Dấu hỏi chất lượng nước cho HS và công văn Hậu Lộc giới thiệu công ty lọc nước

06/09/2022 06:32
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đại diện công ty TNHH Phước Chi, hệ thống của đơn vị này đang đảm bảo đủ sản lượng cung ứng nước uống đóng bình cho khoảng 20 trường học trên địa bàn.

Ngày 5/9, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: "Phụ huynh Hậu Lộc đóng tiền nước, con không dám uống vì lo lắng chất lượng".

Bài viết phản ánh lo lắng của phụ huynh tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) khi con họ sử dụng nước uống đóng bình tại các nhà trường.

Để có thêm thông tin khách quan liên quan việc cung ứng nước uống đóng bình vào các trường học trên địa bàn của Công ty TNHH Phước Chi, phóng viên đã liên hệ với đại diện cơ sở này để ghi nhận trực tiếp.

Mục sở thị cơ sở sản xuất nước cung cấp cho 20 trường học

Theo tên đăng ký trên Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 103/2021/ATTP-CNĐK do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Thanh Hoá) cấp ngày 11 tháng 10 năm 2021 cho Công ty TNHH Phước Chi mà đại diện cơ sở này cung cấp cho phóng viên, chủ cơ sở này là ông Nguyễn Văn Hưng, có địa chỉ kinh doanh và trụ sở tại thôn Xuân Yên, xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc.

Nơi sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình nhãn hiệu "102", không có biển bảng giới thiệu thông tin cơ sở sản xuất và luôn đóng cửa. Thời điểm ghi nhận, một đại diện cơ sở này đến mở cửa cho phóng viên vào bên trong. Ảnh: T.D

Nơi sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình nhãn hiệu "102", không có biển bảng giới thiệu thông tin cơ sở sản xuất và luôn đóng cửa. Thời điểm ghi nhận, một đại diện cơ sở này đến mở cửa cho phóng viên vào bên trong. Ảnh: T.D

Từ trên cao có thể thấy khu nhà xưởng ( khoanh tròn) của cơ sở sản xuất nước nhãn hiệu "102" khá nhỏ bé so với nhà dân bên cạnh. Đại diện cơ sở này cho biết, hiện cơ sở này đang cung ứng nước cho 20 trường học trên địa bàn. Ảnh: T.D

Từ trên cao có thể thấy khu nhà xưởng ( khoanh tròn) của cơ sở sản xuất nước nhãn hiệu "102" khá nhỏ bé so với nhà dân bên cạnh. Đại diện cơ sở này cho biết, hiện cơ sở này đang cung ứng nước cho 20 trường học trên địa bàn. Ảnh: T.D

Khảo sát thực tế tại địa chỉ nói trên, nơi sản xuất nước uống đóng bình nhãn hiệu “102” là một khu nhà cấp 4, diện tích khoảng 60 mét vuông, được xây tường quây kín bốn bên, phía trên có lợp mái tôn. Tại đây, không thấy có biển bảng nào để giới thiệu thông tin về cơ sở sản xuất.

Nhiều lần phóng viên đi qua khảo sát nhưng cơ sở này luôn đóng kín cửa.

Liên hệ làm việc, một người đàn ông giới thiệu tên Việt đã đưa chúng tôi vào thăm quan bên trong cơ sở. Theo người này giải thích: “Do các học sinh đang nghỉ hè, chưa có học sinh sử dụng nên cơ sở sản xuất tạm thời không hoạt động”.

Bên trong xưởng, tại khu vực được cho là để tập kết nước đóng bình thành phẩm chuyển đi phân phối nền nhà còn lênh láng nước.

Khi phóng viên nêu câu hỏi tại sao cơ sở đóng cửa, tạm thời không hoạt động nhưng nền nhà lại có nước? Người đàn ông tên Việt cho rằng: “Có thể là do nhân viên mới vừa lau dọn”.

