Sau 2 năm sáp nhập, trường cao đẳng vẫn trong giai đoạn bố trí nhân sự dôi dư

20/03/2023 09:51
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáp nhập, chuyển cơ quan chủ quản về Uỷ ban nhân dân tỉnh, ngoài thuận lợi, một số trường đào tạo ngành y tế còn khó khăn nhất định.

Trực thuộc quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh, một số trường cao đẳng nghề còn gặp vướng mắc.

Đơn cử, tháng 8/2021, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang chính thức sáp nhập từ 2 trường là Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang và Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang. Đến nay, nhà trường vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại tổ chức cán bộ quản lý, sắp xếp nhân lực để có căn cứ phân định, mở mới mã ngành đào tạo. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh cũng có xáo trộn nhất định.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quỳnh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang cho biết, chuyển về Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý, các hoạt động của trường có nhiều thuận lợi hơn.

Cụ thể, nhà trường là đơn vị trực thuộc tỉnh nên mọi công tác chuyên môn, kế hoạch, tổ chức cán bộ, nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất, tài chính… đều được chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban mà không cần qua các đơn vị quản lý thứ cấp như trước.

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang. (Ảnh: website nhà trường).

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang. (Ảnh: website nhà trường).

Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang là trường đào tạo đa ngành bao gồm: khối ngành sư phạm (ngành đào tạo trước đó của Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang) và khối ngành y tế (ngành đào tạo của Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang).

Hiện, đào tạo ngành sư phạm vẫn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tham gia quản lý về chuyên môn. Các ngành đào tạo nghề do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh quản lý. Còn nội dung về: công tác đào tạo liên tục, tổ chức tập huấn về chuyên môn thì phải thông qua Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.

“Uỷ ban nhân dân tỉnh là cơ quan chủ quản quản lý trực tiếp đối với trường. Còn các đơn vị cấp sở chỉ thay mặt Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý về chuyên môn. Như vậy, các lĩnh vực thuộc sở, ngành nào thì sở, ngành đó sẽ tham gia quản lý một phần nhiệm vụ chuyên môn của mình”, thầy Quỳnh chia sẻ.

Liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, công tác tổ chức nhân sự, theo thầy Quỳnh, sau khi sáp nhập, nhà trường được Uỷ ban nhân dân tỉnh quan tâm trong việc được chủ động tiến hành xây dựng các đề án nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ mở mới các mã ngành đào tạo. Minh chứng là năm học vừa qua trường mở mới ngành Phục hồi chức năng.

Gần 2 năm sáp nhập, trường vẫn đang bố trí nhân sự

Việc sáp nhập là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thực hiện theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn và phát huy hiệu quả. Thầy Quỳnh cho rằng, một trường trung cấp khi nâng cấp lên cao đẳng sẽ được đào tạo các mã ngành cao đẳng, góp phần đa dạng hoá ngành học. Song, dù được Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý trực tiếp nhưng việc sáp nhập gây xáo trộn về mặt tâm lý của cán bộ, giảng viên, người học, và một số vướng mắc nhất định.

Một là, trường mất nhiều thời gian làm công tác truyền thông để dư luận biết Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang là trường đào tạo đa ngành: y tế và sư phạm.

“Tâm lý của người dân thường mặc định tên trường nói lên ngành đào tạo. Trước đây, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang là trường đào tạo sư phạm. Sau sáp nhập, trường đào tạo cả ngành y tế. Nhưng người dân chưa biết nên phải mất thời gian để trường làm công tác tuyên truyền nhận thức cho người dân, học sinh, sinh viên”, thầy Quỳnh chia sẻ.

Hai là, luân chuyển cán bộ quản lý dôi dư làm công tác chuyên môn khác.

Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và bố trí việc làm đối với nhân sự dôi dư, theo thầy Quỳnh, căn cứ vào quy định của tỉnh, thực hiện Luật Cán bộ, công chức và viên chức, nhà trường sắp xếp theo đúng vị trí việc làm cho cán bộ quản lý, giảng viên. Hiện trường vẫn đang trong quá trình sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý dôi dư dưới sự hướng dẫn luân chuyển của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

"Trường hợp không sắp xếp được vị trí việc làm thì trường phân công đội ngũ này tham gia làm chuyên môn, giảng dạy", thầy Quỳnh nói.

