“Đại tướng là một trí thức cách mạng, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục”

10/10/2013 08:09
Hoàng Lực
(GDVN) - GS.NGND Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: mình may mắn vì được nhiều dịp gặp và được trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ông, Đại tướng là người gần gũi đặc biệt với các nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam và thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức cách mạng lớn

Đã gần 1 tuần kể từ khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời (18h9p ngày 4/10) nhưng với mỗi người dân Việt Nam sao như nó vẫn như vừa mới xảy ra, sự bàng hoàng, nghẹn ngào trong niềm tiếc thương vô hạn trước vị Tướng nhân hậu, Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với GS.NGND Nguyễn Lân Dũng giờ phút Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 103 là lúc cả nước thương tiếc một vị tướng tài, người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh. “Riêng giới trí thức đau xót tiễn đưa người trí thức cách mạng tiêu biểu, Đại tướng là người gắn bó thân thiết nhất với giới trí thức nước nhà”. GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi là tổn thất lớn cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi là tổn thất lớn cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam. 
Niềm tiếc thương, những giọt nước mắt không ngừng rơi của người dân khi đến thăm viếng tại gia đình riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Niềm tiếc thương, những giọt nước mắt không ngừng rơi của người dân khi đến thăm viếng tại gia đình riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Qua lời kể của GS Nguyễn Lân Dũng thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp với gia đình GS có một tình cảm đặc biệt. “Còn nhớ, cách đây đúng 10 năm những ngày bố tôi GS Nguyễn Lân nằm giường bệnh và sau đó mất (năm 2003) Đại tướng đã đến tận nhà thăm và động viên bố tôi”. GS Nguyễn Lân Dũng nghẹn ngào.
Với GS Nguyễn Lân Dũng, Đại tướngVõ Đại tướng là một trí thức cách mạng, một nhà giáo yêu nước nên trong cuộc đời hoạt động cách mạng và sau này, Đại tướng đã dành rất nhiều tình cảm và tâm trí để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam, phát triển nền giáo dục và khoa học trong công cuộc Đổi mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp như ngọn hải đăng của những người trí thức trước những vấn đề trọng đại của đất nước.

“Ông đã sống trọn cuộc đời bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh của đất nước trong cả thời chiến lẫn thời bình”. GS Nguyễn Lân Dũng nói.

GS Nguyễn Lân Dũng luôn coi mình là người may mắn khi được nhiều lần gặp và được chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
GS Nguyễn Lân Dũng luôn coi mình là người may mắn khi được nhiều lần gặp và được chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp


GS Nguyễn Lân Dũng còn nhớ một lần ông đọc được trên tạp chí Tinh Hoa nêu rất rõ tinh thần thiết tha với sự nghiêp khoa học và giáo dục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1977, hai năm sau khi thống nhất đất nước, theo sự phân công của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận công tác ở cương vị mới: Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học – kĩ thuật.
Đảm trách vị trí mới lại trong lúc tư duy kinh tế thời chiến vẫn còn ngự trị trong toàn xã hội nhưng Đại tướng đã nhìn thấy vấn đề “đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta”. Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ tổng hòa của các yếu tố Đất - Nước - Rừng - Riển trong việc giữ gìn hệ sinh thái và phát triển lâu dài.
Đại tướng viết: “Nước ta nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, cho nên đất, nước, rừng, biển đều có mối liên hệ qua lại và tác động lẫn nhau. Có thể nói rằng: rừng và biển có tầm quan trọng rất to lớn không những về mặt tiềm năng các sản phẩm quý giá có thể cung cấp cho xã hội mà còn có vai trò giữ gìn môi trường và cân bằng sinh thái tốt nhất đối với toàn bộ đất đai nước ta, đối với việc phát triển các ngành kinh tế quốc dân trong cả nước. Trong một đất nước có bờ biển dài hơn 3000 km với 80% dân số là nông dân, tư duy ấy không chỉ đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế, mà còn đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của mỗi người dân”.
“Trong thời chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng với khả năng nhìn thấy điểm yếu và tấn công điểm yếu của kẻ địch thì trong thời bình, người trí thức ấy lại tìm ra những thế mạnh nổi trội của nền kinh tế. Ngoài chiến lược về nông nghiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đề xuất một chiến lược về Kinh tế biển và Khoa học kỹ thuật về biển.

Trong đó, việc mở đường ra biển, làm ăn kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành miền công nghiệp thủy sản trù phú. Cái nhìn ấy cũng đã cách đây hơn 30 năm và giờ đây chúng ta cũng đang đi những bước đầu tiên về phía biển". GS Nguyễn Lân Dũng nhìn nhận.
GS Nguyễn Lân Dũng cho biết thêm từ năm 1985, Đại tướng đưa ra những kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới quản lý trong khoa học và giáo dục, trong đó Đại tướng nhấn mạnh đến việc phải có chế độ trả công cho lao động khoa học tương xứng, chấm dứt việc thang lương của thầy cô giáo, kỹ sư… lại thấp hơn cả thu nhập của thầy bói, thầy cúng.
“Đòi hỏi phải xây dựng một môi trường thật sự dân chủ đối với tư duy khoa học, trong đó việc tôn trọng trí thức, khuyến khích nhân tài đã được Đại tướng dày công xây dựng trong một bản chiến lược công bố từ tháng 1 năm 1989, đến nay đã được gần 20 năm nhưng vẫn chưa bao giờ vơi đi tính thời sự”. GS Nguyễn Lân Dũng nhận định.
“Cả cuộc đời ông đã hiến mình cho lý tưởng cách mạng và lý tưởng đó đã trở thành máu thịt trong ông. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong cuộc sống, ông vẫn đồng hành cùng từng trăn trở, từng suy tư của người dân Việt Nam”. GS Nguyễn Lân Dũng xúc động chia sẻ.

Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục


GS Nguyễn Lân Dũng cho biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người dành rất nhiều sự quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, Đại tướng từng khẳng định: “Cần phải coi chiến lược con người, “tất cả cho con người và tất cả vì con người” có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những nhiệm vụ lớn lao có tầm quan trọng chiến lược trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên CNXH là đào tạo con người phát triển toàn diện, có tinh thần làm chủ và năng lực làm chủ, có tinh thần yêu nước và lý tưởng XHCN, có trình độ văn hoá và khoa học ngày càng cao, nắm vững kỹ thuật và công nghệ sản xuất, kể cả công nghệ và kỹ thuật cổ truyền, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, có cả những công nghệ hiện đại nhất.

Đây chính là lực lượng sản xuất vĩ đại nhất, thế mạnh lớn nhất, có sức sáng tạo nhất. Trong sự nghiệp ấy, công tác giáo dục từ mẫu giáo đến đại học và trên đại học có nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục về thực chất phải được coi là một bộ phận quan trọng trong chính sách đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những loại đầu tư có tầm quan trọng chiến lược và đem lại hiệu quả lớn lao".

Từ sự khẳng định: “Sự phát triển của con người là liên tục… Con người là một thể thống nhất với sự phát triển liên tục, không thể chia cắt được trong không gian, trong thời gian”, Đại tướng nhấn mạnh: Giáo dục với tư cách là quá trình hướng dẫn sự phát triển con người, cũng phải liên tục . Giáo dục thế hệ trẻ là một quá trình liên tục từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc trưởng thành và là sự nghiệp của toàn xã hội.
Cần phải tạo ra được một môi trường giáo dục thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đảm bảo “giáo dục toàn diện, giáo dục thường xuyên, giáo dục liên tục”, thực hiện được sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, tư tưởng và lối sống XHCN, phổ cập văn hoá, khoa học, kỹ thuật và công nghệ song song với phổ cập nghề nghiệp .
Đại tướng Võ Nguyên giáp đã đưa ra chủ trương: Cần phải hình thành trong toàn xã hội một phong trào, một nếp sống chăm lo học hành sôi nổi trong cả nước, học ở trường, học ở nhà, học ở xã hội, vừa học vừa làm, theo tinh thần “học tập, học tập nữa, học tập mãi mãi”. Học tập để thành con người mới XHCN, học tập để xây dựng thành công xã hội văn minh và hạnh phúc, học tập để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa .
Khoa học giáo dục phải là một hệ thống quy luật tổng hợp, chịu sự tác động của các quy luật phát triển kinh tế - xã hội, quy luật nhận thức, quy luật tâm lý xã hội, quy luật phát triển sinh lý, quy luật kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhằm đào tạo thế hệ trẻ từng bước trở thành con người mới XHCN Việt Nam .
“Từ bản chất của khoa học giáo dục, Đại tướng yêu cầu những người nghiên cứu khoa học giáo dục không những phải có trình độ trong lĩnh vực chuyên sâu mà còn phải có sự hiểu biết về nhiều mặt: Về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối, chính sách của Đảng, về thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam, về con người Việt Nam xưa và nay, về những thành tựu trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học kỹ thuật xưa và nay, về những thành tựu và cả những nhược điểm… của sự nghiệp giáo dục xưa và nay ở nước ta và ở các nước trên thế giới”. GS Nguyễn Lân Dũng nhớ lại .
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi giáo dục là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật; nội dung giáo dục bao giờ cũng kết hợp chặt chẽ với phương pháp sư phạm. Vì thế, nội dung và phương pháp dạy - học cần hướng cho học sinh suy nghĩ về các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương,… để khi đi vào đời sống không bỡ ngỡ, không sống theo tập quán cũ… mà tích cực tham gia vào cuộc sống mới.
Đại tướng chỉ rõ: Phải kết hợp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ với lao động sản xuất theo ngành nghề ở mức độ khác nhau tuỳ theo từng lứa tuổi và tính chất của các trường nhằm biến tiềm lực khoa học kỹ thuật của nhà trường thành lực lượng sản xuất trực tiếp; Phải xác định cho được nội dung, phương pháp tối ưu để đào tạo con em chúng ta thực sự trở thành những người lao động giỏi trong các lĩnh vực và trên các địa bàn của đất nước phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng có lần ông được GS Hoàng Tụy kể lại: Sáng kiến về bản kiến nghị chấn hưng giáo dục do nhóm các nhà khoa học - trí thức gửi lên Chính phủ năm 2004, chính là lấy ý tưởng từ bản kiến nghị của Đại tướng gửi đến nhóm. Sau khi công bố, bản kiến nghị đã có một tiếng vang lớn, và một số những thay đổi về phân ban, chức danh Phó giáo sư, giáo sư... đã được bộ Giáo dục thực hiện theo đề xuất của bản kiến nghị.
Với GS Nguyễn Lân Dũng nếu để ông nói về những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ sao cho xiết. Nay Đại tướng mất đi với riêng GS Nguyễn Lân Dũng ông chỉ xin thắp nén tâm nhang thành kính mong Đại tướng an nghỉ chốn vĩnh hằng.
“Sự nghiệp vẻ vang của Bác còn mãi mãi trường tồn trong lịch sử của dân tộc, trong tâm trí của mọi thế hệ hôm nay và mai sau. Giới trí thức Việt Nam luôn ghi nhớ những lời căn dặn ân tình của Đại tướng để góp phần tích cực vào công cuộc Đổi mới đất nước, sao cho đúng với ước nguyện mà Đại tướng hằng mong muốn”. GS Nguyễn Lân Dũng nghẹn ngào nói.
Hoàng Lực