Đất xây trường cỏ mọc, phụ huynh phường đông dân nhất HN loay hoay tìm trường

16/11/2022 06:32
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều lô đất tại các khu đô thị của phường Hoàng Liệt được quy hoạch làm trường đến nay vẫn chưa được triển khai.

Câu chuyện về trường học bị quá tải ở Hà Nội là vấn đề nóng trong nhiều năm qua. Theo quy chuẩn chung, mỗi phường có không quá 20.000 người, nhưng thực tế một số phường ở Hà Nội như: Định Công, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); Mai Dịch, Trung Hòa (quận Cầu Giấy); Minh Khai, Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm)… có dân số gấp từ 2 đến 4 lần.

Điều này gây ra tình trạng thiếu trường, lớp học trên địa bàn, đặc biệt là ở địa bàn các khu đô thị mới.

Qua rà soát, Thành phố Hà Nội hiện có 78 dự án khu đô thị mới có quy hoạch đất xây dựng trường học. Đến nay, hơn 60 dự án được đầu tư xây dựng với 196 trường học các cấp (42 trường công lập và 154 trường tư thục), cung cấp chỗ học cho 24.836 học sinh.

Một số dự án khu đô thị, nhà ở như: Khu đô thị mới Phùng Khoang, khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì, dự án chức năng đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); khu đô thị thành phố giao lưu, khu Ngoại giao đoàn, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); khu chức năng đô thị Ao Sào (quận Hoàng Mai); khu nhà ở Vĩnh Hoàng (huyện Thanh Trì); khu đô thị Nam Cường (quận Hà Đông)... vẫn còn các ô đất quy hoạch mà chủ đầu tư chưa xây trường học dẫn đến quá tải cho các trường công lập khu vực lân cận. [1]

Phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những điểm phát triển "nóng" với 85 tòa chung cư, với diện tích tự nhiên là 4,89 km2 nhưng dân số trên 92.000 người. Dân số đông kéo theo đó là hệ thống các cơ sở giáo dục công lập bị quá tải học sinh.

Nơi đây từng diễn ra tình trạng phụ huynh lớp mầm non phải bốc thăm để tranh suất cho con vào trường công lập.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc khảo sát thực tế ở một số khu vực có đất quy hoạch làm trường học nhưng chưa triển khai.

Mua nhà vì quy hoạch có trường, nhưng cả chục năm ...vẫn là ô đất trống

Khu đô thị Pháp Vân (Hoàng Liệt) đi vào hoạt động trên chục năm nay, nhưng chủ đầu tư mới chỉ xây dựng một trường mầm non, trong khi đó nhiều ô đất quy hoạch làm trường bị bỏ hoang, khiến cư dân ở đây loay hoay tìm chỗ học cho con.

Chị Phạm Thị Châu (Nơ 18, khu đô thị Pháp Vân) cho hay, trước khi mua nhà chung cư, chị được chủ đầu tư giới thiệu bản đồ quy hoạch khu đô thị, trong đó có trường học. Thấy vậy, hai vợ chồng cảm thấy yên tâm vì con cái sinh ra sẽ được học ở gần nhà, tiện lợi.

Tháng 1/2008, gia đình chị Châu chuyển về ở tại chung cư, rồi đến khi con chị 3 tuổi thì có một trường mầm non tư thục. Những năm sau đó, các ô đất được quy hoạch làm trường vẫn chưa được triển khai.

Lô đất TH-III.15.2 khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp dành xây dựng nhà trẻ và trường học được quây tôn bỏ không cỏ mọc um tùm. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Lô đất TH-III.15.2 khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp dành xây dựng nhà trẻ và trường học được quây tôn bỏ không cỏ mọc um tùm. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chị Châu chỉ tay về phía sau tòa chung cư là ô đất được quây tôn, cỏ mọc um tùm, chính là điểm theo chị tìm hiểu là được quy hoạch xây dựng trường liên cấp.

"Đất bỏ không, hoang hóa, cư dân ra cải tạo để trồng rau nhưng chủ đầu tư không cho làm. Sau đó, chủ đầu tư định biến khu đất này thành bãi đỗ xe nhằm kinh doanh, nhưng cư dân phản đối", chị Châu chia sẻ.

Theo vị phụ huynh này, hai con nhà chị ở độ tuổi mầm non đều học ở trường tư thục gần nhà. Khi con lớn, việc học ở trường công lập có nhiều bất cập.

Nếu cho con đi học bên Trường tiểu học Hoàng Liệt, quãng đường không quá xa nhưng đường đi nhiều xe tải, hay tắc đường... Đặc biệt là sĩ số quá đông, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và truyền đạt kiến thức của giáo viên.

Từ những lí do đó, dù biết phải thêm khá nhiều về kinh tế, vợ chồng chị Châu quyết định con học bán trú tại trường tư thục liên cấp tư thục tận bên Nam Từ Liêm, cách nhà hơn chục cây số.

Hàng ngày, các con phải dậy từ 5 rưỡi sáng để chuẩn bị đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân, đúng 6h xe của nhà trường đến đón.

