Chuyện nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bức xúc trước nét đẹp của làng cổ Đường Lâm bị xâm hại bởi nạn đóng phim hài, phim đậm chất dân gian cải biên trong loạt bài "Xin hãy tử tế với người đã chết ở làng cổ Đường Lâm" vừa qua hé lộ phần nào những bất cập trong việc thực hiện các bộ phim giải trí. Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện với Báo Giáo dục Việt Nam mới đây, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, đạo diễn của bộ phim Ma làng mới cho thấy hết những khó khăn của những người làm phim Việt Nam.
Điện ảnh thế giới không ở đâu như chúng ta
- Gần đây, một số diễn viên hài bị 'tố' là đóng những cảnh 'nhạy cảm' không phù hợp trước bàn thờ gia tiên một nhà dân ở làng cổ Đường Lâm. Là người trong nghề, khi nghe câu chuyện này ông có ý kiến gì không?
Trước tiên, tôi xin đặt ngược câu hỏi tại sao chúng ta không quay cái đó ở nhà mình hay ở trường quay mà lại phải đi nhờ nhà dân? Thì ở nước ta, trong vài chục năm trở lại đây, chúng ta đang bị nghiệp dư hóa bởi toàn phải đi mượn nhà dân, mượn mọi thứ khác để quay phim.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần |
Có lẽ các nền điện ảnh trên thế giới hiện nay không ở đâu làm như chúng ta cả. Nhưng vì chúng ta thiếu trường quay để có thể dựng lên bất cứ bối cảnh nào, đành phải đi nhờ vả nên mới nhiều chuyện phức tạp như vậy.
Ví dụ như tôi vừa quay phim ở một làng của người dân tộc H'Mông. Ban đầu họ cho quay rất vui vẻ nhưng một hôm làng có đám cưới, cả làng ngồi ăn với nhau, thì tự dưng có ông xúi ông chủ nhà rằng, cho người ta quay phim không được đâu, nó đụng vào bàn thờ tổ tiên, nó chiếu sáng vào bàn thờ là vi phạm luật của làng...Thế là ông về nhà nhất quyết bảo chúng tôi không được chiếu sáng vào tường, nói như vậy thì làm sao mà làm được nữa, thế là lại đành rút đi.
Hoặc người ta thấy có anh nào đó ngồi ngả ngốn khó chịu hay cách ăn nói họ không thích thì cũng không cho quay tiếp... đó là những chuyện thường xuyên xảy ra khi mượn nhà dân để quay phim.
Ngày trước đi làm phim, người dân họ vui vẻ giúp đỡ rất nhiều nhưng giờ họ ngại vì đến nơi dễ phá hỏng của người ta rất nhiều thứ. Hoặc đoàn làm phim 30-40 người vào nhà người ta ăn nằm các thứ nọ kia nên người ta không cho quay cũng đúng thôi thậm chí bồi dưỡng cho họ ít tiền thì cũng chẳng đáng gì cả.
Cho nên mới có chuyện buồn cười là rất nhiều bối cảnh nhà sang sang tý lại dễ thuê vì có những nhà làm xong, họ không ở nên cho thuê cũng kiếm được ít tiền nho nhỏ. Còn những nhà đã nghèo rồi bảo người ta dọn đi cho quay phim thì rất khó.
Còn câu chuyện quay phim ở Đường Lâm, bây giờ chúng ta không nên bàn hay xét xử chuyện đó thật hay giả; ông này đúng hay ông kia đúng...Nếu nó xảy ra ngay tại chỗ rồi mình lên tiếng luôn rằng, sáng nay anh nói như thế, anh ngồi như thế trước nhà thờ gia tộc tôi là không được thì nghe sẽ hợp lý hơn vì có chứng cớ rõ ràng còn bây giờ nó là chuyện quá lâu rồi, tự nhiên có người khui ra thì tôi cũng không rõ sự tình thế nào.
Đối với các nghệ sĩ nếu những lời thoại kia có trong kịch bản như vậy thì diễn viên không có lỗi. Nhưng nếu ngoài bộ phim mà họ làm gì đó phản cảm thì người diễn viên chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm.
- Để xảy ra những chuyện phiền phức như đang quay dở thì không cho quay nữa, hoặc quay xong lại 'tố' diễn cảnh phản cảm...có phải vì đoàn làm phim và chủ nhà thường không có hợp đồng rõ ràng khi hợp tác làm việc cùng nhau?
