Đại học Thái Bình lý giải vụ tuyển sinh chính quy, cấp bảng điểm vừa làm vừa học

05/09/2020 05:59
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Thái Bình cho rằng, khi rà soát các quy định đã chuyển hình thức đào tạo của lớp Luật 5A3 nhưng giáo viên chủ nhiệm chưa thông báo tới học viên.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, nhiều học viên theo học lớp Đại học Luật A5A3 (Trường Đại học Thái Bình) khóa 2016-2020 đã rất bức xúc về việc nhà trường phát bằng đại học kèm bảng điểm không đúng với hình thức tuyển sinh lúc đầu và không đúng với nội dung giấy báo nhập học của nhà trường.

Ngay sau khi thông tin được đăng tải, Ban giám hiệu Trường Đại học Thái Bình đã có những phản hồi về việc nhà trường tuyển sinh hệ chính quy, nhưng cấp bảng điểm hệ “vừa làm, vừa học”.

Chuyển hình thức đào tạo sau 1 năm học

Theo bà Nguyễn Thị Kim Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình, ngày 26/7/2016, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã có quyết định công nhận 42 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào Đại học chính quy, ngành Luật năm 2016.

Thí sinh trúng tuyển là thí sinh có tổng điểm xét tuyển các môn theo tổ hợp của học bạ trung học phổ thông lớp 12 đạt từ 18,0 điểm trở lên.

Lãnh đạo Trường Đại học Thái Bình đã giải trình về việc tuyển sinh hệ chính quy nhưng cấp bảng điểm hệ "vừa làm, vừa học" (Ảnh: Lã Tiến)

Lãnh đạo Trường Đại học Thái Bình đã giải trình về việc tuyển sinh hệ chính quy nhưng cấp bảng điểm hệ "vừa làm, vừa học" (Ảnh: Lã Tiến)

Sau đó, nhà trường phát hành Giấy báo nhập học trong đó ghi rõ: đã trúng tuyển và đủ điều kiện học tập bậc đại học chính quy, ngành Luật tại trường năm học 2016-2017.

Nhà trường đặt tên là lớp Đại học Luật 5A3 (ký hiệu DHLA5A3), giao cho Tiến sĩ Nguyễn Đức Long, Trưởng khoa Luật làm giáo viên chủ nhiệm lớp.

Theo quyết định trúng tuyển của nhà trường có 42 thí sinh nhưng khi nhập học chỉ có 33 thí sinh.

Tiếp đó, nhà trường xây dựng kế hoạch học tập của lớp Đại học Luật 5A3 gồm 8 học kỳ với 126 tín chỉ theo hình thức chính quy tập trung tại trường.

Khi triển khai thực hiện, xuất phát từ hình hình thực tế là sinh viên của lớp đang đi làm, không thể về cơ sở chính để học, chỉ có thể học ngoài giờ hành chính nên trường phải tìm địa điểm phù hợp để tổ chức hoạt động đào tạo.

Nhà trường đã thống nhất với các học viên chọn Trường Trung cấp Khu kinh tế Hải Phòng (thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng) làm địa điểm đặt lớp học và tổ chức hoạt động giảng dạy vào các ngày cuối tuần.

Bà Lý thông tin: “Đến năm 2017, sau khi nhà trường kiện toàn lại Ban giám hiệu, qua rà soát, kiểm tra đánh giá lại các vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo của lớp DHLA5A3 Hải Phòng thấy lớp này không đáp ứng được các quy định về hình thức đào tạo chính quy.

Ngày 27/10/2017, Trường Đại học Thái Bình đã tổ chức họp Hội đồng tuyển sinh, đào tạo để trao đổi, thống nhất các vấn đề liên quan đến lớp Luật A5A3.

Tại cuộc họp, các thành viên đã nhất trí 100% chuyển hình thức đào tạo của lớp từ chính quy sang giáo dục thường xuyên (vừa làm vừa học).