Dụng cụ chùi rửa bình nước đã qua sử dụng. Ảnh: T.D

Dụng cụ chùi rửa bình nước đã qua sử dụng. Ảnh: T.D

Ngay lối vào sau cửa chính, được cho là nơi sục rửa bình đã qua sử dụng, phóng viên nhận thấy, chỉ có một mô tơ có trục dài được quấn vải màn. Theo đại diện cơ sở sản xuất nước đóng bình nhãn hiệu "102" thì máy đó để làm nhiệm vụ chùi rửa ruột bình.

Theo ghi nhận của phóng viên, phía trong khu sản xuất, nơi chứa các thiết bị lọc nước, hệ thống lọc nước với cơ cấu gồm 3 lõi lọc thô và 2 lõi RO cùng hệ thống điều khiển phụ trợ.

Người của cơ sở này cho biết, hệ thống này có thể lọc được hàng nghìn lít nước trong ngày.

Cũng theo đại diện cơ sở sản xuất nói trên, hệ thống này đang đảm bảo cho cơ sở này đủ sản lượng cung ứng nước uống đóng bình cho khoảng 20 trường học trên địa bàn.

Tỷ lệ lọc nước được người này cho biết là 50/50, nghĩa là với 100 lít nước đầu vào thì qua hệ thống lọc chỉ lấy được 50 lít nước sạch và bỏ đi 50 lít nước còn lại.

Hệ thống lọc nước được cho là tạo ra được 1 nghìn lít nước mỗi ngày. Ảnh: T.D

Hệ thống lọc nước được cho là tạo ra được 1 nghìn lít nước mỗi ngày. Ảnh: T.D

Về phản ánh của phụ huynh liên quan việc nước uống nhãn hiệu "102" có thời điểm phụ huynh quan sát thấy nước bị đông đặc và có màu vàng như bia hơi, người của cơ sở này cho rằng: "Có thể do từ lúc nghỉ hè đến giờ, do bình bị để ngoài ánh nắng nhiều quá nên mới bị ảnh hưởng. Còn hầu như nước nhập đến các trường đều được chúng tôi đóng bằng vỏ mới hết".

Phía sau khu nhà cấp 4 này, theo quan sát có một bể chứa được xây nổi để dự trữ nước khi tiếp nhận nguồn nước từ nhà máy nước sạch trong xã. Bên trên có hệ thống đường ống dẫn vào khu đặt máy lọc phía trong.

Bể dự trữ nước trước khi lọc. Ảnh: T.D

Bể dự trữ nước trước khi lọc. Ảnh: T.D

Ngoài ra, hệ thống vỏ bình chưa sử dụng đến cũng được chất đầy phía trên bể nước. Bằng mắt thường có thể thấy, khá nhiều vỏ bình có hiện tượng bị cáu bẩn. Một số vỏ bình trong ruột có hiện tượng lắng cặn, ố đen, vết bẩn đã khô lại.

Đáng nói, vỏ bình của cơ sở này mang nhãn hiệu “102”, nhưng tại khu vực xưởng sản xuất phóng viên tiếp cận, còn rất nhiều vỏ bình mang nhãn hiệu khác nằm lẫn trong số vỏ bình được tập kết ở đây.

Sau khi khảo sát điều kiện sản xuất, người đàn ông tên Việt cung cấp cho phóng viên một số giấy tờ liên quan. Ngoài Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 103/2021/ATTP-CNĐK do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Thanh Hoá) cấp, người này còn cung cấp Hồ sơ tự công bố sản phẩm nước uống đóng chai.

Cụ thể, tên sản phẩm được công bố là “Nước uống tinh khiết 102” do chủ cơ sở tên Nguyễn Văn Hưng ký và đóng dấu.

Doanh nghiệp "bận quá" nên chưa gửi bản tự công bố sản phẩm trên cổng!

Liên quan đến công bố sản phẩm, trong bài viết trước đó, phóng viên cũng đề cập đến việc, khi tra cứu danh sách các đơn vị tự công bố sản phẩm thực phẩm trên cổng thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Thanh Hoá) không tìm thấy đơn vị nào tên là Công ty TNHH Phước Chi với nhãn hiệu “Nước uống tinh khiết 102”.

