|
Hàng trăm người dân huyện Chư Sê đã chứng kiến lực lượng chức năng của huyện này tới nhà ông Lê Hùng Dũng (ở xã H’bông, huyện Chư Sê) lập biên bản tạm giữ 2 hòn đá. “Lúc đầu họ chỉ tạm giữ một hòn bởi tôi năn nỉ cho giữ lại một hòn để chơi. Nhưng do biên bản không lập thành 2 bản nên tôi không đồng ý. Kết cục họ lập lại biên bản tạm giữ luôn cả 2 hòn đá”, ông Dũng kể. Tuy nhiên, từ sáng cho đến trưa 29.3, việc cưỡng chế bất thành do gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình ông Dũng cùng người dân trong huyện, bởi sự việc quá vô lý và cũng bởi không có quyết định thu hồi... đá.
Trả lời PV chiều 1.4, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Chư Sê, ông Lê Đình Huấn nói: “Chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện nên lập biên bản tạm giữ vì nó cũng là khoáng sản, là tài sản quốc gia. Chúng tôi sẽ tiến hành bán đấu giá, trích lại tiền cho những trường hợp có đá bị tạm giữ, còn lại sung vào ngân sách”.
Trong khi đó, Giám đốc Sở TN-MT Gia Lai, ông Phạm Duy Du cho biết: “Chúng tôi chưa thấy huyện Chư Sê có báo cáo về việc tạm giữ 2 hòn đá của ông Dũng. Dĩ nhiên, việc khai thác khoáng sản (đá) phải theo quy trình, có giấy phép và những quy định khác về pháp luật. Nhưng trong trường hợp này, chúng tôi chưa rõ nguyên do chính quyền huyện Chư Sê có hành động tạm giữ một vài hòn đá của người dân khai thác trong vườn nhà.
Sở cũng chưa bao giờ lập đoàn kiểm tra, xử lý những trường hợp như thế này. Chúng tôi sẽ kiểm tra và có ý kiến chính thức”.
Hiện nhiều người dân có đá cảnh ở địa phương đã lẳng lặng về giấu đá vì sợ cơ quan chức năng... hỏi thăm. Bởi trước đó, vào ngày 28.3, chính quyền huyện Chư Sê cũng cử lực lượng tạm giữ một hòn đá khác của gia đình chị Trần Thị Sắc, trú ở xã H’bông. Dù buộc phải chấp hành nhưng chị Sắc không khỏi bất bình. Chị Sắc cho biết là trong quá trình đào ao thì gặp phải hòn đá, thấy đẹp nên đem về để ngắm chơi.
Trên thực tế, 2 hòn đá (khoảng 500-600 kg/hòn) trên cũng do gia đình ông Dũng đào từ khu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện Chư Sê. Ông kể, trong một lần đào giếng năm 2009 để lấy nước tưới hồ tiêu, tình cờ ông phát hiện ra 2 hòn đá có màu khá đẹp. Sẵn tính văn nghệ, ông liền bỏ tiền thuê người đào, đem xe cẩu về nhà chơi. Suốt mấy năm qua, 2 hòn đá xù xì vẫn nằm trước sân nhà ông Dũng và không ai có ý kiến gì. “Giá trị của nó đến đâu tôi cũng không biết, chỉ thấy nó có vân lạ thì đem về chơi. Nhiều người trong huyện, trong tỉnh này cũng có sưu tầm đá như tôi, vậy họ đều vi phạm pháp luật à?”, ông Dũng bức xúc.
Trần Hiếu/Thanh niên
Cần định giá 2 hòn đá Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang), luật Khoáng sản định nghĩa: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”. Tài nguyên khoáng sản thường tập trung trong một khu vực gọi là mỏ khoáng sản. Nếu là khoáng sản thì chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trong trường hợp này, nếu muốn kết luận đó là tài nguyên khoáng sản thì phải lấy mẫu giám định, có kết luận của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, theo điều 240, bộ luật Dân sự quy định về việc “Xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy”, sau khi giám định mà hai hòn đá nói trên không phải đá quý thì phải định giá xem giá trị là bao nhiêu để quyết định nó thuộc về quyền sở hữu của Nhà nước hay của người dân. Việc chính quyền tự động vào nhà cưỡng chế thu giữ như vậy là vi phạm luật. Lê Nga (ghi) |
Điểm nóng |
|
Bà nội Lê Văn Luyện: Vụ án này phải có ai giúp sức, đứng sau Luyện |
|
10 điểm nghi vấn gia đình bé Bích đòi làm rõ khi xử Luyện ngày 30.3 |