Miền Trung thu hút nhiều tập đoàn lớn nên ĐH Đông Á mở ngành Kỹ thuật Cơ điện tử

13/04/2025 08:27
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường ĐH Đông Á mở ngành Kỹ thuật Cơ điện tử với mục tiêu góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các khu công nghiệp ở miền Trung hiện nay.

Trường Đại học Đông Á là cơ sở giáo dục đại học đa ngành với hơn 40 ngành đào tạo. Năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển sinh hơn 6500 chỉ tiêu. Đặc biệt, năm nay, đơn vị sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử (mã ngành: 7520114).

Cần nguồn nhân lực lớn được đào tạo về Kỹ thuật Cơ điện tử

Chia sẻ về lý do mở ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thành Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á cho biết, miền Trung Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đầu tư vào công nghiệp sản xuất thiết bị lớn như Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải, Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh VinFast, Tập đoàn Hòa Phát…

Các đơn vị này đã và đang cần tuyển dụng nhiều nhân sự để vận hành các thiết bị công nghiệp thông minh, tự động hóa và các thiết bị điện tử tiên tiến.

Do vậy, để có thể góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các khu công nghiệp ở miền Trung hiện nay, Khoa Ô tô, Trường Đại học Đông Á đề xuất mở ngành Kỹ thuật Cơ điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn mới từ năm 2030-2035 theo định hướng phát triển của nhà trường.

"Kết quả khảo sát khoảng 70 doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất tự động tại miền Trung cho thấy, tỷ lệ thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao vượt 45%. Để khắc phục, doanh nghiệp phải tự đào tạo tại chỗ và cử nhân viên tham gia các khóa học ngắn hạn.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực này chỉ đáp ứng tạm thời và chưa đạt yêu cầu chuyên môn. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong ngành Cơ điện tử càng trở nên rõ rệt" - thầy Việt nói thêm.

Ở phía đơn vị sử dụng lao động, anh Nguyễn Thế Sang - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế tạo máy Công nghiệp miền Trung cho biết: "Hiện nay, các doanh nghiệp đang có nhu cầu cao trong việc sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ điện tử.

Đây là ngành đào tạo có sự kết hợp giữa kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử. Bởi vậy, khi bước vào thị trường lao động, người học có thể đảm nhận đa dạng các vị trí, tăng khả năng thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động đồng thời mang lại cho họ nhiều cơ hội việc làm, nhiều hướng phát triển chuyên sâu.

Hiện tại, công ty của tôi cũng đang cần các sinh viên được đào tạo chuyên sâu về Kỹ thuật Cơ điện tử. Vì những người được đào tạo bài bản sẽ đáp ứng công việc nhanh và tốt hơn, không mất nhiều thời gian đào tạo lại".

Được biết, anh Sang có hợp tác với Khoa Ô tô, Trường Đại học Đông Á trong vấn đề góp ý cho chương trình đào tạo. Vị phó giám đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường để có sự đào tạo phù hợp với nhu cầu.

Kiến thức được áp dụng trong thực hành sẽ giúp người học ghi nhớ tốt hơn, tăng khả năng thích ứng khi làm việc thực tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ có nguồn tuyển dụng đảm bảo cho hoạt động của công ty.

Trong tương lai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế tạo máy Công nghiệp miền Trung sẽ tiếp tục hợp tác với Trường Đại học Đông Á, đặc biệt là trong các hoạt động kiến tập, thực tập cho sinh viên.

z6488685582702_a8fc9870b7ae8c17b76c76cd68bfd61a.jpg
Anh Nguyễn Thế Sang - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế tạo máy Công nghiệp Miền Trung

Là người tham gia khảo sát nhu cầu mở ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, anh Lê Đức Nhựt - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Ngân nói: "Ngành Kỹ thuật Cơ điện tử ngày càng có vai trò quan trọng bối cảnh hiện tại của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cấp thiết về hiện đại hóa từ máy móc đến con người.

So với 5 năm trước, công nghệ chúng ta đang sử dụng gần như đã có bước tiến vượt bậc. Điều này buộc những người vận hành phải có trình độ tốt hơn. Ngành Kỹ thuật Cơ điện tử liên quan đến nhiều lĩnh vực như chế tạo máy, điện, tự động hoá... Bởi vậy, trong tương lai ngành học này sẽ càng phát triển và nhận được thêm nhiều sự đầu tư.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về Kỹ thuật Cơ điện tử lại đang thiếu hụt. Ngay đối với công ty của tôi, vấn đề tuyển dụng nhân lực đang hết sức nan giải, dù mức lương khởi điểm hấp dẫn là từ 10-15 triệu đồng/tháng. Các bạn sẽ đảm nhận các vị trí như đứng máy công nghệ cao CNC, lập trình máy CNC...

Do vậy, việc Trường Đại học Đông Á đào tạo ngành học này sẽ đáp ứng rất tốt nhu cầu nhân lực thực tế. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động hướng dẫn sinh viên sử dụng máy móc hay nhận sinh viên kiến tập, thực tập".