Cùng với đó, nhà trường giao cho thầy Nguyễn Đức Long (giáo viên chủ nhiệm) thu hồi toàn bộ Giấy báo nhập học từ các sinh viên.

Kỷ luật cảnh cáo giáo viên chủ nhiệm

Theo bà Nguyễn Thị Kim Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình, ngày 28/10/2017, nhà trường đã ban hành thông báo số 779 về việc chuyển hình thức đào tạo và đề nghị giáo viên chủ nhiệm triển khai thông báo, giải thích lý do đến toàn thể sinh viên lớp DHLA5A3.

“Tuy nhiên, vì giáo viên chủ nhiệm khi triển khai không thực hiện được đầy đủ mọi quy trình, bảo đảm công khai minh bạch như: việc tổ chức họp lớp và thông tin đầy đủ, chi tiết nội dung thông báo của nhà trường đến sinh viên.

Chính vì vậy dẫn đến việc các sinh viên chưa nhận thức đầy đủ hình thức đào tạo của nhà trường”, bà Lý nói.

Bà Lý cho biết thêm, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thông báo đến các học viên lớp Đại học Luật A5A3 về việc chuyển đổi loại hình đào tạo từ chính quy sang hệ “vừa làm vừa học”, nhưng vị này không thực hiện.

Ngay sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, Ban giám hiệu Trường Đại học Thái Bình đã yêu cầu thầy Nguyễn Đức Long giải trình về toàn bộ sự việc.

Đồng thời thành lập Hội đồng kỷ luật viên chức, xem xét và đã đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Long, giáo viên chủ nhiệm của lớp DHLA5A3.

Cùng với đó, Trường Đại học Thái Bình đã nhìn nhận và rút kinh nghiệm về những sơ suất xảy ra trong quá trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo của lớp DHLA5A3.

Học viên bất ngờ về việc chuyển hình thức đào tạo?

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều học viên lớp DHLA5A3 đều cho rằng, họ không nhận được bất cứ thông báo nào của nhà trường về việc chuyển đổi hình thức đào tạo từ hệ chính quy sang vừa làm vừa học.

Chị N. (học viên lớp DHLA5A3) bức xúc nói: “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với thông tin nhà trường đã chuyển hình thức đào tạo từ đại học chính quy ngành Luật sang hệ vừa làm, vừa học.

Sau một năm theo học, nếu chúng tôi được nhà trường thông tin về việc chuyển hình thức đào tạo thì nhiều người trong lớp sẵn sàng bỏ học ngay”.

Giấy báo nhập học bị thu hồi nhưng các học viên còn lưu giữ được (Ảnh: Lã Tiến)

Giấy báo nhập học bị thu hồi nhưng các học viên còn lưu giữ được (Ảnh: Lã Tiến)

Anh K. (một học viên) cho biết: “Sau khi học được khoảng 1 năm, chúng tôi thấy thầy giáo chủ nhiệm có thông báo thu hồi toàn bộ giấy báo nhập học của chúng tôi.

Tuy nhiên, thầy giáo chủ nhiệm cũng không nói là thu hồi để làm gì. Một số trong chúng tôi chột dạ đã “cẩn thận” lưu lại giấy báo nhập học.

Cũng may mắn là chính sự cẩn thận đó đã giúp chúng tôi có căn cứ đề nghị Trường Đại học Thái Bình cấp bảng điểm theo đúng hình thức tuyển sinh lúc đầu”.

Cũng tại cuộc làm việc với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Lý, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cho biết, nhà trường đã báo cáo Vụ Giáo dục Đại học về việc tuyển sinh chính quy nhưng cấp bảng điểm hệ vừa làm, vừa học.

“Quan điểm của nhà trường là vẫn cấp bằng và bảng điểm như ban đầu. Nhà trường hứa tiếp tục nghiên cứu văn bản để bảo đảm quyền lợi cho các học viên”, bà Lý khẳng định.

LÃ TIẾN