Caixin ngày 17/11 đưa tin, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tìm cách lấn án tiếng nói của nhau tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế APEC hôm thứ Bảy.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cáo buộc Mỹ "đi ngược xu thế lịch sử" bằng cách áp đặt các rào cản thương mại, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Trung Quốc "dìm các quốc gia mục tiêu Vành đai và Con đường vào bẫy nợ".
Phát biểu tại thủ đô của Papua New Guinea, ông Tập Cận Bình cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa mà vẫn sử dụng rào cản nhân tạo để cản trở mối quan hệ chặt chẽ giữa các quốc gia, là đi ngược lại logic kinh tế cũng như xu thế lịch sử.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhìn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Reuters / The Washington Post. |
Chủ tịch Trung Quốc cũng ám chỉ Hoa Kỳ đang ép buộc tất cả các nước phải tuân thủ các quy tắc mà Washington đặt ra, khi ông nói:
"Các quy tắc nên được cộng đồng quốc tế đặt ra, chứ không phải do ai có sức mạnh hoặc sức mạnh lớn hơn, đặt ra."
Một trong những mục tiêu của ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế APEC năm nay là tiếp tục thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ông đã tổ chức cuộc họp riêng với các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương vào thứ Sáu, đề xuất hợp tác lớn hơn về thương mại, đầu tư, nông nghiệp và du lịch.
Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ngay sau ông Tập Cận Bình rằng, Hoa Kỳ đang đưa ra cho các nước trong khu vực một lựa chọn tốt hơn về kinh tế, ngoại giao.
"Bạn không thể chấp nhận vì nợ nước ngoài mà phải thỏa hiệp chủ quyền của mình. Chúng tôi không dìm chết các đối tác của mình trong một biển nợ.
Chúng tôi không ép buộc, không tham nhũng, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các bạn.
Hoa Kỳ giao dịch công khai và công bằng, chúng tôi không cung cấp một vành đai thít chặt hoặc con đường 1 chiều."
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2018, ảnh: SCMP. |
Mike Pence lên án Trung Quốc về các khoản cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng mao theo bẫy nợ, hành động buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc, trộm cắp tài sản trí tuệ và quân sự hóa Biển Đông.
Ông cũng nhắc lại tuyên bố thách thức hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông bằng khẳng định, Mỹ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và nhu cầu lợi ích quốc gia của mình.
"Quấy rối sẽ chỉ làm tăng thêm quyết tâm của chúng tôi", Phó Tổng thống Mỹ ám chỉ vụ tàu khu trục Hoa Kỳ bị chiến hạm Trung Quốc tạt đầu nguy hiểm ở Trường Sa vừa qua.
Trước đó trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình bảo vệ sáng kiến Vành đai và Con đường của mình bằng cách bác bỏ ý kiến cho rằng đây là cái bẫy nợ. Ông nói:
"Nó không có mục đích địa chính trị, cũng không chống lại hay loại trừ bất kỳ ai, vì cảnh cửa sẽ không bị đóng lại để tạo ra một vòng tròn nhỏ (của những nước tham gia)."
Trong bài phát biểu của mình, Phó Tổng thống Mỹ cũng trấn an các nước về tranh chấp thương mại Trung - Mỹ có thể làm tổn hại đến kinh tế khu vực khi nói rằng, ông tin tiến bộ vẫn có thể đạt được giữa 2 nước Trung - Mỹ ngay cả khi Washington vẫn giữ lập trường cứng rắn.
Mike Pence cũng công bố một vài sáng kiến nhằm thể hiện cam kết của Hoa Kỳ với khu vực. Ông công bố sáng kiến minh bạch Ấn Độ - Thái BÌnh Dương với khoản tài trợ 400 triệu USD, nhấn mạnh đầu tư của Exxon Mobile tại Papua New Guinea. [1]
Henry Kissinger có giúp được Tập Cận Bình chống đòn trừng phạt của Donald Trump? |
Theo The Washington Post, khi nói đến Hoa Kỳ sẽ cung cấp một lựa chọn tốt hơn Vành đai và Con đường cho khu vực, ông công bố Mỹ dành 60 tỷ USD đầu tư vào khu vực này.
