Đào tạo ngành nghệ thuật: Trước đây 1 thầy/1 trò, hậu sáp nhập 1 thầy/20 trò

16/06/2023 06:43
Tường San
GDVN-Nên sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành học tương đồng để hạn chế khó khăn cho ngành đặc thù như văn hóa - nghệ thuật

Việc sáp nhập các cơ giáo dục nghề nghiệp nhằm sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp manh mún, dàn trải, để thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh, quản lý,… đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, đối với các cơ sở đào tạo khối ngành đặc thù, việc sáp nhập khi chưa có những chính sách, cơ chế riêng khiến họ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Gia Lai (nay là khoa Văn hóa – Nghệ thuật của Trường Cao đẳng Gia Lai) cũng là một trong những trường nghệ thuật đã thực hiện theo đề án sáp nhập.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 627/QĐ-LĐTBXH ngày 5/6/2020 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng các trường Trung cấp Y tế Gia Lai, Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai, Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nam Gia Lai, Kinh tế-Kỹ thuật Đông Gia Lai vào Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai và đổi tên là Trường Cao đẳng Gia Lai.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Gia Lai cho hay, sau khi sáp nhập, khoa nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo nhà trường và các ban, ngành có liên quan của địa phương cùng cơ sở vật chất đáp ứng tốt. Tuy nhiên, khoa vẫn gặp một số những khó khăn nhất định.

Sinh viên khoa Văn hóa - Nghệ thuật của Trường Cao đẳng Gia Lai trong tiết học (Nguồn: Website nhà trường).

Sinh viên khoa Văn hóa - Nghệ thuật của Trường Cao đẳng Gia Lai trong tiết học (Nguồn: Website nhà trường).

Trước hết, sau khi sáp nhập, tính chủ động trong công tác tuyển sinh của khoa chưa được cao do chưa có ban tuyển sinh riêng. Vậy nên, việc tự đi tuyển sinh còn vướng mắc. Khi trung tâm tuyển sinh của trường đi tuyển sinh dù cũng đi phạm vi tương đối rộng ở tất cả ngành tại các xã, huyện trên địa bàn và địa phương lân cận, tuy nhiên chưa thể sâu sát cho từng ngành.

Bên cạnh đó, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, điều kiện kinh tế của người học và gia đình trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ nên nhiều em muốn đi làm để có kinh tế nhằm đáp ứng được chi phí thay vì theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình. Một số khó khăn chính như vậy đã khiến khoa sau khi sáp nhập mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng 60% chỉ tiêu được giao.

Mặt khác, thầy Ánh cũng cho biết, do chưa có cơ chế riêng biệt, nên dù là ngành đào tạo đặc thù, khoa văn hóa - nghệ thuật vẫn có cách thức đào tạo chuyên ngành học giống các ngành học khác (kinh tế, kỹ thuật,…) trong trường theo quy định hiện hành của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội. Đó là mỗi chuyên ngành đào tạo khoảng 20 em/lớp.

Đây là nguyên nhân gây ra khó khăn cho các thầy cô trong quá trình giảng dạy.

“Trước kia, khi chúng tôi được đào tạo tại các nhạc viện, một thầy chỉ đào tạo khoảng 1-2 trò/lớp, thậm chí có lớp 2 thầy/1 trò.

Bởi, khác với các ngành học khác, nghệ thuật là đào tạo và phát triển năng khiếu của các em nên mỗi người sẽ có những khả năng khác nhau, dù trong cùng một chuyên ngành, thậm chí mỗi người học còn được soạn một giáo án riêng”, thầy Ánh cho hay.

Không những vậy, sau khi sáp nhập, các chuyên ngành của khoa văn hóa – nghệ thuật phải xin đăng ký giấy phép trở lại, đến thời điểm hiện tại, khoa còn ngành múa và organ chưa được cấp phép do theo quy định chung của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đòi hỏi chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Thế nhưng trên thực tế, múa hay organ,… chưa có đơn vị nào tổ chức đào tạo để đánh giá và cấp chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia. Hơn nữa, những chứng chỉ này không thực sự cần thiết đối với giáo viên của khối ngành nghệ thuật.

