Trải nghề cùng nhà báo Hồng Việt

06/04/2012 10:28
Minh Phúc
(GDVN) - Nếu ai đã từng được nghe ông TBT báo Bạn Đường trải nghề, chắc chắn họ sẽ hiểu thêm nhiều điều thú vị về những nghề báo - nghề "vác tù và hàng tổng".
Nghề báo không có chữ “quan”
Khi gặp chúng tôi tại tòa soạn báo Bạn Đường, Tổng Biên tập Nguyễn Hồng Việt  nở một nụ cười tươi và mở đầu bằng câu nói: “Những bảy người cơ đấy! Chà chà! Tòa soạn chúng tôi vinh hạnh quá!”. Tôi thầm nghĩ, ở một cương vị cao như vậy, sao mà người ta vẫn giữ được chất mộc mạc, chân chất và đề cao những “kẻ hậu bối” chúng tôi – những sinh viên báo chí mới tập tọe cầm bút viết bài – như vậy?
Có lẽ, cái lối ứng xử ấy bắt nguồn từ chính quan niệm sống của anh: “Những lĩnh vực khác có thể gắn với chữ “quan”, nhưng không có “quan báo” mà chỉ có nghề báo. Cho nên, nhà báo chỉ là những người phục vụ nhân dân mà thôi”. 
Càng ngẫm, tôi càng thấy cái hay, cái đúng trong quan niệm ấy. Bởi lẽ trong sách báo xưa nay, nhà báo luôn được so sánh với những hình ảnh liên tưởng như “người thư kí của thời đại” hay kẻ “vác tù và hàng tổng”…
Nhà báo Hồng Việt - Tổng Biên tập báo Bạn Đường - trò chuyện cùng sinh viên báo chí (Ảnh: Minh Phúc)
Nhà báo Hồng Việt - Tổng Biên tập báo Bạn Đường - trò chuyện cùng sinh viên báo chí
(Ảnh: Minh Phúc)

Nhà báo Hồng Việt cũng tâm sự: “Đối với tôi, chức tước chỉ tồn tại nhất thời. Nhưng nghề báo thì chắc chắn là của mình rồi, không ai có thể cướp được. Thế nên, ở địa vị cao hay thấp, tôi vẫn không từ bỏ những chuyến đi và sự viết. Khoe với các bạn một chút, mỗi tháng tôi vẫn có vài bài đăng báo đấy”. Nói xong, anh lấy 7 tờ báo Bạn Đường tặng cho chúng tôi mỗi người một tờ.

Chúng tôi là những người… “phu lục lộ”

Nói về công việc của tòa soạn, Tổng Biên tập trẻ báo Bạn Đường cho biết: Báo của chúng tôi là báo ngành, chuyên đăng tải những thông tin về tình hình giao thông trong nước. Do đó, nếu không “bám đường” mà sống thì chắc là chúng tôi chết đói cả hội. Chẳng thế mà anh em trong tòa soạn thường ví mình như những người “phu lục lộ” – những người làm việc trên khắp các ngả đường. Vừa nói, anh vừa cười hóm hỉnh.

“Giao thông Việt Nam đang là một đề tài khá nhức nhối trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy các anh có gặp nhiều khó khăn trong khi tác nghiệp không?” – tôi hỏi. Nhà báo Hồng Việt nhiệt tình chia sẻ: Ngoài việc đăng tải những quy định trong pháp luật, cũng như những nội dung các cuộc hội thảo, văn bản, nghị quyết của nhà nước, UBATGT về an toàn giao thông, nhiệm vụ quan trọng của tòa soạn là phản ánh những vấn đề nhức nhối mà giao thông nước ta đang vướng phải… 