Hợp đồng hay không hợp đồng không có nghĩa gì cả, người ta không muốn cho quay nữa thì sẽ có rất nhiều lý do. Nếu có một nơi chuyên cho thuê chỗ để làm phim thì hợp đồng mới có giá trị còn đây là gia đình người ta, người ta đang ở thì khó nói lắm.
Hôm rồi, tôi cũng có quay một bộ phim ở tận Vũng Tàu vào nhà dân quay, trước khi quay người ta cũng nói là nhà có cụ ông 80 tuổi đang ốm. Chúng tôi bảo họ, cứ để cụ ông ở bên trong thì người ta đồng ý cho quay. Nhưng khi mình làm việc thì cũng hết sức rón rén chỉ sợ mình làm ầm cái cụ giật mình hay cụ đi ra ngoài động vào dây điện...chúng tôi vừa làm vừa lo lắng nên bảo anh em phải để ý không được nói to, quát tháo nhau. Và chỉ quay đến 9,10h là rút.
Thế nên việc hợp tác là do 2 bên phải giữ ý lẫn nhau, cả người cho thuê và người thuê. Vì bên cho thuê nhiều khi cũng phải chịu đựng ví dụ như tiếng ồn, đồ đạc phải kê đi kê lại dễ hỏng, hoặc cháy đường dây điện cũng rất nguy hiểm...
- Những lần bị từ chối cho thuê nhà khi đang quay dở phim, con số thiệt hại mà ekip của ông từng trải qua như thế nào?
Ví dụ có lần chúng tôi định quay ở nhà dân này là 7 ngày tương đương với khoảng 2 tập phim nhưng mới quay được 5 ngày thì họ không đồng ý nữa thì sẽ mất khoảng vài trăm triệu.
Bởi vì khi quay phim không phải quay theo thứ tự từ đầu kịch bản tới cuối kịch bản mà nhiều khi đang quay cảnh tập 1 lại quay luôn cảnh tập cuối. Nên phần lớn nếu phải chuyển bối cảnh thì sẽ phải bỏ hết cả những phần đấy đi. Ngoài vấn đề thiệt hại về kinh tế thì sẽ ảnh hưởng tới cả tinh thần, sẽ mệt mỏi và mất hứng rất nhiều khi quay lại.
Đôi khi nhiều đoàn làm phim phải lấp liếm bằng những bối cảnh ngoài trời để không bị lệch với bối cảnh cũ nữa nhưng làm như thế nó sẽ mất hay đi.
- Còn việc gia chủ khó tính, đoàn làm phim phải giữ kẽ khi đóng có ảnh hưởng đến chất lượng bộ phim không thưa ông?
Rất ảnh hưởng, có nhiều nhà người ta cho thuê rất thoải mái nhưng có những người đứng chờ xem từng cảnh một.
Ví dụ những cảnh quay một cặp vợ chồng ôm nhau nằm trên giường chẳng hạn, chúng tôi sẽ không dám quay trước mặt chủ nhà mà phải đợi họ đi vắng mới quay cảnh đó. Hay cảnh mình sử dụng đồ đạc đấm bàn, đấm ghế... đều luôn phải giữ gìn rón rén, tất cả cái đó đều gây ức chế lắm nhưng cũng phải chịu.
Nói về chất lượng nghệ thuật thì tất cả những cảnh quay nhà dân đều không có hiệu quả bằng trường quay. Trong trường quay chúng ta có thể dựng lên được 1 cái nhà không cần mái để chúng ta có thể chiếu đèn từ trên xuống cho đủ ánh sáng, hay chúng ta có thể dỡ từng mảng tường làm bằng gỗ dán bất cứ lúc nào cần thiết, sẽ có hiệu quả về hình ảnh cao hơn rất nhiều so với việc đến nhà dân đã xây cố định nhưng thiếu chỗ để treo đèn hay lùi máy quay...khiến chất lượng hình ảnh cũng chỉ gượng lấy thôi chứ chưa thật tốt.
- Vậy theo ông việc thiếu trường quay có phải là lý do khiến điện ảnh Việt Nam chậm phát triển hơn các nước trong khu vực?
Khoảng năm 1959, chúng ta bắt đầu sản xuất những bộ phim điện ảnh đầu tiên thì chúng ta đã có trường quay ở số 4 Thụy Khê.
