Phù hợp tiêu chí nhà đầu tư
Khởi nghiệp sinh viên đang là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là những người trẻ. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào, ý tưởng nào cũng có thể khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công.
Xung quanh câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ, đặc biệt là sinh viên trong các trường đại học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc điều hành BK Fund, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội.
Ông Phạm Tuấn Hiệp cho biết: “Sứ mệnh của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo như BK Fund là đầu tư, ươm tạo cho các kết quả nghiên cứu, những nhóm nghiên cứu trong trường đại học mà họ đang muốn thương mại hóa những kết quả nghiên cứu đó.
Bên cạnh vai trò là quỹ đầu tư, có đầu tư bằng tiền, còn có những giá trị ý nghĩa khác lớn hơn. Ví dụ như khi đã đầu tư vào các dự án khởi nghiệp thì các nhà đầu tư sẵn sàng trở thành cố vấn, đối tác kinh doanh cùng đồng hành với dự án được đầu tư. Điều này vô cùng quan trọng và cần thiết đối với các sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc điều hành BK Fund (Ảnh NVCC) |
Lấy ví dụ ngay chính Quỹ đầu tư BK Fund, ông Phạm Tuấn Hiệp chia sẻ, đây là một mô hình thí điểm hình thành quỹ đầu tư trong lòng trường đại học nhưng huy động nguồn lực xã hội, không phụ thuộc vào việc huy động nguồn lực của ngân sách nhà nước.
Quỹ đầu tư, ươm tạo những nhóm nghiên cứu, những tài sản trí tuệ trong trường đại học. Đây được xem là mắt xích để thúc đẩy thị trường công nghệ khi mà tài sản trí tuệ trong trường đại học được thương mại hóa, chuyển giao vào cuộc sống, biến thành những công ty khởi nghiệp và thúc đẩy kinh tế tri thức theo định hướng của nhà nước.
Tuy nhiên, không phải bất cứ một ý tưởng nào của sinh viên đều có thể biến thành ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Thậm chí, có những dự án đã được đầu tư nhưng không đem lại hiệu quả.
Theo ông Phạm Tuấn Hiệp, một nhóm nghiên cứu muốn trở thành đối tác với bất kỳ nhà đầu tư nào đều cần có các tiêu chí cơ bản để thuận lợi.
Một là những nhóm nghiên cứu có kết quả nghiên cứu có thể giải quyết những vấn đề phổ biến, những vấn đề “nóng”, cấp bách, bức thiết hiện nay.
Hai là, kết quả nghiên cứu phải có giải pháp và kỹ thuật công nghệ mà chính các nhóm nghiên cứu làm chủ được ở một mức độ nhất định.
Ba là, đội nhóm phải tâm huyết, phải muốn triển khai những giải pháp đấy, giải quyết những vấn đề của cuộc sống và mong muốn đi theo hướng để trở thành các công ty khởi nghiệp.
Cần trang bị nhiều loại “vốn”
Muốn các ý tưởng, dự án, công ty khởi nghiệp hình thành, tồn tại và phát triển một cách thuận lợi thường trải qua nhiều giai đoạn, quá trình. Nhóm nghiên cứu cần hội tụ đủ nhiều yếu tố trong khi chỉ cần một vài yếu tố chưa phù hợp, chưa thuận lợi, chưa chín muồi hoặc chưa đầy đủ thì dẫn tới những ý tưởng, dự án khởi nghiệp đó gặp khó khăn, thậm chí có thể bị thất bại hoặc sụp đổ.
“Khởi nghiệp là một lĩnh vực mới, nhiều thách thức với thị trường mới, sản phẩm mới và nguồn lực rất hữu hạn. Chính vì vậy, để thành công dù chỉ là bước đầu thì cần nhiều yếu tố và gặp rất nhiều thử thách.
Lễ ký kết hợp tác đầu tư của BK Fund và N2TP (Ảnh Cao Kim Anh) |
Ngay cả BK Fund của chúng tôi và các đội nhóm cần có nhiều yếu tố bắt buộc cả hai bên phải phù hợp với nhau. Tuy nhiên, chỉ cần một, vài yếu tố chưa phù hợp thì khó có thể cùng đồng hành, triển khai và phát triển. Đó cũng là lý do chúng tôi từ chối đầu tư”, ông Hiệp bày tỏ.
