(GDVN) - Mới đây thôi, đọc báo mà tôi thấy giật mình với thông tin Học sinh lớp 6 tống tiền bạn học hàng triệu đồng. Không thể ngờ là trẻ con giờ đây cũng… côn đồ quá mức.
{iarelatednews articleid='1977,1521'}
Tôi xin miễn bình luận và đưa quan điểm về sự việc trên, mà chỉ xin kể 3 câu chuyện của 3 người bạn có con nhỏ đang đi học cho các bạn độc giả.
1. Chúng mày mà động đến lông chân con tao thì chúng mày biết tay!
Chị Quỳnh (Thanh Xuân-Hà Nội) cùng xóm tôi có đứa con trai tên Huy đang học lớp 6. Vì vợ chồng chị đi làm về rất muộn nên luyện cho con biết đi xe đạp sớm để có thể tự về nhà một mình sau khi tan học. Gần đây, Huy bỗng thường xuyên lấy rất nhiều lí do khác nhau nào xe đạp hỏng, nào ngã đau chân, nào bị ốm và bắt bố mẹ đến đón đúng giờ. Chiều con được vài ngày nhưng cũng không thể xin cơ quan về sớm mãi, hơn nữa cũng nhận ra sự khác lạ của con, vợ chồng chị Quỳnh quyết định để con đi học về một mình mặc cho con vin cớ này cớ nọ và lập kế hoạch điều tra xem chuyện gì đang xảy ra.
Xin nghỉ sớm và đến cổng trường đúng giờ tan học, chị Quỳnh núp vào một góc kín để nhìn con. Chờ một lúc thì thấy Huy dắt xe đạp ra khỏi cổng trường, mắt nhìn dáo dác sợ hãi và phi lên xe cắm cổ đạp. Chị Quỳnh từ từ chạy xe máy theo sau. Đi tới gần bãi đất trống trên đường về nhà, chị bỗng thấy từ trong ngõ có một nhóm học sinh nam lao ra chặn xe, giằng cặp của con trai chị, dứt tóc, đá vào mông.
Huy con chị không dám đánh lại, chỉ cun cút đưa tay vào túi quần, móc tiền ra đưa cho chúng. Nhìn thấy cảnh đó, ba máu sáu cơn nổi lên, không còn giữ được bình tình, chị phóng thẳng xe đến chỗ bọn trẻ đang gây chuyện, túm tóc thằng cầm đầu cho mấy bạt tai và đe dọa: “Từ mai chúng mày mà còn dám động đến sợi lông chân của nó thì tao cho chúng mày biết tay, nhớ chưa?”
Về nhà gặng hỏi, chị Quỳnh mới biết Huy con chị đã bị bắt nạt từ gần một năm nay mà không dám nói. Ngày nào Huy cũng phải bỏ ra 20.000 tiền chị Quỳnh cho ăn sáng để nạp cho mấy đứa bạn vì sợ bị chúng đánh.
Đừng dạy trẻ cách "trả đũa" |
2. Xui con lấy khăn lau bảng lau mặt bạn
Chị Vân (Xuân Đỉnh-Hà Nội) có cô con gái đang học lớp 9. Chị tâm sự khi thấy con chị về nhà kể chuyện đến lớp toàn bị bạn A, bạn B trêu chọc, đùa giỡn, bắt nạt, chọc quê trước cả lớp, chị đã bảo con: “Nó biết bắt nạt con thì con cũng phải biết cách bắt nạt lại nó”. Và chị xui con ngày hôm sau khi bị bắt nạt thì “cười thật lớn vào cho nó sợ. Sau đó bảo là mặt bạn bẩn à? rồi lấy giẻ lau bảng của cô giáo mà lau vào mặt nó”.
Được mẹ kích động, cô bé cũng đến lớp và làm y chang lời mẹ dặn. Kết quả là một trận đánh nhau nổ lớp đã diễn ra và chị Vân cùng ba mẹ mấy cô bạn kia đã bị Ban giám hiệu trường triệu tập để họp phụ huynh.
3. "Con ạ, hãy để bạn bè phải kính phục và cảm mến con”
Chị Hương đang công tác tại một công ty làm về điện tử viễn thông cũng có một cậu con trai tên Minh đang học lớp 10. Do hoàn cảnh đặc biệt nên chị đã sinh ra Minh một mình và cũng chưa muốn cho con biết cha Minh là ai. Từ ngày vào trường cấp III, Minh bỗng trở nên nhút nhát, lầm lì hẳn. Phải qua nhiều ngày quan tâm hỏi han, Minh mới chịu thổ lộ là buồn và mặc cảm vì bị các bạn cùng lớp tẩy chay, không muốn chơi cùng. Lao động phải chia tổ, cũng không nhóm nào muốn nhận Minh. Tham gia các trò chơi tập thể của trường, nhóm nào cũng không muốn kết nạp Minh.
Minh luôn phải nghe những tiếng xì xầm xung quanh: “Không muốn chơi với đồ không có bố” cùng những ánh mắt xa lánh khinh miệt của bạn bè. Kết quả học của M cũng đi xuống thấy rõ. Biết được chuyện này, chị Hương đã khuyên và tâm sự với con rất nhiều. Chị Hương đưa ra những thế mạnh của con và khen, cổ vũ con để Minh tự tin hơn. Chị đi đăng ký ngay cho Minh một khóa học kỹ năng mềm về giao tiếp, thuyết trình và ứng xử. Đồng thời, chị cũng đến gặp giáo viên chủ nhiệm của Minh để nói về vấn đề của Minh và nhờ cô giáo giúp đỡ. Một thời gian sau, Minh tự tin hơn, giao tiếp cũng tốt hơn. Kết quả học tập đi lên, đứng nhất nhì lớp, được thầy cô yêu quý nên các bạn cùng lớp cũng nhìn Minh với con mắt khác hẳn, từ miệt thị dần trở thành khâm phục, cảm mến.
Rõ ràng, với việc con trẻ bị bắt nạt, các bậc phụ huynh đã có những cách giải quyết vấn đề rất khác nhau, và vô hình chung, cách xử lý khác nhau cũng mang lại những tác động khác nhau tới tâm lý và tính cách của con trẻ. Thiết nghĩ, bố mẹ chính là đôi cánh rộng nhất để bảo vệ con cái, vì thế đôi cánh ấy phải biết bay đúng hướng, nhất là trong giai đoạn trẻ đang hình thành tính cách với sự thay đổi nhiều về mặt tâm sinh lý.
Khi phát hiện con bị bắt nạt, thay vì kích động con dùng bạo lực hoặc đưa ra cách giải quyết nóng vội, bố mẹ cần có sự quan tâm đúng mức tới con cái, cần phân tích, tìm hiểu tình hình và nguyên nhân để đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề hiệu quả nhất. Quan trọng nhất là bố mẹ cần biết cách để con cái có thêm tự tin vào bản thân, có khả năng giao lưu, hòa đồng nhanh.
Hồng Trang
Con nhỏ của bạn có bị bắt nạt ở trường học không? Hay chia sẻ những câu chuyện, quan điểm, cách dạy con ứng xử trong những tình huống này của bạn và người thân vào email: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc phản hồi phía dưới.
{jcomments on}