Đại sứ Ukraine tại Mỹ: Quân đội Kiev đang hấp hối

22/03/2015 07:10
Nguyễn Hường
(GDVN) - Đại sứ Ukraine tại Mỹ Olexander Motsyk thừa nhận rằng quân đội nước ông đang trong tình trạng "hấp hối".

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ Foreign Policy hôm 20/3, Đại sứ Ukraine tại Mỹ Olexander Motsyk thừa nhận rằng quân đội nước ông đang trong tình trạng "hấp hối".

Theo Đại sứ Motsyk, sau nhiều năm bị bỏ bê và nạn tham nhũng hoành hành, quân đội Ukraine đã lâm vào tình trạng hấp hối và tuyệt vọng, không thể đánh bại lực lượng ly khai.

Đại sứ Ukraine tại Mỹ Olexander Motsy.
Đại sứ Ukraine tại Mỹ Olexander Motsy.

"Quân đội của chúng tôi gần như đang bắt đầu từ con số 0", Đại sứ Motsyk nói.

Sau nhiều năm bị bỏ bê, quân đội Ukraine đã trở nên lạc hậu và thiếu thốn. Tháng 8/2014, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã khởi tố một số cựu quan chức Bộ Quốc phòng vì mua áo giáp không đủ tiêu chuẩn cho quân đội dẫn tới tình trạng thương vong cao vì chúng không thể chịu được một viên đạn.
 
Đại sứ Motsyk nhấn mạnh rằng việc Mỹ giúp đỡ đào tạo cho quân đội Ukraine là một sáng kiến rất quan trọng, nhưng thúc giục Washington và các đồng minh của mình hãy ngay lập tức giúp đỡ đất nước của ông bằng các viện trợ vũ khí phòng thủ.

Theo ông, chỉ có sự hỗ trợ vũ khí sát thương của Mỹ mới có thể giúp Ukraine đánh bại các phần tử ly khai và bảo vệ lệnh ngừng bắn mong manh.

"Để giành được hòa bình, chúng tôi cần vũ khí phòng thủ", ông Motsyk nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo tờ Freign Policy, Ukraine sẽ không sớm nhận được vũ khí sát thương từ phương Tây bởi nhiều nước châu Âu đã lên tiếng phản đối kế hoạch này vì lo sợ nó sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Nga.

Quân đội Ukraine gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi nạn tham nhũng.
Quân đội Ukraine gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi nạn tham nhũng.

Hồi đầu tuần này, chỉ huy quân đội Mỹ ở Châu Âu, tướng Ben Hodges đã nhấn mạnh mối nguy hiểm tiềm tàng từ việc trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine.

"Cung cấp vũ khí không phải là một chiến lược. Đã có nhiều tranh cãi gay gắt rằng trợ giúp vũ khí sát thương chỉ khiến khiêu khích người Nga hơn", tướng Hodges nói.

Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Obama đã ủng hộ đề xuất này, nhưng cho đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức.

Theo Foreign Policy, ngay cả khi quân đội Ukraine được hỗ trợ vũ khí hạng nặng, họ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác ngăn cản họ giành được phần thắng trong cuộc xung đột.

"Họ không được chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào", cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nói với Foreign Policy trong một cuộc phỏng vấn trước đó.  

Sau khi Liên Xô sụp đổ, quân đội Ukraine có khoảng 700.000 binh sĩ, nhưng tới năm 1996, số này giảm hơn một nửa xuống còn 300.000 người. Vào tháng 2/2014, trong đêm trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, quân đội Ukraine chỉ còn khoảng 150.000 binh sĩ, nhưng chỉ có 5.000 trong số này là có thể sẵn sàng chiến đấu.

Sau đảo chính, chính phủ Kiev đã tiến hành nhiều biện pháp tăng quân số bằng cách tăng cường huy động quân sự và hợp đồng với các tình nguyện viên. Nhưng họ vẫn thiếu những người lính có khả năng chiến đấu.

Theo Đại sứ Motsyk, Ukraine sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu không có sự giúp đỡ của các tiểu đoàn tình nguyện. Các tiểu đoàn này không những có kinh nghiệm chiến đấu mà còn giúp cho quân đội Ukraine có thời gian để tái trang bị.

Theo Foreign Policy, chính phủ Kiev đang chi khoảng 5 triệu USD/ngày cho cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai. Ukraine đã lên kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng từ 1,8 tỷ USD trong năm 2014 lên khoảng 5,5 tỷ USD trong năm 2015.

Mặc dù khoản chi tiêu này là vô cùng nhỏ so với láng giềng là Nga, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trên bờ vực sụp đổ, thì đây cũng là một nỗ lực lớn của chính phủ Kiev. Tuy nhiên, nếu chiến tranh kéo dài, ngân khố sẽ ngày càng cạn kiệt và việc duy trì các khoản chi tiêu như hiện nay cũng sẽ khó có thể thực hiện được.

Đó là lý do khiến Ukraine tiếp tục kêu gọi viện trợ quân sự từ Mỹ và các đồng minh phương Tây khác, bao gồm cả vũ khí phòng thủ./.

Nguyễn Hường