Ngày 5/8, tại buổi nói chuyện với sinh viên – học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), ông Ehud Barak – Cựu Thủ tướng Israel đã nhấn mạnh đến chủ đề “Học tập hướng về xã hội sáng tạo”.
Mở đầu buổi nói chuyện, Cựu Thủ tướng Ehud Barak đã chia sẻ với sinh viên – học sinh về cách mà người Israel hướng đến xã hội sáng tạo.
Theo vị cựu thủ tướng, đối với Israel: “Sự cần thiết chính là mẹ của sự sáng tạo”.
Cũng như dân tộc Việt Nam, người Israel cũng sinh ra trong bão lửa, chiến tranh. Biết bao nhiêu thế hệ Israel đã bị thế giới tước đi sức mạnh, bị xem thường, và họ đã phải sinh tồn bằng ý chí của mình.
“Dân tộc Việt Nam cũng vậy, là một dân tộc hùng mạnh, nhiều đời chiến thắng những đế chế hùng mạnh bằng tinh thần đấu tranh bất khuất” – Vị cựu thủ tướng nói tiếp.
Ông Ehud Barak nói rằng, Israel đã không thể mua được gì từ bất kỳ ai, trong đó có vũ khí, nên bắt buộc họ, phải tự tay phát triển những công nghệ đó vì dân tộc của mình.
“Chúng tôi đã tập hợp những nhân tài người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới về, và mở ra Viện Đại học đầu tiên để phát triển, nghiên cứu quốc phòng, trước cả khi thành lập Nhà nước Israel”.
Người Israel tin vào việc giáo dục từ nhỏ, vì khi đó, sức mạnh khoa học công nghệ sẽ đứng về phía họ.
Tại Israel có rất nhiều Viện đại học lớn danh tiếng, với chất lượng nghiên cứu khoa học cực cao. Mỗi hệ thống đại học cũng sở hữu những doanh nghiệp nhỏ. Mỗi khi một ai có ý tưởng hay, họ có thể đề xuất để Viện đại học cho mở một công ty khởi nghiệp dưới sự hỗ trợ của Viện này.
Cựu Thủ tướng Israel tại buổi chia sẻ với học sinh - sinh viên về chủ đề Xã hội sáng tạo (ảnh: Q.T) |
Do đó, khởi nghiệp tại Israel là một ngành rất thành công, và đã mang lại cơ hội thăng tiến cho rất nhiều sinh viên. Cứ 4 người khởi nghiệp thì có 1 người thành công, và tiến lên phát triển chuyên môn khoa học.
45 năm trước, Israel nghèo đói, không có bất cứ gì trong tay. Họ đã phải bắt đầu từ quy mô các trường trung học nhỏ. Chính từ đây, các giáo viên với chuyên môn giảng dạy trong các ngành khoa học khác nhau đã chung tay tìm ra giải pháp.
Israel đã chọn ra những học sinh ưu tú nhất, tạo điều kiện cho họ được học tập ở những trường đại học lớn. Cứ như vậy, mỗi trường lại cử những học sinh top đầu của mình đi.
Khi đến các trường đại học này, những sinh viên tài năng nhất sẽ được những giáo sư dày dặn nhất, được những chuyên gia tài ba nhất kèm cặp trực tiếp, hướng dẫn tỉ mỉ và dẫn đường cho họ bước vào giới khoa học.
Rồi những người ưu tú nhất trong số đó lại được chọn ra để đóng góp vào nền công nghiệp quốc phòng của Israel.
Sau khi ra trường và hoàn tất đào tạo, các em sinh viên đã đủ khả năng để trở thành những kỹ sư, những nhà khoa học dù tuổi đời còn rất trẻ.
Đây là một ví dụ cho thấy sự thành công của việc lựa chọn nhân tài cho xã hội. Người Israel đã chọn ra những người ưu tú nhất trong những người ưu tú, tạo điều kiện cho họ phát triển, mang lại cơ hội để họ cống hiến, và đưa Israel tiến lên phía trước.
Ông Ehud Barak nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn theo sát những quy trình này một cách gắt gao”.
Quê hương Israel rất nhỏ bé, không có nhiều tài nguyên giá trị như dầu hay mỏ quý, chỉ có một chút tài nguyên khí đốt. Đó chính là chất xám. Chất xám của hàng triệu con người Israel trẻ tuổi đang cống hiến, cũng giống như các học sinh – sinh viên ở đây. Đó chính là tương lai.
Các bạn trẻ ở đây chính là tương lai của Việt Nam. Mọi thứ đều phụ thuộc vào các em.
Cựu Thủ tướng Israel nói rằng, không dám chắc tất cả các bạn trẻ sẽ thành công, nhưng chắc chắn rất nhiều bạn sẽ đạt được điều đó, và đóng góp cho quê hương.
Ông Ehud Barak khẳng định: “Không gì là không thể, bầu trời là giới hạn. Các bạn hãy dám đam mê và mơ ước”.
Ở Israel đã có rất nhiều cá nhân danh giá đạt giải Nobel. Và người Israel cũng vinh danh, ca ngợi họ như những người anh hùng dân tộc. Qua đó, Israel đã động viên thế hệ trẻ tiếp tục noi gương tiến bước.
Người Israel đưa ra quan điểm, nhà khoa học thực thụ là những người biết phá vỡ rào cản, không theo rập khuôn.
Ở Israel rất coi trọng trong việc cùng nhau động não. Thứ bậc và trật tự không có chỗ đứng, khi một tập thể cùng động não suy nghĩ, đưa ra ý kiến.
“Chúng ta chỉ áp dụng thứ bậc, và trật tự trong quy trình, khi chúng ta tiến hành thực hiện công tác. Nhưng khi suy nghĩ và góp ý, ý kiến của tất cả mọi người đều bình đẳng” – ông Ehud Barak cho hay.
Để đạt được thành công, chúng ta phải liên kết và hợp tác với nhau khi thực hiện công việc. Nhưng khi động não, thứ quan trọng nhất là quan điểm của mỗi cá nhân.
“Không ai giống ai và mọi người đều bình đẳng” – Cựu Thủ tướng Israel nhấn mạnh.
Đừng ngần ngại việc đặt câu hỏi, hay đánh giá năng lực của bạn bè, hay thậm chí là giáo viên của các bạn.
“Thế giới hay nói rằng, người Do Thái chúng tôi thần đồng, tài năng, nhưng thật ra chúng tôi không có gì đặc biệt, không có gì khác biệt so với các bạn hay tất cả mọi người trên thế giới. Tất cả chúng ta đều như nhau cả” – ông Ehud Barak chia sẻ.
Quan trọng ở cách nhìn và thực hiện. Tất cả mọi người đều có giá trị, và đều cần được trao cho điều kiện, và cơ hội để đạt được thành công.