Bên trong lô đất TH-III.15.2 được quy hoạch xây trường liên cấp bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm. Trả lời báo chí, đại diện HUD cho biết, quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 được UBND thành phố phê duyệt liên quan đến các khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp đã thay đổi các thông số chỉ tiêu của hầu hết các lô đất trường học. Vì vậy, các lô đất xây dựng trường học ở 2 khu đô thị này đều phải rà soát và thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, quá trình lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy hoạch phân khu đòi hỏi rất nhiều thủ tục có liên quan của các cơ quan có thẩm quyền nên đến nay HUD chưa thể hoàn thành các thủ tục để có thể triển khai đầu tư xây dựng.(Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bên trong lô đất TH-III.15.2 được quy hoạch xây trường liên cấp bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm. Trả lời báo chí, đại diện HUD cho biết, quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 được UBND thành phố phê duyệt liên quan đến các khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp đã thay đổi các thông số chỉ tiêu của hầu hết các lô đất trường học.

Vì vậy, các lô đất xây dựng trường học ở 2 khu đô thị này đều phải rà soát và thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, quá trình lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy hoạch phân khu đòi hỏi rất nhiều thủ tục có liên quan của các cơ quan có thẩm quyền nên đến nay HUD chưa thể hoàn thành các thủ tục để có thể triển khai đầu tư xây dựng.(Ảnh: Mạnh Đoàn)

"Thời gian ban đầu phải dậy sớm để đi học, các con vừa dụi mắt, ngáp ngủ rồi vội vàng xuống xe. Nhìn thấy hình ảnh này, tôi thương các con vô cùng. Nếu trường công hoặc trường tư liên cấp được xây dựng trong khu đô thị thì những đứa trẻ như con tôi đã không phải dậy từ hơn 5 rưỡi sáng", chị Châu chia sẻ.

Theo khảo sát của phóng viên, trong khu đô thị Pháp Vân có nghĩa trang thôn Văn Điển là lô đất được quy hoạch làm trường trung học phổ thông, tuy nhiên sau nhiều năm vẫn "dậm chân tại chỗ".

Một người phụ nữ bán nước ở cổng nghĩa trang, chia sẻ, chị cũng biết về dự án xây dựng trường học tại đây và cũng từng thấy cán bộ về đo đạc.

"Nơi đây có cả nghìn ngôi mộ của cư dân địa phương, bên cạnh đó trong những năm gần đây việc chôn cất vẫn diễn ra tại đây, việc di dời là không dễ chút nào", người phụ nữ chia sẻ.

May mắn hơn gia đình chị Châu là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Đỗ Hải (chung cư HH1B Linh Đàm), hai con nhỏ của anh đều được học tại trường tiểu học công lập gần nhà.

Vị phụ huynh này chia sẻ, phường Hoàng Liệt có 3 trường tiểu học (trong đó trường tiểu học Linh Đàm mới được xây dựng), các trường sẽ nhận học sinh theo khu vực. Hai con của anh Hải được học tại Trường Tiểu học Linh Đàm.

"Sĩ số trong lớp của các con khoảng 45-50 học sinh/lớp", anh Hải cho biết.

Theo vị phụ huynh này, dù con phải "bon chen" trong lớp học nhưng bù lại trường có cơ sở vật chất khang trang. Không phải cho học trường tư, gia đình anh tiết kiệm được một khoản học phí không nhỏ. Theo đó, con anh học bán trú tại trường hết khoảng 1 triệu đồng/tháng/học sinh, còn nếu cho con học trường tư thục "mèng mèng", số tiền mỗi tháng cũng phải tiêu tốn 4-5 triệu đồng/học sinh trở lên.

Chị Vũ Phương Anh (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) là một trong những phụ huynh tham gia bốc thăm để cho con vào trường mầm non Hoàng Liệt cho hay, chị bốc thăm được lá phiếu "rất tiếc bé đã không trúng tuyển", điều này khiến chị cảm thấy rất tiếc nuối. Vợ chồng chị làm công việc văn phòng với mức lương eo hẹp, nếu cho con học trường tư sẽ phải cân đo, đong đếm giảm chi tiêu, bởi vậy gia đình vẫn có mong muốn con được học trường công.

"Trước mắt tôi sẽ cho con ở nhà để bà trông nom, sang năm gia đình sẽ quay lại trường để đăng ký cho con vào lớp", chị Phương Anh nói.

Trên địa bàn phường Hoàng Liệt có 1 trường Mầm non Hoàng Liệt (công lập) cùng với 4 cơ sở của trường (cơ sở Tứ Kỳ, Pháp Vân, Bằng A và Linh Đàm), trong khi đó nơi đây có 8.155 trẻ em trong độ tuổi mầm non (trẻ 2-5 tuổi có 6.611 bé).

Điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp. Và vào ngày 27/8-28/8 vừa qua, Ủy ban Nhân dân phường Hoàng Liệt đã tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi và 4 tuổi tại Trường Mầm non Hoàng Liệt năm học 2022-2023.

Trước tình trạng trên, quận Hoàng Mai đã kiến nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc thu hồi 12 lô đất do chủ đầu tư chậm triển khai ở phường Hoàng Liệt để xây trường mầm non và trường tiểu học và trung học. Trong đó, quận đề nghị Tổng công ty HUD bàn giao 7 lô đất để quận tự đầu tư trường công lập.

Trả lời báo chí, ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Hoàng Mai cho hay, phường Hoàng Liệt có 85 tòa chung cư và sắp tới xây dựng thêm 5 tòa chung cư nữa.

Bên cạnh đó, ông Thái cho biết sẽ tiếp tục xây dựng trường lớp theo các ô quy hoạch.

Theo đó, phường Hoàng Liệt dự kiến trong thời gian tới xây dựng hai trường tại các ô đất có diện tích 7.400m2 và 1.934m2 cho năm học 2023 - 2024 để tăng số trường lớp mầm non, đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1]: Báo cáo Kết quả giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ năm 2016 đến nay.

Mạnh Đoàn