Dạy tiếng Anh hiệu quả hơn: Khi sách giáo khoa cũng biết “kể chuyện”

12/04/2025 07:30
Diệu Dương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy ngoại ngữ mở ra nhiều cơ hội giúp các em học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt.

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách chủ động, hiệu quả ngày càng trở nên quan trọng. Việc học tiếng Anh không còn giới hạn trong không gian lớp học truyền thống mà cần được mở rộng ra mọi lúc, mọi nơi, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ để giúp người học tiếp cận kiến thức nhanh chóng, giao tiếp dễ dàng hơn.

Bắt nhịp xu hướng đổi mới này, sách giáo khoa điện tử đang trở thành một công cụ học tập hữu ích, mang đến trải nghiệm giáo dục đa phương thức. Nhất là đối với môn Tiếng Anh, học sinh có thể tích hợp nhiều nội dung trực quan như hình ảnh, âm thanh, video clip, từ điển số và các bài tập tương tác có khả năng phản hồi – đánh giá kết quả.

Chìa khóa luyện giao tiếp ngoại ngữ tiến bộ nhanh hơn

Nhằm đáp ứng định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở Cát Linh (Hà Nội) cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy ngoại ngữ đã mở ra nhiều cơ hội giúp các em học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt.

Thay vì bó hẹp thời gian nhất định ở mỗi tiết học trên lớp, học sinh được sử dụng sách giáo khoa thông qua các phần mềm tương tác, giúp tạo dựng môi trường phát triển toàn diện cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nhờ đó, các em được luyện tập giao tiếp thường xuyên hơn, phát âm tự nhiên hơn qua những bài học trực quan, sinh động. Học sinh thoát khỏi sự khô khan của con chữ và những quy tắc ngữ pháp cứng nhắc, tiếp cận ngoại ngữ quốc tế một cách hứng thú, chủ động.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy ngoại ngữ đã mở ra nhiều cơ hội giúp các em học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt. Ảnh: NTCC.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy ngoại ngữ đã mở ra nhiều cơ hội giúp các em học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt. Ảnh: NTCC.

Rèn luyện phát âm và kỹ năng giao tiếp là yếu tố cốt lõi, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp hướng dẫn hiệu quả. Hệ thống học liệu tương tác (Sách Mềm 2.0) đi kèm bộ sách giáo khoa Tiếng Anh Global Success của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mang lại nhiều tiện ích trong việc hỗ trợ dạy và học tiếng Anh. Chỉ với một nền tảng trực tuyến, học sinh có thể nghe và lặp lại cách phát âm của từ mới, hay các đoạn hội thoại, video hoạt hình, bài hát giúp quá trình tiếp cận ngôn ngữ trở nên sinh động, trực quan.

Đồng tình với ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Minh Hiển - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Tây Trà (Quảng Ngãi) nhận định, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng trên lớp, việc giảng dạy và quản lý lớp học của giáo viên trở nên dễ dàng hơn, học sinh được gia tăng mức độ tương tác trong quá trình học tập.

Hệ sinh thái tài nguyên số của bộ sách giáo khoa Tiếng Anh Global Success là một ví dụ tiêu biểu, tích hợp đa dạng các hợp phần bổ trợ như Sách Mềm 2.0, Giáo án minh hoạ, Bài giảng điện tử, Ngân hàng kiểm tra đánh giá (Testbank), Video hướng dẫn phát âm,... giúp hỗ trợ công tác giảng dạy và học tập một cách toàn diện.

Tài nguyên mở trong hệ sinh thái sách giáo khoa Tiếng Anh Global Success hỗ trợ giáo viên thiết kế giáo án và bài giảng. Ảnh: HEID.
Tài nguyên mở trong hệ sinh thái sách giáo khoa Tiếng Anh Global Success hỗ trợ giáo viên thiết kế giáo án và bài giảng. Ảnh: HEID.

Dù sách điện tử không thể thay thế hoàn toàn sách giấy, nhưng việc kết hợp cả hai loại sách dưới sự hướng dẫn của giáo viên sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cho cả giáo viên và học sinh khi tiếp cận với môn tiếng Anh. Trong khi sách giấy giúp học sinh rèn luyện khả năng tập trung và kỹ năng đọc hiểu theo phương pháp truyền thống thì sách điện tử phát huy thế mạnh về tính tương tác và đa phương tiện.

