Kỳ Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự phát biểu (Ảnh: Lại Cường) |
Đại diện cho thế hệ sau, thiếu tướng Lê Kỳ Nam cũng đã xúc động chia sẻ tình cảm của thế hệ cán bộ chiến sĩ Học viên Kỹ thuật quân sự dành cho các cựu chiến binh khóa C224 và C423.
Buổi gặp mặt, các cựu chiến binh vui mừng chia nhau cuốn sách “50 năm, bước chân đồng đội”, cuốn sách tập hợp những bài viết của đồng đội với tiêu chí: “Sách viết về ta, ta viết cho ta và do ta viết.” Những trang viết của những người lính già đã để lại xúc động cho độc giả về một thời cha anh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Những trang viết của thế hệ viết lên bản hùng ca bất tử của dân tộc.