Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Đa Chiều ngày 19/6 bình luận, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Trung Quốc từ 17 đến 19/6 cùng ông Dương Khiết Trì đồng chủ trì hội nghị Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung lần thứ 8. Về nguyên tắc, hội nghị này tổ chức luân lưu mỗi năm một lần ở 2 nước, từ năm 2006 đến nay đã được 8 kỳ và chỉ 2 năm không tổ chức là 2007, 2012.
Đáng chú ý là thời gian diễn ra hội nghị Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung không cố định. Kỳ họp lần thứ 8 năm nay diễn ra ngay sau khi Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ. Biển Đông chắc chắn là nội dung đàm phán chủ yếu của 2 nước Trung Mỹ, nhưng kết quả ra sao nay vẫn kín như bưng. Bắc Kinh chọn thời điểm này để hội đàm với Việt Nam khiến người ta phải suy nghĩ, Đa Chiều nhấn mạnh.
Trước đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho khu vực ngày càng căng thẳng. Tổng thống Philippines hôm 3/6 còn so sánh hành động này của Bắc Kinh ở Biển Đông không khác gì phát xít Đức Hitler, nhưng Việt Nam lại khá "bình tĩnh". Người Việt bày tỏ thái độ thông qua việc phát triển sức mạnh quân sự.
Ngoài các vũ khí hiện đại Nga cung cấp cho Việt Nam để nâng cao khả năng phòng thủ ở Biển Đông như chiến đấu cơ Su-30MK2, tàu ngầm Kilo 636MV, tàu hộ vệ mang tên lửa thì Việt Nam còn không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ. Theo Đa Chiều, Trung Quốc lo rằng vì chuyện Biển Đông, Việt Nam rất có thể "hoàn toàn ngả theo Mỹ". Trong khi đó Hoa Kỳ cũng đang ủng hộ nhất định đối với Việt Nam ở Biển Đông, về lâu dài Mỹ mong muốn Việt Nam trở thành đối tác quan trọng trong chiến lược tái cân bằng châu Á, Đa Chiều bình luận.
Hợp tác giữa 2 quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ vốn dĩ hết sức bình thường, nhưng trong thời điểm Biển Đông căng thẳng (vì chính hành vi leo thang, bất chấp luật pháp của Bắc Kinh) hai nước Việt - Mỹ xích lại gần nhau khiến Trung Nam Hải lo lắng. "Ổn định quan hệ Việt - Trung" là mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, cũng là nhiệm vụ bức thiết của Trung Nam Hải. Tuy nhiên, tư duy thông thường của Trung Quốc không thể "phá giải được chính sách cứng rắn của Việt Nam", Đa Chiều bình luận.
Một Việt Nam như thế nào thì phù hợp với lợi ích của Trung Quốc? Đa Chiều đặt câu hỏi và trả lời, đương nhiên chí ít là Việt Nam trung lập trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học". Ảnh: SCMP. |
Trung Quốc cũng mong làm sao để Việt Nam "không lên tiếng" trước các hành động (phạm pháp) của họ ở Biển Đông để cô lập Philippines. Do đó Bắc Kinh thường truyền đạt thông điệp, chủ trương của họ về Biển Đông thông qua các kỳ họp của Ủy ban Chỉ đạo quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc.
Hội nghị lần thứ 8 tổ chức ngay sau khi Phạm Trường Long đi Mỹ đặt ra dấu hỏi lớn. Chắc chắn Biển Đông là nội dung chủ yếu trên bàn đàm phán Trung - Mỹ, nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn "giấu nhẹm" kết quả đã bàn những gì, thậm chí khiến dư luận phải đặt câu hỏi Bắc Kinh đã đổi chác những gì với người Mỹ trong chuyện Biển Đông?
Đa Chiều đặt vấn đề, nếu như không có sự ủng hộ của Mỹ, Việt Nam sẽ bảo vệ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông như thế nào? Tờ báo này cho rằng, do đó trong bối cảnh nghi vấn bao trùm này nếu Bắc Kinh tổ chức hội đàm với Việt Nam dễ "nắm chắc phần thắng"?!
Theo tờ báo của người Hoa hải ngoại này, thủ đoạn ngoại giao tương tự đã được Bắc Kinh sử dụng rất thành công không chỉ 1 lần trong lịch sử. Năm 1958, Mao Trạch Đông đã hạ lệnh pháo kích Kim Môn, Mã Tổ do chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan kiểm soát chỉ 3 tuần sau khi Tổng bí thư Liên Xô Khrushchev thăm Bắc Kinh.
Động thái này khiến dư luận quốc tế, đặc biệt là "bên thứ 3" tức Hoa Kỳ phải nghĩ rằng hành động phiêu lưu trên của Mao đã được Moscow đồng tình ủng hộ nên "không dám manh động". Trong khi thực tế Khrushchev chẳng biết gì về kế hoạch này của Mao.
Đặng Tiểu Bình cũng lặp lại thủ đoạn này trong cuộc chiến tranh xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. Trước khi xua quân xâm lược Việt Nam, Đặng thăm Mỹ và thông báo cho Washington về cái gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học", nhưng người Mỹ đã không thể hiện sự ủng hộ một cách rõ ràng.
Tác dụng của Hoa Kỳ trong quyết định này chỉ là chia sẻ tình báo và hợp tác ngoại giao nhưng lại làm cho Liên Xô phải do dự, không biết Đặng có thỏa thuận gì với Mỹ làm tổn hại lợi ích của Liên Xô hay không.
Cả 2 lần Mao và Đặng đều không yêu cầu đối tác giúp mình tiến hành hoạt động quân sự (xâm lược), nhưng đã rất thành công trong việc "lèo lái" dư luận hiểu rằng Bắc Kinh được 1 siêu cường hậu thuẫn, dọa "siêu cường kia" không dám can thiệp, dù là đồng minh của mình đang bị Bắc Kinh đe dọa, bắt nạt. Do đó theo Đa Chiều, việc bố trí kỳ họp thứ 8 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác Việt-Trung ngay sau khi Phạm Trường Long đi Mỹ trên thực tế là vì Bắc Kinh muốn dùng Mỹ để hù dọa Việt Nam?!