Đa ngành, nhiều bộ hướng dẫn tuyển sinh

Về công tác tuyển sinh, hàng năm, nhà trường vẫn xây dựng đề án tuyển sinh ngành sư phạm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ra chỉ tiêu. Còn các ngành đào tạo y tế thì không cần xây dựng đề án tuyển sinh hàng năm vì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo của trường thực hiện xuyên suốt.

"Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quy định cho trường số chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào năng lực của trường. Chỉ tiêu này sẽ giữ xuyên suốt qua các năm tuyển sinh mà không cần xin cấp lại từng năm như Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Tuỳ trường hợp quy mô giáo viên, cơ sở vật chất của trường tăng/giảm, nhà trường sẽ làm hồ sơ đề nghị được tăng/giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", thầy Quỳnh chia sẻ.

Thầy Quỳnh lấy ví dụ: nhà trường được giao 100 chỉ tiêu, sang năm, nhà trường tuyển được 10 giảng viên và xây thêm nhiều phòng học thì năng lực đào tạo của trường tăng lên. Khi đó, trường chỉ cần làm hồ sơ xin tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

"Với ngành đào tạo nghề, số chỉ tiêu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao và số bổ sung thêm/giảm bớt hàng năm, nhà trường tiến hành tuyển sinh và đào tạo, không cần duyệt lại. Điều này thuận lợi vì không cần phải làm đề án tuyển sinh hàng năm trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chỉ tiêu này không phải do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội "áp đặt", bắt trường phải đạt, mà là thước đo công nhận năng lực đào tạo của trường. Tức là, trường cứ có 1 giảng viên thì sẽ được đào tạo 25 sinh viên, không được vượt quá. Trường hợp tuyển sinh dưới 25 sinh viên cũng không có vấn đề ì, mà chỉ ảnh hưởng đến quá trình tự chủ của trường. Hiện mã ngành y tế được Bộ xác định năng lực đào tạo cho trường là 150 sinh viên", thầy Quỳnh cho biết.

Bàn về khó khăn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau sáp nhập, công tác tuyển sinh của trường chưa đạt như kỳ vọng.

"Dù số lượng sinh viên vào trường tương tự như các năm trước nhưng do trường đào tạo đa ngành, tính chất cạnh tranh ngày càng tăng, nên tỷ lệ tuyển sinh còn thấp.

Được Uỷ ban nhân tỉnh quản lý chung, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường tuyển sinh đào tạo nghề. Song, trường vẫn là đơn vị phụ trách chính, chất lượng tuyển sinh phụ thuộc nhu cầu xã hội.

Hơn nữa, thời gian qua, số lượng lớn nhân sự ngành giáo dục và y tế do áp lực công việc, thu nhập thấp dẫn đến bỏ việc, chuyển việc, nhất là giai đoạn COVID-19... đã tác động tâm lý chọn trường, chọn nghề của sinh viên. Trong khi đó, nhà trường đang đào tạo 2 mã ngành y tế và sư phạm nên càng khó thu hút người học.

Ngoài ra, nhiều trường đào tạo ngành học giống nhau; một số trường nghề khối ngành kỹ thuật ở tỉnh Bắc Giang dễ thu hút người học hơn cũng tạo tính cạnh tranh gay gắt", thầy Quỳnh nói.

Thầy Quỳnh cho biết thêm, chuyển về Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý, nhà trường trình văn bản trực tiếp lên Uỷ ban, còn các đơn vị sở, ngành khác sẽ đóng vai trò là đơn vị phối hợp cùng trường triển khai nhiệm vụ tương ứng với chuyên môn.
Thời gian tới, trường mong được nâng cấp đầu tư mới cơ sở vật chất. Đồng thời, tuyển dụng giảng viên với chuyên ngành còn thiếu, đáp ứng đủ điều kiện mở ngành học tập trung vào khối y dược như: Kỹ thuật xét nghiệm, Răng hàm mặt, Chuẩn đoán hình ảnh.

Ngọc Mai