Tôi nhớ có một lần cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trường quay này, ông đã kinh ngạc vì tại sao ở giữa phố phường Hà Nội lại có một khu rừng như thật. Và chúng ta đã có một quá trình làm phim rất nghiêm chỉnh, có rất nhiều phim nổi tiếng được quay ở trường quay này như: Sao tháng tám, Vợ chồng A Phủ...Riêng trong phim Vợ chồng A Phủ thì tất cả cảnh ở bản người Mèo đều được dựng trong trường quay. Chiếc cối xay trong phim cũng được làm bằng giấy bồi chứ không phải là thật.
Ngày trước chúng ta đều làm như thế nhưng đến thời kì phim truyền hình phát triển, xưởng phim điện ảnh ít đi, nên các đạo diễn chuyển ra quay hết bên ngoài. Đấy là một thứ không chuyên nghiệp nhất nhưng dần dần nó thành quen đến mức, thế hệ sau chúng tôi nghĩ làm phim là quay bên ngoài. Đó hoàn toàn sai lầm, làm phim phải chủ động từng khuôn hình một mới có thể hấp dẫn người xem.
Lý do thiếu chuyên nghiệp như thế là vì nhà nước và các doanh nhân ở Việt Nam không đầu tư cho một cái gì lâu dài. Chúng ta hiện nay đang làm phim theo từng dự án ví dụ phim Trần Thủ Độ, chúng ta đầu tư năm mươi mấy tỷ, chúng ta sang Trung Quốc quay tốn rất nhiều tiền. Chúng ta đặt họ làm cả cung điện nhà Lý và họ sang Việt Nam lắp cho chúng ta rất đẹp nhưng giờ chúng ta không còn cung điện đó nữa bởi nó làm bằng sốp cho nên làm xong đá tung đi vì chúng ta không nghĩ giữ cho các phim sau.
Hay chỉ riêng chuyện quần áo, chúng ta lo quần áo một phim chẳng hạn, phim quay sau chúng ta vứt hết đi. Đến năm nay chúng ta làm tiếp phim về đề tài đó thì lại đi may tiếp một đống trang phục mới, đấy là cái cực kì lãng phí.
Nếu chúng ta có trường quay lớn như Trung Quốc thì có thể lưu giữ được rất nhiều bối cảnh cho nhiều bộ phim kế tiếp.
- Nhưng tại sao các đạo diễn không tiếp tục khai thác trường quay tại số 4 Thụy Khuê hay do tiền thuê tốn hơn đi 'mượn' nhà dân?
Trường quay ở Thụy Khê vẫn còn nhưng dột nát hết rồi, cái giá đèn cũng mọt rũa rất nguy hiểm. Giờ người ta sử dụng cho thuê làm talk show nọ kia. Chỉ có một vài phim dựng trong trường quay đó nhưng ít lắm vì giờ người ta quen ra ngoài đường làm rồi.
Chúng ta cũng có đầu tư trường quay ở Cổ Loa nhưng được đầu tư theo kiểu nhà nước nên phải đợi rót tiền theo từng đợt. Có tiền thì làm hết lại thôi nên đến nay vẫn chưa thành cái gì.
Kinh phí làm phim truyền hình hiện nay của chúng ta cũng thấp chỉ khoảng 180-190 triệu/tập phim nên đi thuê trường quay cũng khó. Còn trường quay nhà dân thì dễ hơn 200-300 một ngày, chính vì thế chúng ta tự làm cho chúng ta không chuyên nghiệp đi. Ngay cả phim điện ảnh chúng ta cũng đang làm như thế dù được đầu tư hàng chục tỷ nhưng cũng bắt chước mượn nhà dân để quay nên không hiệu quả.
Nếu có trường quay thì các đoàn làm phim có thể làm việc theo giờ hành chính, có thể chủ động làm mưa, làm gió...nhưng nếu quay ngoài thật thì phải đợi trời tối, hoặc trời sáng mới đúng bối cảnh, những việc đó rất khó khăn và tốn thời gian.
Hiện nay một số doanh nghiệp cũng có đầu tư trường quay nhưng do ít vốn và phần lớn họ quan tâm tới thị trường có thể bán được là thị trường làm gameshow, talk show nên trường quay nhỏ và đơn giản lắm.
Điện ảnh Việt Nam đang lạc lõng lắm và không giống ai cả nó có mấy dòng phim như phim chính trị, phim thị trường, phim độc lập...nhưng nó cũng linh tinh mỗi người một kiểu.