Lâm Chính Nghĩa, Viện Nghiên cứu trung ương Đài Loan. |
Thông tấn xã Đài Loan ngày 14/11 dẫn lời Lâm Chính Nghĩa từ Sở Nghiên cứu Âu - Mỹ thuộc Viện Nghiên cứu trung ương Đài Loan cho biết, dưới thời lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã không còn áp dụng chiến lược kiềm chế ở Biển Đông.
Phát biểu tại một hội thảo ở Đài Bắc về vấn đề Biển Đông và Hoa Đông trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, ông Nghĩa cho biết: Từ đầu năm 2014 Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát (bất hợp pháp - PV) Biển Đông bằng cách tung ra các dự án cải tạo một số bãi đá thành đảo nhân tạo để củng cố tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp - PV) đối với khu vực.
Ông Lâm Chính Nghĩa cho rằng các dự án cải tạo biến đá thành đảo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) đã không chỉ thay đổi địa mạo của quần đảo này mà còn là minh chứng cho thấy Bắc Kinh đã từ bỏ chiến lược giấu mình chờ thời trong quá khứ.
Chiến lược mới của Trung Quốc trong khu vực bao gồm phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và sự can thiệp của các nước bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và nhấn mạnh vào việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán tay đôi với từng bên tranh chấp.
Mặt khác Bắc Kinh cũng có những nỗ lực được ông Nghĩa gọi là "tuyệt vời" để đẩy mạnh chiến lược "ngoại giao Biển Đông" bằng cách phát triển các mối quan hệ đối tác chiến lược đầy đủ với các thành viên ASEAN. Đồng thời việc đảo hóa các bãi đá ở Trường Sa đã cho phép Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự của mình và kiểm soát khu vực chiều sâu chiến lược.
Tuy nhiên nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực cũng sẽ tăng lên là kết quả của những hành động của Trung Quốc, làm gia tăng thách thức trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Xung quanh vấn đề căng thẳng trên Biển Đông, Global Research ngày 15/11 bình luận, trong năm qua Mỹ đã thể hiện vai trò và sự quan tâm đặc biệt của mình ở Biển Đông thông qua một loạt hành động chứ không phải lời nói.
Năm 2014, Washington đã điều 4 tàu chiến Littoral đồn trú vĩnh viễn ở Singapore, hỗ trợ vụ kiện của Philippines, ký kết hiệp định quốc phòng mở rộng và dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Ông Tập Cận Bình và Obama tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC. |
Các tàu hải quân Mỹ cập cảng ở Biển Đông nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung năm 2014 nhiều hơn bất cứ năm nào trước đó, Hoa Kỳ cũng lặp lại nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật ở BIển Đông.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các nước trong khu vực phải tuân thủ chuẩn mực của luật pháp quốc tế, một cách nói đề cập gián tiếp đến Bắc Kinh được Mỹ xem như "kẻ thù xâm lược", hay vi phạm luận pháp quốc tế.
Tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Naypyidaw, Myanmar, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cố gắng để chống lại áp lực từ Washington bằng cách đề xuất những gì ông gọi là một hiệp ước hữu nghị với các nước Đông Nam Á.
Nội dung cái gọi là hiệp ước hữu nghị này không rõ ràng, nhưng Lý Khắc Cường nhấn mạnh yêu cầu đàm phán tay đôi của Bắc Kinh với từng bên tranh chấp. Washington lại đang thúc đẩy một cách giải quyết đa phương, trong đó Mỹ có vai trò nhất định.
Lý Khắc Cường cũng nhắc lại đề nghị của Bắc Kinh để xây dựng cái họ gọi là Con đường tơ lụa mới trên biển của thế kỷ 21 với 40 tỉ USD đầu tư trong khu vực để hấp dẫn các nền kinh tế Đông Nam Á. Nhưng nó không làm giảm sự căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.
Trong hội nghị này, Lý Khắc Cường đã tìm cách làm giảm nhẹ những căng thẳng ở Biển Đông khi nói rằng "tình hình ở Biển Đông nói chung cơ bản ổn định" trong khi trên thực tế, Biển Đông là một biểu tượng bùng nổ của những căng thẳng toàn cầu.