Cùng với đó, cũng không tìm thấy danh sách cơ sở nào có tên như vậy trong danh sách danh sách tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên cổng thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Thanh Hoá). Trong khi, trên cùng địa bàn, các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình khác khi tra cứu thông tin đều sẽ hiển thị danh sách.

Vỏ bình được tập kết trong xưởng. Ảnh: T.D

Vỏ bình được tập kết trong xưởng. Ảnh: T.D

Bên trong một vỏ bình đã qua sử dụng đã bị cáu bẩn. Ảnh: T.D

Bên trong một vỏ bình đã qua sử dụng đã bị cáu bẩn. Ảnh: T.D

Trong cùng một xưởng sản xuất, ngoài nhãn hiệu "102" còn có lẫn vỏ bình của nhãn hiệu khác. Ảnh: T.D

Trong cùng một xưởng sản xuất, ngoài nhãn hiệu "102" còn có lẫn vỏ bình của nhãn hiệu khác. Ảnh: T.D

Bên cạnh đó, người này còn cung cấp thêm bản kết quả thử nghiệm mẫu nước do Trung tâm kiểm nghiệm TSL Hà Nội – Chi nhánh Công ty TNHH Khoa học TSL tại Hà Đông (Hà Nội) cấp.

Kết quả thử nghiệm được công ty này cho các trường.

Kết quả thử nghiệm được công ty này cho các trường.

Phóng viên thắc mắc, tại sao mẫu nước uống tại Thanh Hoá lại không phải do cơ quan chức năng tại địa phương mà là từ một trung tâm khác ở Hà Nội kiểm định, người này giải thích: “Do chúng tôi gửi mẫu ra ngoài đó kiểm định cho yên tâm, chứ mấy cơ sở tại Thanh Hoá không thể đo chi tiết hết được các chỉ số đảm bảo của nguồn nước”.

Phóng viên có đề cập, nếu cơ sở tự gửi mẫu đi kiểm định thì làm sao đảm bảo được tính khách quan của mẫu thử, vì thông thường đơn vị kiểm định cần tự đến để lấy mẫu nước ngẫu nhiên.

Trước câu hỏi này, người này lại trả lời phóng viên rằng: “Mẫu đó là do Chi cục An toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đến lấy gửi đi kiểm định, sau đó gửi lại kết quả cho chúng tôi. Cứ mỗi năm họ lại về lấy mẫu nước để kiểm định một lần”.

Đáng nói, dù đại diện cơ sở nói trên cho rằng, bảng kết quả thử nghiệm mẫu nước nói trên là do Chi cục vệ sinh An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Thanh Hoá) gửi ra Hà Nội để kiểm định. Tuy nhiên, trên bảng kết quả này không thấy có thông tin để cho biết rằng cơ quan này đã gửi mẫu đi kiểm định tại Hà Nội.

Khi phóng viên đề cập việc, tại sao thông tin của cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình có tên "Công ty TNHH Phước Chi" lại không thấy trên danh sách tự công bố sản phẩm thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa, người này cho biết: "Vì bận quá nên chúng tôi chưa gửi bản tự công bố cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Sắp tới chúng tôi sẽ bổ sung".

Trao đổi với phóng viên trong ngày 30/8, ông Phạm Ngọc Thơm - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho rằng, trách nhiệm của công ty TNHH Phước Chi là phải công bố sản phẩm trên cổng của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Về việc kiểm định mẫu nước, ông Thơm cho biết: "Thông thường muốn kiểm định mẫu nước của lô nào phải được cơ quan kiểm định tự đến lấy mẫu của lô đó. Nếu cơ sở tự gửi mẫu ra Hà Nội và sử dụng kết quả kiểm định ấy cho tất cả các lô là không khách quan.

