Có trường nghề đang gặp vấn đề pháp lý về đất đai hậu sáp nhập

10/04/2023 06:42
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc cân đối tài chính khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ tài chính gặp khó khăn sau khi sáp nhập.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp là việc làm cần thiết nhưng nếu các trường không có chiến lược và giải pháp khắc phục phù hợp sẽ rất dễ nảy sinh các vấn đề dôi dư đất đai, chuyển giao tài chính, đoàn kết trong nội bộ nhân sự,...

Đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định về công tác cán bộ và công bố sáp nhập Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho hay, hiện trường vẫn đang trong tiến trình sáp nhập. Tuy nhiên, thầy Khánh tin rằng, trường sẽ nhận được nhiều thuận lợi để khắc phục những điểm hạn chế trước kia sau khi việc sáp nhập được hoàn thành.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Theo thầy Khánh, hậu sáp nhập, trường sẽ có thêm các nguồn lực để phát triển nhà trường trong vấn đề đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó, vị trí địa điểm mới của trường sau khi sáp nhập cũng sẽ giúp trường được thuận lợi hơn về giao thông đi lại cùng nhiều tiện ích xung quanh.

Ngoài ra, khi hợp nhất, trường sẽ có quy mô lớn hơn với khoảng 40 ngành học do có thêm nhiều ngành nghề đa dạng (trước khi sáp nhập, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội có 32 ngành, Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội có 8 ngành).

Không những vậy, trường cũng sẽ khai thác, tận dụng được những tiềm lực của hai trường đã có trước khi sáp nhập để từ đó tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đơn cử như Khoa Nông nghiệp của Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội dự kiến sau khi sáp nhập vào sẽ được phát triển thành Khoa nông nghiệp công nghệ cao phù hợp hơn với xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh những thuận lợi, thầy Khánh cho rằng, hậu sáp nhập, việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong năm đầu tiên hoạt động là điều khó có thể tránh khỏi.

Trước hết, về mặt con người, việc sáp nhập không chỉ gây ra sự dư thừa đội ngũ cán bộ, giảng viên, mà trình độ, năng lực cũng là một vấn đề khó khăn cần phải sớm khắc phục. Một số cán bộ, giảng viên của Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội sáp nhập vào dù đảm bảo về bằng cấp nhưng chưa đạt chuẩn về năng lực, trình độ nên chưa thể bắt nhịp được với chương trình dạy chất lượng cao.

Bởi, Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội có những ngành trước đây vốn đã khó tuyển sinh, giảng viên ít được lên lớp, ít được bồi dưỡng thường xuyên để trau dồi kỹ năng, kiến thức. Trong khi đó, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội lại có đội ngũ giảng viên được bồi dưỡng liên tục để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp, kiến thức trong thời đại mới,...

Việc các cán bộ, giảng viên có trình độ, năng lực thực tế chưa phù hợp trong cùng một trường cũng có thể gây ra sự thiếu đoàn kết trong nội bộ nếu trường không có chiến lược giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, các ngành học trước khi sáp nhập đã nhiều năm tuyển sinh không đủ chỉ tiêu cũng là một trong những khó khăn mà trường phải đối mặt sau khi sáp nhập trong việc cân đối tài chính, nhất là ở năm đầu tiên hoạt động do trường tự chủ về tài chính.

Hơn nữa, về cơ sở vật chất, trước khi sáp nhập, Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội hầu như sử dụng cơ sở vật chất cũ, có những trang thiết bị, máy móc đã bị xuống cấp, không thể đáp ứng ngay được việc đào tạo chất lượng cao khi sáp nhập sang trường mới. Để nâng cấp và sửa chữa phục vụ cho việc phát triển nhà trường cần phải tốn thời gian nhất định cũng như phải có ngân sách.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, hiện nay, trường đang gặp một số vấn đề pháp lý về đất đai do công tác quản lý cũ của trường sáp nhập vào trước đây chưa được chặt chẽ.

Tuy nhiên, để tránh việc dôi dư về đất đai, thầy Khánh cho biết, trường sẽ xây dựng chiến lược hậu sáp nhập rõ ràng, cụ thể và tận dụng các nguồn đất đai một cách có hiệu quả, phù hợp như dự kiến mở thêm một số mã ngành mới theo hướng công nghệ cao, các ngành logistics, các ngành dịch vụ - kỹ thuật hàng không,....

Sau khi sáp nhập, lượng người học cũng đông hơn, do đó, trường cũng sẽ tận dụng các diện tích đất đai dư thừa để mở thêm khu vực sinh hoạt, ký túc xá cho sinh viên.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, hiện trường vẫn đang tiến hành sáp nhập và xây dựng lại chiến lược phát triển nhà trường, các trưởng phòng/khoa của từng đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động của mình. Trong đó bao gồm cả việc mô tả, sắp xếp vị trí việc làm cho các cán bộ, khi đó mới xem được số lượng cán bộ, giảng viên dôi dư ra sao.

Nếu phòng, ban nào có sự dôi dư, trường có thể bố trí, sắp xếp theo một số cách như: luân chuyển những cán bộ đó sang các đơn vị đang thiếu nhân sự; những ai có khả năng, trường sẽ cử đi đào tạo, bồi dưỡng để chuyển đổi công việc vào giảng dạy, làm việc ở những ngành mới mà trường chuẩn bị mở,...

“Sự lo lắng, trăn trở của một số cán bộ, giảng viên trước và sau khi sáp nhập là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trường đã thành lập riêng Ban chỉ đạo sáp nhập để khắc phục, hạn chế tối đa khó khăn có thể xảy ra trong tổ chức bộ máy cán bộ”, thầy Khánh chia sẻ.

Theo thầy Khánh, hậu sáp nhập, Ban chỉ đạo sáp nhập của nhà trường sẽ làm việc với từng đồng chí, sắp xếp cán bộ dựa trên cơ sở năng lực, sở trường, kinh nghiệm của từng người để bố trí vị trí việc làm cho phù hợp.

Cách làm này cũng để đảm bảo rằng, mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường khi cầm quyết định phân bổ vị trí việc làm của mình đều đồng tình và không còn băn khoăn, trăn trở nữa.

Ngoài ra, sau khi sáp nhập sẽ có những phòng, ban bị gấp đôi bộ máy, việc ai sẽ là Trưởng phòng, Phó trưởng phòng cũng là vấn đề cần phải lưu tâm và đưa ra quyết định đúng đắn.

Theo đó, Ban chỉ đạo sáp nhập của Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội sẽ xem xét, đánh giá về mặt bằng cấp, kinh nghiệm, năng lực thực tiễn, ai đủ điều kiện làm chức vụ nào đã có những tiêu chí rõ ràng, sau đó sẽ đề xuất lên Hiệu trưởng rồi mới báo cáo lên Sở Nội vụ cho ý kiến, nếu đều nhận được sự đồng thuận mới tiến hành bổ nhiệm.

Khánh An