Xung quanh vấn đề tác nghiệp của phóng viên báo Bạn Đường cũng có hàng đống câu chuyện “dở khóc dở cười”. Ví như chuyện một phóng viên báo Bạn Đường tác nghiệp tại Tp HCM, vì muốn phản ánh một cuộc đua xe của một nhóm thanh niên nên anh ta đã tham gia vào cuộc “bão đêm” hôm ấy. Cuối cùng, anh ta bị bắt vì hành vi đua xe trái phép. Giải thích thế nào cũng không được, sau đó phải nhờ đến sự can thiệp của tòa soạn anh ta mới được thả.
Hay chuyện một phóng viên đi phản ánh vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại một điểm giao cắt dưới chân cầu Chương Dương, khi đang chụp ảnh, anh đã bị một nhóm bảo kê cho… một trận mưa đá, sau đó phải vào bệnh viện… Nói chung, công việc này luôn rình rập những mối nguy hiểm khó lường.
“Chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”
Khi được hỏi về mức thu nhập của người làm báo, nhà báo Hồng Việt cho biết: “Nếu như ai đó chọn nghề báo vì mục đích làm giàu thì chắc là đầu óc anh ta có vấn đề. Bởi vì nhà báo cũng là công chức nhà nước mà thôi. Bên cạnh đó, một phóng viên còn bao nhiêu khoản tiền khác phải chi khi đi tác nghiệp, nào là tiền xăng dầu, tiền quan hệ, điện thoại… cho nên cơm áo không đùa được với nhà báo”.
Vẻ mặt chuyển từ vui tươi sang trầm buồn, anh nói tiếp: Tôi thấy những nhà báo làm giàu một cách chân chính bằng cái nghề của mình chẳng có mấy ai. Đúng là có những bài báo tiền nhuận bút lên tới cả triệu đồng, nhưng để viết được những bài báo như vậy thật không đơn giản, có khi nhà báo phải vượt hàng ngàn cây số, “ăn bờ nằm bụi” vật vờ hàng tháng trời… mới có thành quả như thế. Nhiều khi tính ra, tiền nhuận bút còn không đủ tiền chi phí ăn, ở, đi lại ấy chứ. Nói chung, với đồng lương của mình, nhà báo “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, còn tiêu hoang một tí thì… chưa ráo mồ hôi đã hết tiền.
Tổng Biên tập Hồng Việt trải lòng: “Nếu không có đam mê thì không thể làm báo chuyên nghiệp được. Ví như chuyến lên A Pa Chải vừa rồi của tôi, tòa soạn không cấp một đồng. Để lên được cái vùng xa xôi hẻo lánh ấy, tôi phải đi nhiều chặng đường… 
Nào là đi đường hàng không từ Hà Nội lên Điện Biên, rồi bắt xe khách từ sân bay Điện Biên Phủ đi 200km vào huyện Mường Nhé, tiếp đến, phải đi xe máy 43km nữa mới vào được địa bàn của người Hà Nhì viết bài. Chi phí cho cả chuyến đi ngót 2 triệu, nhưng tiền nhuận bút cho bài phóng sự của tôi chỉ được 1 triệu đồng. Thế là lỗ to rồi còn gì”.
Từ chuyện “chiếc tất trái” đến nghề báo
Tổng Biên tập Hồng Việt rất tâm đắc với câu nói của nhà Lê Bá Thuyên: “Nhà báo khác người là ở chỗ, cùng một sự việc nhưng họ nhìn thấy vấn đề còn người khác thì không”. Có lẽ do ảnh hưởng bởi cái lối tư duy ấy mà người “thuyền trưởng” của “con tàu” mang tên Bạn Đường này luôn có thói quen xem xét mọi vấn đề, dù là tầm thường nhất để tìm ra một ý nghĩa nào đó. Thế mới có câu chuyện vui mà tôi sẽ giới thiệu đưới đây.
Trong một chuyến công tác ở Tây Nguyên, khi đang vượt rừng, nhà báo Hồng Việt nhìn thấy một dòng suối rất trong mát. Ngay lập tức anh có ý định nghỉ chân tại đây. Anh dừng xe và cởi giày. Nhưng lúc đó, anh phát hiện ra anh đã đi ngược một chiếc tất bên trái. Những hình ảnh đối lập của quá khứ và hiện tại dội về trong anh. Anh nghĩ thầm, ở cái tuổi mười tám đôi mươi sao mình mơ mộng thế, điệu đà thế, trước khi đi ra khỏi nhà thì bắt buộc phải ngắm nghía 5 phút mới cảm thấy tự tin…
Còn bây giờ, khi đã bước chân vào cái nghiệp cầm bút rồi, sao mình thấy cuộc sống gấp gáp thế, mệt mỏi thế. Đến thời gian đi đôi tất cho tử tế cũng không có. Có lẽ, cái nghề này nó phải thế. Nếu một người nào đó muốn có cái danh hiệu nhà báo thì anh phải chấp nhận hi sinh lối sống cá nhân vị kỉ. Nghĩ thế anh tự hào vì mình đúng là một… nhà báo.
Có lẽ, 100 phút được ngồi với nhà báo Hồng Việt không chỉ đơn thuần là một cuộc trò chuyện giữa một nhà báo chuyên nghiệp và một sinh viên, mà nó giống như một bài giảng đầy tâm huyết về nghiệp cầm bút. Nhưng bài giảng ấy đặc biệt ở chỗ, nó được soạn thảo bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả giọt máu của tác giả.
Minh Phúc