Còn việc kiểm định chất lượng nước của các cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết trên địa bàn như thế nào sẽ do CDC tỉnh Thanh Hóa phụ trách".

Khi tìm kiếm thông tin trong danh sách tự công bố sản phẩm thực phẩm trên cổng thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Thanh Hóa) không thấy hiển thị thông tin của Công ty TNHH Phước Chi. Ảnh: T.D

Khi tìm kiếm thông tin trong danh sách tự công bố sản phẩm thực phẩm trên cổng thông tin của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Thanh Hóa) không thấy hiển thị thông tin của Công ty TNHH Phước Chi. Ảnh: T.D

Không can thiệp hoạt động dịch vụ của trường nhưng Phó chủ tịch Huyện lại ký văn bản giới thiệu công ty lọc nước

Để có thêm thông tin khách quan liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn trong sử dụng nguồn nước cho học sinh, ngày 25/8, phóng viên đã liên hệ làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc, tuy nhiên phóng viên được thông tin là các lãnh đạo không có ở trụ sở.

Ông Hoàng Văn Thành – nhân viên chuyên trách Ban Tiếp công dân huyện Hậu Lộc đã truyền đạt lại lời của bà Vũ Thị Hà – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hậu Lộc khẳng định, huyện Hậu Lộc không can thiệp vào các hoạt động dịch vụ của các nhà trường.

“Đối với các vấn đề liên quan đến nước sạch, huyện không có ý kiến chỉ đạo cũng như không can thiệp vào các hoạt động dịch vụ của các trường. Vì thế, liên quan đến việc các trường đang như thế nào thì phóng viên có thể đến làm việc trực tiếp với các trường”, trích lời ông Thành truyền đạt của bà Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hậu Lộc.

Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc cho rằng, không can thiệp và không có chỉ đạo gì về vấn đề liên quan đến nước sạch, nhưng bà Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc lại ký văn bản gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Hiệu trưởng các trường để "giới thiệu" một cơ sở cung cấp thiết bị lọc nước cho các trường. Ảnh: T.D

Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc cho rằng, không can thiệp và không có chỉ đạo gì về vấn đề liên quan đến nước sạch, nhưng bà Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc lại ký văn bản gửi Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Hiệu trưởng các trường để "giới thiệu" một cơ sở cung cấp thiết bị lọc nước cho các trường. Ảnh: T.D

Dù trả lời với phóng viên là Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc không can thiệp vào các vấn đề liên quan đến nước sạch và cũng không có chỉ đạo gì. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Hà lại là người ký vào văn bản số 1998/CV-UBND về việc "cung cấp nước uống tinh khiết tại các trường học" gửi cho Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng Hiệu trưởng các trường trên địa bàn huyện Hậu Lộc để "giới thiệu" một đơn vị chuyên lắp đặt hệ thống cung cấp nước uống cho học sinh.

Trong đó có lưu ý: "Mức thu kinh phí sử dụng nước uống tinh khiết đối với học sinh không cao hơn mức trần quy định tại các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học".

Ngoài ra, trao đổi với phóng viên về việc nà, bà Nguyễn Thị Liên – Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện Hậu Lộc cũng trả lời tương tự.

“Việc nước uống cho học sinh thì các trường tự chủ ký với các đơn vị cung cấp. Còn về chất lượng nước như thế nào nó lại liên quan đến cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan chuyên môn về kiểm nghiệm chất lượng nước.

Theo tôi chất lượng nguồn nước sạch nó có quy chuẩn riêng, vì vậy cơ quan quản lý về chất lượng nguồn nước đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc kiểm định trước khi xuất bán. Khi một cơ sở đã xuất ra ngoài thị trường thì cái đó không liên quan đến các phòng, ban chuyên môn của huyện nữa”, bà Liên cho hay.

Đề cập đến văn bản số 1998/CV-UBND có chữ ký của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu, bà Liên nói, không biết đến văn bản nói trên, đồng thời cho rằng: "Những văn bản có cái Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện nắm được, có cái không".

Trung Dũng