The Washington Post đánh giá, sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump đã giúp Chủ tịch Tập Cận Bình thống trị sân khấu hội nghị thượng đỉnh APEC, tuy nhiên Chủ tịch Trung Quốc đã có vẻ muốn hòa giải hơn khi phát biểu:
Đối đầu, dù dưới hình thức chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh hay chiến tranh thương mại, sẽ không có ai chiến thắng cả! [2]
Nikkei Asian Review có nhận định ngược lại, phát biểu của ông Tập Cận Bình và ông Mike Pence hôm thứ Bảy cho thấy sự chia rẽ sâu sắc.
Ông Tập Cận Bình cho rằng, tăng trưởng toàn cầu đang bị lu mờ vì chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương.
Theo ông, không có vấn đề nào mà các nước không thể giải quyết thông qua tham vấn, miễn là họ hiểu nhau.
Câu này có thể xem như nhành ô liu Tập Cận Bình chìa về phía Donald Trump khi hai nhà lãnh đạo chuẩn bị gặp nhau cuối tháng này, bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20.
Rồi sau đó Mike Pence bước lên bục phát biểu, ông nói:
"Như chúng ta đều biết, (Trung Quốc) sử dụng hạn ngạch, buộc chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp công nghiệp trên quy mô chưa từng có.
Hoa Kỳ sẽ không thay đổi quan điểm của mình cho đến khi nào Trung Quốc thay đổi cách chơi."
Mỹ đang thúc đẩy việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và loại bỏ tất cả các hành vi bóp méo thương mại, chẳng hạn như buộc doanh nghiệp chuyển giao công nghệ hoặc chính phủ trợ cấp cho ngành công nghiệp của mình.
Trung Quốc thúc ASEAN chốt COC, Hoa Kỳ cảnh báo Đông Nam Á chớ mắc bẫy |
Hôm thứ Sáu 16/11, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã nhận được danh sách lớn với 142 mặt hàng Bắc Kinh đề xuất đáp ứng yêu cầu của Mỹ.
Tuy nhiên danh sách này không thể chấp nhận được với Donald Trump, tuy nhiên Mỹ có thể không phải áp đặt thêm thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Cho nên theo Nikkei Asian Review, trong bối cảnh này, bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence tại APEC có thể là con bài mặc cả được ném lên bàn trước cuộc họp thượng đỉnh Trung - Mỹ ở Argentina.
Tập Cận Bình và Mike Pence cũng có cuộc "đụng độ ý thức hệ" ngay tại diễn đàn APEC. Phó Tổng thống Mỹ nói:
"Sự thật là, chính phủ ấy đã từ chối các quyền của nhân dân mình, đồng thời xâm phạm các quyền của các nước láng giềng với họ.
Nhưng độc tài và xâm lược không thể có chỗ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương."
Ông Tập Cận Bình thì nói rằng, không có mô hình nào là duy nhất, các quốc gia cần bảo vệ sự đa dạng:
"Chúng ta nên từ chối sự kiêu ngạo và thành kiến. Khi nói đến việc lựa chọn con đường phát triển quốc gia, không ai có thể ra quyết định thay chính các thành viên của quốc gia đó."
Theo ông, sao chép sự phát triển của những nước khác sẽ phản tác dụng. Vì vậy, không thể áp đặt mô hình phát triển của mình lên nước khác. [3]
Nguồn:
[1]https://www.caixinglobal.com/2018-11-17/chinese-and-us-leaders-exchange-jabs-at-apec-101348453.html
[2]https://www.washingtonpost.com/world/pence-and-xi-deliver-dueling-speeches-despite-signs-of-trade-detente/2018/11/17/68e9926e-ea5f-11e8-bd89-eecf3b178206_story.html?noredirect=on&utm_term=.27903ae5f61b
[3]https://asia.nikkei.com/Economy/Trade-War/China-US-war-of-words-escalates-beyond-trade