Đạo diễn Quang Dũng là đạo diễn đa tình, đa tài, tên tuổi gắn liền với những bộ phim chiếu rạp ăn khách như Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Mỹ nhân kế… Những bộ phim mang tính giải trí của anh, ngoài kịch bản thì sự góp mặt của những chân dài, những người nổi tiếng luôn là những yếu thu hút số đông khán giả tới rạp.
Là con trai của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được nhiều khán giả biết tới không chỉ qua những bộ phim ăn khách, mà còn được đặc biệt yêu mến bởi tài ăn nói hóm hỉnh nhưng sâu sắc khi ngồi ghế giám khảo các cuộc thi như Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ…
Mới đây bàn về một vấn đề nóng của xã hội hiện đại, phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi trong chương trình Chuyện đêm muộn, hai đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng và Quang Dũng đã có buổi trò chuyện thú vị quanh vấn đề này. Qua chương trình, anh cũng tiết lộ sắp tới sẽ bắt tay thực hiện bộ phim đầu tiên cho trẻ em…
Đạo diễn Quang Dũng trẻ trung ngoài đời |
Suýt có bộ phim gắn mác 16+
- Thật ra có một bộ phim suýt bị cấm, đó là phim “Hồn Trương Ba”, tức là phim đó vừa chiếu ra rồi thì báo chí đề nghị cấm.
Cũng có một phim “mém” bị gắn mác phim 16+, đó là phim Mỹ nhân kế. Thật ra trong phim đó có cảnh Diễm My với Anh Khoa đã bị cắt ngắn bớt đi rồi, nếu để dài ra chút nữa thì buộc phải gắn mác cấm trẻ em 16 tuổi xem.
Dũng cắt cảnh được cho là nhạy cảm đó trước hay cắt sau yêu cầu đấy?
- Cái hay ở Việt Nam đó là trước khi duyệt, ta có đem băng nháp cho một hai người thuộc hội đồng xem trước để họ cho mình những lời khuyên.
Việc làm phim ở Việt Nam, thời gian hậu kỳ và phát hành rất gần nhau, cho nên cũng khá nguy hiểm. Nếu chờ dựng phim xong mới cắt sẽ rất khó khăn.
Vấn đề cấm trẻ em dưới 16 tuổi theo Dũng nên áp dụng thế nào? Chúng ta có tiền lệ hay không và thực ra nó có tác dụng không?
- Thực ra gần đây, chúng ta mới thấy việc phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi, chứng tỏ rằng nó có sự phát triển, và người ta cũng để ý đến việc chia lứa tuổi ra hơn, chứ trước đây không có chuyện cấm trẻ em dưới 16, 18 gì cả. Nếu cấm là cấm luôn, buộc cắt phải cắt luôn, anh cắt những cảnh nhạy cảm thì mới cho chiếu. Nhưng bây giờ, người ta sẽ yêu cầu mình cắt, nếu mình không cắt, buộc phải cấm trẻ em dưới 16 tuổi.
Thật lòng nếu là đạo diễn, tôi sẽ chọn con đường không cắt và cấm trẻ em, tôi sẽ được sự hấp dẫn mà cũng chẳng mất đi bao nhiêu vé cả, anh thấy có đúng không?
- Cái đó là đúng nhưng thật ra, mình cũng có thể đấu tranh nhưng cũng phải nằm trong luật. Mình không muốn làm sai luật bao giờ. Mình cũng thừa biết các rạp chiếu phim thường họ cũng tham, cũng làm ngơ cho trẻ em vào rạp xem phim. Nhưng nếu với một tư cách một người anh, người chú ở trong gia đình, khi người ta dán mác đó, mình cũng có lời khuyên cho con cháu không nên đi xem phim đó.
Và dĩ nhiên ở thế giới, người ta cũng có từng hạng mục như vậy. Ví dụ ở Mỹ, người ta còn có hạn chế trẻ em dưới 12, 13, 16, 17 gì đó, họ phân chia nhiều lứa tuổi hơn.
Cái hay của Mỹ thật ra chuyện hạn chế, cấm trẻ em dưới bao nhiêu tuổi đó không phải là luật pháp quy định, nó chỉ là khuyến cáo và cũng không thuộc về nhà nước.
Những thành phần kiểm duyệt là một công ty, hiệp hội tư nhân, dân tình rất tin hiệp hội này. Và khi họ thấy bị dán mác, họ rất ý thức khuyến cáo con mình không nên đi xem.