Thầy Ánh cũng cho biết, khoa văn hóa – nghệ thuật của Trường Cao đẳng Gia Lai bên cạnh việc đào tạo các chuyên ngành thanh nhạc, guitar, quản lý văn hóa,…, khoa còn đào tạo âm nhạc truyền thống như môn học cồng chiêng, ca múa nhạc dân tộc Tây Nguyên.

Do vậy, việc đào tạo về văn hóa – nghệ thuật để bảo tồn những nền văn hóa dân gian, truyền thống của địa phương rất cần được quan tâm và chú trọng.

Việc thực hiện sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cùng một địa bàn mà chỉ để gom lại để thuận lợi hơn cho công tác quản lý nhưng không chú trọng đến tính chuyên biệt, đặc thù của các ngành sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho các ngành đặc thù như văn hóa – nghệ thuật. Đặc biệt là với những cơ sở đang đào tạo nghệ thuật truyền thống cho địa phương.

Vậy nên, nếu không có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng đối với văn hóa – nghệ thuật trong trường nghề sẽ khiến ngành học ngày càng khó khăn, đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực về nghệ thuật mũi nhọn của các địa phương trong tương lai.

Bộ Lao động – Thương binh và xã hội nên nghiên cứu về chính sách riêng cho những ngành nghề đặc thù về quy mô tổ chức, cấp phép đào tạo, định mức giáo viên, phương pháp tổ chức dạy học.

Cũng theo thầy Ánh, khi tính đến việc sáp nhập, các địa phương cùng các bộ, ban, ngành có liên quan khi tính đến việc sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sắp xếp sáp nhập các trường đào tạo cùng ngành hoặc ngành gần với nhau.

Bởi, nếu không quan tâm đến việc các ngành học của các trường có tương đồng với nhau hay không mà chỉ sáp nhập vào để tinh gọn bộ máy có thể gây ra nhiều vướng mắc cho các ngành nghề đặc thù như văn hóa – nghệ thuật.

Mặt khác, các địa phương gần nhau như các tỉnh khu vực Tây Nguyên có thể sáp nhập các trường đào tạo cùng lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật vào với nhau để có thể phát huy được tính đặc thù của mình, qua đó, thuận lợi hơn trong các công tác tuyển sinh, quy chế đào tạo,…

Cũng chia sẻ về thực trạng khoa văn hóa – nghệ thuật của trường sau khi sáp nhập, thầy Đinh Thành Nghĩa, Phó phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên cho biết, sau khi sáp nhập từ năm 2019, đến năm 2021, khoa văn hóa – nghệ thuật của trường mới đủ điều kiện cấp giấy phép cho đào tạo 3 chuyên ngành là Thanh nhạc, quản lý văn hóa và hội họa.

Theo thầy Nghĩa, trước khi sáp nhập, khoa có đào tạo ngành biểu diễn chèo – nghệ thuật truyền thống của địa phương, tuy nhiên từ sau khi sáp nhập đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép thực hiện hoạt động đào tạo.

Đáng nói, trước kia, ngành biểu diễn chèo của khoa là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho nhà hát chèo của tỉnh. Thế nhưng, nguồn nhân lực của nhà hát hiện tại đang có phần dôi dư.

Đây cũng là nguyên nhân nảy sinh nỗi lo của nhiều người khi cân nhắc đến việc chọn học ngành văn hóa – nghệ thuật do không được đảm bảo về đầu ra.

Do vậy, thầy Nghĩa mong rằng, khi khoa đủ điều kiện được mở chuyên ngành nghệ thuật truyền thống giúp lưu giữ và bảo tồn nét văn này của địa phương sẽ được tạo điều kiện có thêm những chính sách về đầu ra cho các em để thu hút nguồn tuyển sinh hơn.

Tường San