Là một giáo viên giảng dạy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Minh Hiển đánh giá tài nguyên điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực, vừa mở rộng phương pháp sư phạm và quản lý lớp học dễ dàng hơn, vừa duy trì việc học của học sinh không bị gián đoạn trong quá trình tiếp thu kiến thức. Nhất là ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, nhiều trường học gặp khó khăn khi sách vở, tài liệu học tập, trang thiết bị giảng dạy hư hỏng hoặc thất lạc.

Việc tích hợp các tính năng tương tác trong Sách Mềm 2.0 có thể thúc đẩy sự tham gia tương tác trong lớp của học sinh. Các bài tập dự án, hoạt động nhóm, bài tập thực hành và thảo luận trực tuyến sẽ giúp quá trình học trở nên hấp dẫn, kích thích tư duy sáng tạo và chủ động hơn.

Nếu được áp dụng đúng cách, các tài nguyên điện tử sẽ trở thành công cụ đắc lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần tạo ra một môi trường học tập hiện đại, hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Biến việc học tiếng Anh thành niềm vui nhờ công nghệ số

Em Trần Lâm Anh - học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Trưng Vương (Hà Nội) chia sẻ, việc học tiếng Anh trên nền tảng số rất tiện lợi vì em có thể sử dụng trên nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng để học tập một cách dễ dàng. Đây là cách học tập thú vị, cùng kho bài tập hữu ích, giúp em thực hành tiện lợi bằng cách vừa đọc, vừa nghe, vừa xem hình ảnh sinh động, khiến việc tiếp thu trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Em Trần Lâm Anh luyện tập môn Tiếng Anh trên Sách Mềm 2.0 tại nhà. Ảnh: NVCC.
Em Trần Lâm Anh luyện tập môn Tiếng Anh trên Sách Mềm 2.0 tại nhà. Ảnh: NVCC.

“Khi học từ vựng mới, em không chỉ nhìn mặt chữ mà còn có thể nghe cách phát âm đúng, giúp ghi nhớ dễ dàng hơn. Nếu muốn luyện kỹ năng nói, em còn có thể lặp lại phát âm theo giọng đọc mẫu, giống như đang trò chuyện với một giáo viên trực tuyến. Đặc biệt, khi học các đoạn hội thoại hoặc câu chuyện, em có thể xem lại video nhiều lần, hiểu rõ nội dung để kể lại hoặc trả lời các câu hỏi”, Phương Thảo bày tỏ.

Nữ học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương (Hà Nội) cảm thấy hứng thú khi được làm bài tập môn Tiếng Anh trên Sách Mềm 2.0. Việc ôn luyện lại nội dung kiến thức trong SGK Tiếng Anh Global Success em được học giờ đây không còn là một nhiệm vụ nhàm chán nữa, mà giống như trải nghiệm khám phá công nghệ đầy thú vị. Thời gian làm bài tập giống như đang tham gia vào trò chơi điện tử hấp dẫn, có những thử thách giúp em ghi nhớ kiến thức một cách tự nhiên và hào hứng hơn.

Hoạt động luyện nghe và phát âm cho phép học sinh tương tác sinh động trong Unit 7: In the kitchen - Lesson 1 - Listen and repeat trên Sách Mềm 2.0. Ảnh: chụp màn hình.
Hoạt động luyện nghe và phát âm cho phép học sinh tương tác sinh động trong Unit 7: In the kitchen - Lesson 1 - Listen and repeat trên Sách Mềm 2.0. Ảnh: chụp màn hình.

Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Minh Hiển cũng cho hay, để khai thác tối đa lợi ích của tài nguyên điện tử, cần đảm bảo các điều kiện kỹ thuật phù hợp. Học sinh và giáo viên cần có thiết bị điện tử tương thích cùng kết nối Internet ổn định. Việc bảo trì và cập nhật phần mềm định kỳ cũng đóng vai trò quan trọng để duy trì trải nghiệm học tập mượt mà.

Mặt khác, việc quản lý thời gian sử dụng thiết bị cũng cần được cân nhắc nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là thị lực của học sinh. Cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giảm căng thẳng và duy trì sự tập trung cho học sinh. Giáo viên và phụ huynh cũng cần phối hợp theo dõi, hướng dẫn học sinh nền tảng học tập trực tuyến đúng mục đích, tránh tình trạng lạm dụng thiết bị sai mục đích.

Diệu Dương