Hiệp hội đó không phải của những người làm nghề điện ảnh, thực ra công ty họ trả tiền và mời khoảng 100 phụ huynh với các ngành nghề khác nhau. Chính phụ huynh mới note vào phim này nên hay không nên, nên cắt những câu nào…
Cái hay của Mỹ ngoài những vấn đề rất xã hội thì cái hay khác là khi phụ huynh đã note vào đó tức là đa phần họ không muốn cho con mình xem những cảnh đó. Chính vì thế làm những nhà làm phim rất sợ, thật ra họ sợ phụ huynh và khán giả hơn. Vì nếu bị đánh dấu sẽ rất hạn chế số người đi xem.
Thật ra sau đó kiểu gì về, họ cũng sửa, nếu đó là phim muốn doanh thu cao và thu hút nhiều lứa tuổi đi xem.
Phim của đạo diễn Quang Dũng suýt bị xếp vào phim nhạy cảm |
Thực ra ở Mỹ phim có khuyến cáo nặng nhất là dán mác R, cũng có trường hợp vì không dán mác R mà doanh thu giảm, bởi vì cũng có số người khá đông thích những cảnh bạo lực và tình dục?
- Ở Mỹ cũng có cái hay đó là có những phim người ta không đem vào hệ thống duyệt cũng được, họ sẽ gắn mác N, R. Thường những rạp lớn, họ cũng ngại chiếu những phim như thế, hoặc khi chiếu thấy mác đó, phụ huynh cũng rất ngại cho con cháu xem. Và tất nhiên phim cũng sẽ có một lượng khán giả khác. Nếu họ tự tin thì không cần qua kiểm duyệt.
Trong khi quá trình tư duy một kịch bản, Dũng có bị vảng vất vấn đề cấm trẻ em không, hay mình cứ làm thoải mái rồi chuyện đó tính sau?
- Tôi nghĩ vẫn phải tư duy chuyện đó, bởi vì điều đó ở mục đích mình làm phim. Nếu đây là một phim gia đình, cả gia đình có thể đi xem, mình nên hạn chế cảnh quá thô tục. Nhưng vẫn có những phim nghĩ rằng cần phải có cảnh đó, buộc mình phải làm thôi.
Ví dụ như phim sắp tới đây của tôi, gần như không có cảnh bạo lực, sex gì cả vì tôi nghĩ đấy là phim mà đối tượng lớn của mình là thiếu nhi.
Bản thân Dũng cũng đã có phim mà Hoàng nghĩ có những cảnh cấm cũng được mà không cấm cũng được, ví dụ có cảnh Johnny Trí Nguyễn và Thanh Hằng, trong Nụ hôn thần chết?
- Tôi nghĩ cảnh đó bị chụp lên ảnh, người ta cảm giác có yếu tố gợi dục, nhưng thật ra trong bộ phim, đó chỉ là một cảnh hài thôi, xem cũng vui (cười).
Ý tưởng đó cũng từ một phim của Thành Long mà tôi đã xem, ví dụ có cảnh diễn viên Thành Long trong phim đánh nhau trong phòng bơi, phòng xông hơi gì đó, sau đó anh lấy khăn chụp lại để che thân…rồi chạy ra ngoài đường. Phim Thành Long đó cũng dành cho mọi đối tượng con nít xem rất là thích.
Theo tôi càng ngày càng nói về vấn đề nhạy cảm càng phải kỹ chứ không thể lớt phớt được. Vậy nên chúng ta cũng nên có những kênh hoặc chương trình truyền hình nói về những vấn đề nhạy cảm đó, nhưng có quy định và khuyến cáo?
- Tôi nghĩ chuyện đó là cần thiết và hiển nhiên. Những kênh miễn phí ở nước mình cũng có thể làm được nhưng phải có khuyến cáo. Đầu tiên anh phải rõ ràng và người xem cũng phải biết mình đang xem cái gì. Vấn đề là bố mẹ cũng cần định hướng cho con nên xem gì.
Thị trường phim thiếu nhi là thị trường rất lớn
Với xã hội công nghệ phát triển như ngày nay, nếu một đứa trẻ hư có thể lên mạng, và chỉ tích tắc thôi cũng có thể lĩnh hội được những cái xấu trên mạng đó. Cho nên sự kiểm duyệt đó nghe chừng bị lạc hậu. Có biện pháp gì hay hơn kiểm duyệt không? Dũng có nghĩ cách kiểm duyệt thủ công như làm phim cắt chỗ này chỗ kia có bị lạc hậu so với thế giới không?
- Thật ra bây giờ nó cũng đang lạc hậu rồi. Nhưng hình như cái luật đó vẫn còn, nên nghĩ là cái đó rất khó, đối với những người muốn lách luật thì rất khó.
Hoàng có viết một số kịch bản thiếu nhi nhưng khi đưa cho thiếu nhi xem thì nói là tại sao nội dung lại trẻ con quá, bây giờ trẻ con không còn như thế nữa đâu, và mình nhận thấy rằng có một số vấn đề mình còn trẻ con hơn bọn trẻ bây giờ rất nhiều. Trẻ con bây giờ đã phát triển hơn xưa rất nhiều?