Theo ông Phạm Tuấn Hiệp, đã có những nhóm công nghệ khởi nghiệp cần đầu tư dự án nhưng họ đưa ra những giải pháp tuy đúng chuyên môn công nghệ nhưng theo nhà đầu tư, những giải pháp đó chưa giải quyết được những vấn đề cấp bách, phổ biến, cần thiết thì các nhà đầu tư cũng không đầu tư.
“Ngay như các bạn có giải pháp tìm ra một phương tiện có thể đưa mọi người lên sao Hỏa chẳng hạn. Đó là một ý tưởng có ý nghĩa với nhân loại. Tuy nhiên, với nhà đầu tư vấn đề đó chưa cấp bách, cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Cũng có những nhóm nghiên cứu tìm ra những giải pháp công nghệ rất hay nhưng các bạn không có ý định thương mại hóa giải pháp đó để trở thành công ty thì các nhà đầu tư cũng khó triển khai”, ông Hiệp nói.
Qua trao đổi và làm việc với nhiều sinh viên, nhiều trường, ông Phạm Tuấn Hiệp nhận thấy khi nói đến câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học ngoài trang bị ngoài kiến thức được đào tạo thì cần được bổ sung rất nhiều loại “vốn”.
“Đầu tiên vốn là tài chính, tức là khởi nghiệp cần có tiền. Khởi nghiệp không đồng thực ra chỉ là một khẩu hiệu để thúc đẩy khởi nghiệp. Trên thực tế, muốn khởi nghiệp hiệu quả thì nhóm nghiên cứu bắt buộc có vốn, có nguồn tài chính.
Thứ hai là vốn thương trường, tức là am hiểu, nhạy bén nắm bắt cơ hội ở thương trường.
Thứ ba là vốn xã hội, tức là khởi nghiệp thì phải có những trang bị về cách ứng xử, giao tiếp, quan hệ để tìm được những người đồng sáng lập, đối tác, cố vấn và nhà đầu tư đồng hành.
Và cuối cùng, quan trọng hơn hết chính các bạn sinh viên cần có tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp là chủ động nhìn thấy vấn đề, giải quyết vấn đề và tìm ra nguồn lực để thực hiện đưa những ý tưởng, sáng tạo vào thực tế.
Đó là một số lưu ý mà nhà đầu tư luôn kỳ vọng các bạn sinh viên trang bị thật tốt, đầy đủ, dày dặn khi muốn dấn thân vào con đường khởi nghiệp”, ông Hiệp nhận định.
Câu chuyện khởi nghiệp trong trường đại học hiện nay điểm nhấn chính là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các bạn sinh viên. Sinh viên rời ghế nhà trường sẽ trở thành trí thức của xã hội. Nếu khởi nghiệp sáng tạo được đẩy mạnh ngay thời gian học tập tại trường đại học thì sẽ có thêm nhiều trí thức được trang bị tinh thần khởi nghiệp phát triển đất nước trong tương lai.
Ông Phạm Tuấn Hiệp chia sẻ: “Khi gắn bó với các trường đại học, thực tế là chúng tôi nhìn thấy có những cơ hội để đầu tư vào các dự án khởi nghiệp từ những nhóm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu ở đây bao gồm các thầy cô và các bạn sinh viên tham gia. Chứ để nói chỉ có mỗi sinh viên thì tỉ lệ rất thấp.
Trong tương lai chắc chắn tỉ lệ này sẽ được cải thiện giống như các quốc gia phát triển, khi mà hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo của các trường được phát triển thì tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp sẽ tăng.
Trong thời gian tới hi vọng sẽ có nhiều quỹ đầu tư hoạt động với mục đích đầu tư, ươm tạo khởi nghiệp như BK Fund để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển. Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng quy mô của từng thương vụ, tạo cơ hội nhận đầu tư lớn hơn cho các ý tưởng, dự án, công ty khởi nghiệp khi hợp tác với BK Fund”.