Đà Nẵng tổ chức đối thoại trực tuyến với người dân về Bảo hiểm y tế

16/07/2022 07:11
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ý kiến thắc mắc của người dân về Bảo hiểm y tế đã được đội ngũ chuyên gia, quản lý của Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng hướng dẫn, tháo gỡ.

Ngày 15/7, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “chung tay thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân”.

Hơn 1 triệu người dân Đà Nẵng tham gia Bảo hiểm y tế

Theo ông Phạm Quốc Khánh - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, chương trình đối thoại nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền đến người dân các chính sách của nhà nước về Bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng tổ chức đối thoại trực tuyến với người dân về các chính sách Bảo hiểm y tế. Ảnh: AN

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng tổ chức đối thoại trực tuyến với người dân về các chính sách Bảo hiểm y tế. Ảnh: AN

Cũng như kết quả thực hiện chính sách, pháp luật Bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố và giải đáp các vướng mắc về đối tượng, mức đóng, quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm y tế.

“Các chuyên viên, quản lý của Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ trả lời những thắc mắc của người dân về những vấn đề nổi cộm hiện nay như: việc sử dụng căn cước công dân có gắn chip khi đi khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế, quy trình – thủ tục khi chuyển tuyến BHYT…”.

Theo ông Khánh, hai năm vừa qua, Đà Nẵng cũng như cả nước chịu những tác động rất lớn của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tính đến 30/6 thì thành phố có trên 1 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế (chiếm độ bao phủ hơn 92%), còn trên 7% nữa mới đạt độ bao phủ toàn dân.

Trong bối cảnh đó thì bên cạnh việc duy trì số người tham gia Bảo hiểm y tế thì phải phát triển thêm 7% còn lại. "Chúng ta hiện có 4 nhóm giải pháp cơ bản đó là: Sự chỉ đạo thông suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Cụ thể thì Thành ủy đã có Nghị quyết số 03, thành phố thì có chương trình hành động số 64 về việc “phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế”.

Chúng ta cũng đã thành lập Ban chỉ đạo người tham gia Bảo hiểm y tế từ thành phố đến xã phường. Thứ hai, công tác phối hợp các sở ban ngành, các địa phương đảm bảo nguồn ngân sách, nhân lực cho những đối tượng đã tham gia và sẽ tham gia.

Thành phố cũng đã hỗ trợ ngân sách cho người nghèo mua Bảo hiểm y tế và chúng ta sẽ tiếp tục kêu gọi mạnh thường quân mua Bảo hiểm y tế hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn.

Thứ ba là công tác cung cấp dịch vụ y tế phải ngày càng được nâng cao, đảm bảo chất lượng tốt hơn. Đây là giải pháp tích cực để thu hút người dân tham gia Bảo hiểm y tế và củng cố thêm sự nhân văn, đúng đắn của Bảo hiểm y tế.

Thứ tư, về công tác truyền thông thì Bảo hiểm xã hội thành phố đã chủ động thông tin, đi trước một bước để người dân nắm được những thay đổi trong chính sách Bảo hiểm y tế.

Trong đó, chú trọng truyền thông đến nhóm nhỏ, có tính đặc thù, truyền thông phải rõ kết quả đầu ra, rõ tiêu chí đánh giá, cụ thể là số người tham gia Bảo hiểm y tế… Thực hiện linh hoạt các hình thức thông tin, tuyên truyền, đảm bảo thông tin đến được với đông đảo người dân.

Nhiều thắc mắc liên quan đến Bảo hiểm y tế

Tại phần đối thoại trực tuyến, anh Nguyễn Thanh Sơn (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Nhà tôi thuộc hộ nghèo tại phường Hòa Minh, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí hộ nghèo.

Tuy nhiên, con tôi vừa nhập học đại học thì có khoản đóng Bảo hiểm y tế. Con tôi đã có thẻ Bảo hiểm y tế hộ nghèo rồi thì tham gia Bảo hiểm y tế sinh viên làm gì nữa? Con tôi phải làm thế nào để không phải đóng khoản tiền Bảo hiểm y tế này?

Trả lời vấn đề này, ông Trương Công Hùng - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng) cho biết, tại khoản 2 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 quy định mỗi người chỉ được cấp một thẻ Bảo hiểm y tế.

Tại khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế theo thứ tự sau:

Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; Nhóm do cơ quan Bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm do ngân sách nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; Nhóm tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Tại điểm 2 khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế khác nhau thì đóng Bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại khoản 6 trên.

Căn cứ vào quy định trên, con của anh Sơn thuộc hộ nghèo thì thuộc nhóm được ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng Bảo hiểm y tế, xếp trên nhóm tham gia Bảo hiểm y tế học sinh-sinh viên. Con Bạn chỉ cần cung cấp cho nhà trường thẻ Bảo hiểm y tế hộ nghèo thì không cần phải tham gia Bảo hiểm y tế sinh viên tại Trường.

Tiếp tục đối thoại, bạn Thanh Huyền (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) hỏi: “Em đang làm tại 1 doanh nghiệp nhưng đơn vị đang nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Vậy thẻ Bảo hiểm y tế của em có được sử dụng để khi khám chữa bệnh không?”.

Trả lời vấn đề này, ông Hùng cho biết, tại khoản 9 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13/6/2014 (Luật số 46/2014/QH13) sửa đổi, bổ sung Điều 15 về phương thức đóng Bảo hiểm y tế quy định: “Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng Bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng Bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ Bảo hiểm y tế”;

Tại khoản 28 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung Điều 49 quy định: “Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng Bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:

a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT;

b) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.”

Như vậy, trường hợp đơn vị sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ tiền Bảo hiểm y tế theo quy định, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ không cấp thẻ Bảo hiểm y tế hoặc giảm giá trị sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế của tháng tiếp theo.

Đồng thời, đơn vị sử dụng lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng Bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ Bảo hiểm y tế.

AN NGUYÊN