- Thực ra trẻ con ở Việt Nam không còn hồn nhiên như trẻ con mình gặp ở nước ngoài đâu. Có điều rất ngạc nhiên, ví dụ có phụ huynh bất ngờ với cả những câu nói của con mình, trước đó ở nhà chúng chưa bao giờ nói, có những vấn đề trẻ con hiểu sâu sắc hơn, người lớn tưởng vì các em được thoải mái xem youtube nhất là những chương trình hài. Thực ra mình không chê nhưng hài thì nói đủ thứ trên đời, ám chỉ đủ thứ trong đó có sex, trẻ con hiểu được điều đó và chúng cười, hay ở trên tv show, hài cũng nhiều. Nhưng mình nghĩ đặc biệt ở trên youtube, rất khó quản lý.
Tuy nhiên trẻ con bên các nước khác mình gặp, một số rất nghiêm túc. Giờ nào xem TV phải xin phép bố mẹ, xem chương trình gì cũng hỏi bố mẹ. Cho nên tôi nghĩ vấn đề giáo dục trong gia đình mới là quan trọng.
Tôi thấy bây giờ phong trào rất nguy hiểm ở Việt Nam, đó là khi trẻ con gây ồn ào, chúng khóc, hoặc cha mẹ muốn yên thân thì đưa cho ipad để con chơi. Như thế là hơi thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con.
Giám khảo của Vietnam Idol cho biết sắp tới sẽ làm phim cho thiếu nhi trên 5 tuổi, vì thị trường phim cho trẻ em còn nhiều bỏ ngỏ |
Theo Dũng các nhà sản xuất phim hiện nay có ngại vấn đề cấm trẻ em dưới 16 tuổi hay không? Hay nhà sản xuất thoải mái cho đạo diễn?
- Thực ra cũng tùy từng loại phim, ví dụ phim Mỹ nhân kế, lúc đó nhà sản xuất cũng ngại cấm trẻ em dưới 16 tuổi, vì họ nghiên cứu đó là phim 3D, sẽ có lượng trẻ em xem nhiều hơn người lớn, nhưng ví dụ với phim Scandal, cũng một nhà sản xuất đó, nhưng họ không ngại việc Cấm trẻ em dưới 16 tuổi, bởi ngay tên và nội dung phim có gì đó rất mạnh.
Có một thực tế bây giờ rất ít các nhà làm phim làm dành cho thiếu nhi, thậm chí ít cả những tác phẩm văn học, những ca khúc cho lứa tuổi này. Trong khi làm cho trẻ con thì không làm mà còn cấm trẻ em nữa, Dũng nghĩ sao?
- Sắp tới, tôi sẽ làm một phim thiếu nhi. Tại sao người ta không chịu làm phim cho thiếu nhi vì họ chưa nhận thấy đó là một thị trường, nhưng thực ra thị trường thiếu nhi là một thị trường rất lớn. Khi anh bán một vé cho thiếu nhi tức là cũng bán được một vé, hoặc hai vé cho phụ huynh nữa.
Thật ra mình nghĩ kinh doanh cho thiếu nhi rất dễ kiếm tiền. Trẻ con thích, đòi là mua thôi, khi phụ huynh thấy tốt, họ sẽ không bao giờ tiếc tiền cho con mình vào việc đó. Như trước kia bé Xuân Mai cũng đã kiếm tiền quá nhiều đúng không? Thật ra bản thân người lớn ở Việt Nam chi tiền cho trẻ em chưa nhiều, chi tiền cho người lớn nhiều hơn.
Không, thực ra nếu có con khoảng 10,11,12 tuổi thì việc chi tiền vào việc gì cũng rất khó, ngoài việc cho ăn, mặc là đương nhiên, thì dẫn đi đâu, xem gì cũng rất khó, khi phần nhiều là các bộ phim, các tụ điểm dành cho người lớn?
- Thực ra mình đi nhiều nên cũng biết ở nước ngoài chi phí đầu tư cho thiếu nhi rất cao, như công viên thiếu nhi đầu tư lớn, vé rất đắt, quần áo cũng đắt.
Mình nghĩ phải có ai đó đi tiên phong và thành công ở mảng thiếu nhi rồi sẽ có rất nhiều người khác sẽ làm.
Dũng tiết lộ phim dành cho thiếu nhi bao nhiêu tuổi được không ?
- Thiếu nhi từ 5 tuổi trở lên, còn diễn viên khoảng từ 8-10 tuổi. Nếu làm cho hay chắc sẽ rất ăn khách.
Từ cuộc nói chuyện về phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi đã có rất nhiều những vấn đề liên quan, xin cảm ơn Quang Dũng về buổi trò chuyện hôm nay!