Đến thời điểm này, đối với quy định tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm theo dự thảo Chính phủ trình vẫn đang có quan điểm rất khác nhau giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Trước đó, tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều không tán thành việc mở rộng khung giờ làm thêm tăng 100 giờ/năm so với hiện hành. Hiện tại giờ làm thêm tối đa là 300 giờ/năm.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: NLĐ |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, mong muốn của Chính phủ là những ngành nghề thực sự có yêu cầu cho xuất khẩu mà không làm cả năm thì cho tăng giờ.
“Nhưng việc này Chính phủ phải báo cáo thật cụ thể trước Quốc hội để các đại biểu thấy rằng việc làm thêm này không phải là đại trà.
Vì khi chúng ta trình mà không làm rõ nên người lao động nghĩ rằng, kéo dài thời gian làm thêm đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của người lao động, khiến họ kiệt sức”, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Theo ông, Chính phủ thấy những ngành nghề nào cần thiết thì Quốc hội giao cho Chính phủ để cho làm, nhưng phải quản rất chặt để đảm bảo sức khỏe của người lao đông, tránh tai nạn lao động.
Theo Đại biểu, việc tăng giờ làm thêm chỉ tập trung ở một số ngành nghề lĩnh vực và không phải tăng cả năm mà chỉ tập trung ở 4 ngành trọng điểm: da giày, dệt may, thủy sản và điện tử.
Như ngành thủy sản, họ nói chỉ làm trong 4 tháng, sau đó lại nghỉ 3 tháng mới đến thời vụ. Nếu khống chế thì sẽ không có người làm thêm.
“Những người làm thêm họ phải đồng thuận, trên cơ sở chủ sử dụng lao động yêu cầu, nhưng nếu người lao động không có sức khỏe, không muốn thì không ai ép buộc được. Ai cần thì làm thêm và khi làm thì phải được trả lương, được nghỉ bù…”, ông Lợi nhấn mạnh
Vị Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh lại “quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội dứt khoát không đặt vấn đề tăng thời gian làm thêm.
Và trong suốt quá trình vừa qua, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm. Đó là vì để đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động”.
Giải thích thêm về lý do không khống chế giờ làm thêm theo năm mà phải khống chế cả theo tuần, theo tháng, ông Lợi cho rằng, phải quy định như vậy giống như một tấm lưới bảo vệ người lao động.
Quốc hội ơi, xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu! |
Thực tế không chỉ chủ lao động mà cả người lao động cũng muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống, nhưng pháp luật phải quy định để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Doanh nghiệp cũng phải chia sẻ và người lao động cũng phải chia sẻ. Người lao động làm thêm một chút, nhưng doanh nghiệp cũng phải cố gắng tuyển thêm lao động.
Dù lao động còn thiếu nhưng phải áp dụng nhiều biện pháp như công nghệ, luân chuyển lao động, tuyển lao động thời vụ…, phải dùng nhiều biện pháp chứ không nên thả ra.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chia sẻ: “Người lao động có khi cũng vì đồng tiền mà chạy theo. Tôi đi Bình Dương thấy rất đau lòng, công nhân thì gầy gò, ốm yếu nhưng vẫn xin được làm thêm giờ dù không bảo đảm sức khỏe. Nhưng như vậy, chẳng khác nào người lao động lúc trẻ bỏ sức ra kiếm tiền, già lại phải bỏ tiền mua sức khỏe.
Trách nhiệm của nhà nước là ở chỗ này. Cơ quan y tế người ta cũng bảo làm thêm liên tục 50 giờ là sức khỏe sẽ rất có vấn đề. Vì vậy, 40 giờ là tột đỉnh rồi”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng là một trong nhiều đại biểu ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu khi xây dựng dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, từ kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi thị trường lao động đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài.
“Vào thời điểm này của Việt Nam, khi chúng ta đang bước dần từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già, việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã là hơi chậm và cần có những quyết định sớm”, ông Lợi nói.