Có ý kiến cho rằng, học ngành Kỹ thuật Cơ điện tử chỉ tập trung sửa chữa máy móc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thành Việt nhận định: “Quan điểm này là một ngộ nhận về ngành Kỹ thuật Cơ điện tử. Bản chất của một kỹ sư Kỹ thuật Cơ điện tử là phải đáp ứng những khía cạnh rất rộng trong một dây chuyền sản xuất, tối ưu quá quá trình sản xuất. Trong cuộc sống, họ là người chế tạo các thiết bị nhằm phục vụ con người, giảm tải sức lao động, giải quyết những công việc mà con người nhiều khi không thể thực hiện được…

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Cơ điện tử có thể làm việc tại các tập đoàn sản xuất xe ô tô, tập đoàn sản xuất các thiết bị điện tử, máy móc… Hiện nay, Khoa Ô tô và nhà trường cũng đã ký kết với nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ việc đào tạo cũng như tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp".

Ảnh minh họa: Website Khoa Ô tô, Trường Đại học Đông Á.

Ảnh minh họa: Website Khoa Ô tô, Trường Đại học Đông Á.

Chương trình đào tạo theo mô-đun năng lực

Được biết, Khoa Ô tô được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại, với phòng học và thực hành tích hợp thuận lợi cho giảng dạy. Chương trình đào tạo theo mô-đun năng lực, bám sát thực tế công việc tại doanh nghiệp, cho phép sinh viên thực tập và làm việc tại nhà máy từ năm thứ ba.

Điểm mạnh của khoa là đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và hệ thống thực hành được xây dựng từ nền tảng ngành Kỹ thuật Ô tô. Nhờ vậy, sinh viên có thể tiếp cận thiết bị sẵn có mà không tốn kém nhiều chi phí đầu tư. Đồng thời có rất nhiều kinh nghiệm rút ra từ ngành Kỹ thuật Ô tô để có thể lựa chọn hướng đào tạo phù hợp với các vị trí việc làm của doanh nghiệp.

Đề cập đến quá trình chuẩn bị mở ngành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thành Việt nói: "Ngành Cơ điện tử là ngành kết hợp rất nhiều lĩnh vực: cơ khí, điện – điện tử, công nghệ thông tin,… Do vậy từ khi xác định mở ngành từ năm 2023, điều đầu tiên phía Khoa Ô tô thực hiện là tổ chức xâm nhập thực tế vào các doanh nghiệp có tính chất sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp chế tạo các thiết bị cơ khí công nghiệp…

Đồng thời, chúng tôi nhờ các chuyên gia tư vấn để xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo gắn sát với thực tế doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, khoa tiến hành đào tạo giảng viên và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp ở Đài Loan, Pháp và Hàn Quốc để tuyển dụng giảng viên.

Về phía nhà trường cũng tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất như: phòng học lý thuyết khang trang, xưởng thực hành cơ khí và các phòng lab thực hành bài bản trên cơ sở nâng cấp từ các phòng hiện có tại cơ sở 149 Đỗ Thúc Tịnh, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Theo mục tiêu của chương trình đào tạo, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Cơ điện tử được trang bị đầy đủ về kiến thức và kỹ năng của ngành như: có khả năng thiết kế, lắp đặt, bảo trì hệ thống máy móc trong các dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại, hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát; sử dụng các máy móc CNC, thiết bị trong chế tạo các thiết bị và hệ thống cơ điện tử, robot; khả năng sử dụng các công cụ hỗ trợ thiết kế và mô phỏng trên máy tính".

Album-739b2233-39a8-48ca-a95f-337becc0843c.jpg
Hệ thống thực hành cho sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử được xây dựng từ nền tảng ngành Kỹ thuật Ô tô. Ảnh: Website Khoa Ô tô, Trường Đại học Đông Á.

Trong vấn đề thực hành nghề nghiệp cho sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thành Việt thông tin, hiện nay Khoa Ô tô đã ký kết với nhiều tập đoàn công nghiệp sản xuất trong và ngoài nước để giúp sinh có nhiều đơn vị thực tập nghề nghiệp cũng như tiếp cận sớm với các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi ra trường.

Trước sự đòi hỏi của doanh nghiệp về nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Đông Á luôn chú trọng việc đầu tư thiết bị để phục vụ thực hành cho sinh viên. Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ điện tử được xây dựng theo các mô đun năng lực và hàm lượng thời gian sinh viên được thực hành là rất lớn chiếm đến 60% thời lượng giảng dạy.

Điều này giúp sinh viên có nhiều kỹ năng hơn trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp, xây dựng sự tự tin về năng lực chuyên môn của bản thân.

Chia sẻ thêm về các hoạt động ngoại khóa để xây dựng đời sống sinh viên toàn diện, vị Phó Hiệu trưởng cho biết, hiện nay, các khoa trong trường đều tổ chức các câu lạc bộ và hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ Khởi nghiệp, Câu lạc bộ trẻ Nghiên cứu khoa học, Câu lạc bộ tìm kiếm tài năng thông qua các cuộc thi chế tạo sản phẩm thiết bị mới… thu hút nhiều nhóm sinh viên từ năm hai đến năm tư tham gia.

Ngoài ra, về chính sách học bổng, hằng năm, Trường Đại học Đông Á dành tặng nhiều suất học bổng toàn phần, bán phần dành cho các sinh viên có học lực tốt và hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, mỗi khoa, ngành hằng năm đều tìm kiếm các nhà tài trợ để hỗ trợ học bổng cho sinh viên, tạo điều kiện cho các em phát triển tốt hơn.

Hồng Linh