ĐBQH: 2 bộ SGK biến mất, lãng phí hơn 80 tỷ đồng tiền sách

01/11/2022 06:22
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH đề nghị bổ sung đánh giá quản lý sử dụng ngân sách trong giáo dục và bổ sung nội dung lãng phí cho xã hội chưa được đề cập trong báo cáo là sách giáo khoa.

Chiều ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Bổ sung nội dung lãng phí với sách giáo khoa

Góp ý tại phiên họp, Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị Đoàn giám sát Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo đó là vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông đã gây ra sự lãng phí lớn của xã hội cần được xem xét sửa đổi một cách nghiêm túc.

Vấn đề này có nhiều bức xúc cho xã hội từ nhiều năm nhưng càng đổi mới chương trình giảng dạy thì lãng phí cho xã hội nhiều hơn và gây ra càng nhiều hơn sự bức xúc của xã hội.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị Đoàn giám sát Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo đó là vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông đã gây ra sự lãng phí lớn của xã hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị Đoàn giám sát Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo đó là vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông đã gây ra sự lãng phí lớn của xã hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng nêu việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chưa nghiêm, sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả.

Vì vậy, Chính phủ cần sớm rà soát các hệ thống pháp luật hiện hành, các chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gây ra sự lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và xã hội. Tiếp tục hoàn thiện luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm soát, hạn chế sự lãng phí nguồn lực quốc gia và xã hội….

Theo vị đại biểu đoàn Khánh Hòa, điều quan trọng cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả dù là việc nhỏ nhất, gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề cập đến nội dung được nhiều cử tri quan tâm là lãng phí trong lĩnh vực giáo dục, lựa chọn sách giáo khoa.

Theo nữ đại biểu, năm học 2020-2021, ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở lớp 1 với 5 bộ sách giáo khoa, trong đó có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 3 bộ sách Cánh diều là của 3 Nhà xuất bản khác.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề cập đến việc lãng phí hơn 80 tỷ đồng khi không tiếp tục sử dụng sách giáo khoa lớp 1. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề cập đến việc lãng phí hơn 80 tỷ đồng khi không tiếp tục sử dụng sách giáo khoa lớp 1. Ảnh: quochoi.vn.

Năm học 2021-2022, tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 2, lớp 6 nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ còn phát hành 2 bộ sách giáo khoa là Bộ Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Còn 2 bộ sách giáo khoa là Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục thì đã biến mất với 1 năm tuổi thọ và đã gây rất nhiều bất ngờ cho giáo viên, học sinh nói riêng và xã hội nói chung.

Việc 2 bộ sách này bỗng dưng biến mất đã được Nhà xuất bản Giáo dục giải thích là muốn hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ sách tốt hơn và tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa, phát triển sách giáo khoa, giấy đồng bộ với sách cũng như học liệu điện tử.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng: “Nhìn vào thị phần của 4 bộ sách cho thấy, 2 bộ sách biến mất là Bộ Cùng học để phát triển năng lực chiếm 14% thị phần. Bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục chỉ chiếm 8% thị phần.

Và một số người đã nhận định việc hai bộ sách này bỗng dưng biến mất là do thị phần thấp và đó là quy luật của kinh tế thị trường.

Nhưng vấn đề đặt ra khi 2 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị biến mất là gì?”.

Các địa phương đã chọn 2 bộ sách này có tiếp tục chọn tiếp trong các năm tiếp theo không và khối 1 cả nước ước tính có khoảng 2.000.000 học sinh, như vậy là sẽ lãng phí khoảng gần 450.000 bộ sách lớp 1 và việc không tiếp tục sử dụng sẽ lãng phí khoảng hơn 80 tỷ đồng tiền sách giáo khoa. Và với những triết lý mà các học sinh lớp 1 đã được học và năm sau thì lại không học nữa, đại biểu băn khoăn vậy lại nhập môn một triết lý mới hay sao?”.

Năm 2022-2023, tiếp tục lộ trình đổi mới sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Nhìn chung lộ trình triển khai đã được đảm bảo và bước đầu thu được những thành quả nhất định.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nêu rõ, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa cùng một chương trình được xem là một lợi thế, nhưng đó cũng là những bất cập đan xen: “Bởi lẽ, nhiều trường học cùng lúc các đầu sách trong các bộ sách giáo khoa khác nhau dẫn đến tình trạng phụ huynh khó khăn trong việc mua sách cho con ở thời điểm đầu năm học, không chỉ phụ huynh mà cả giáo viên nhà trường cũng bị động, quá tải trong việc phải đọc, lựa chọn quá nhiều bộ sách khác nhau.

Ngoài ra, còn phải kể đến giá sách giáo khoa đắt nhiều lần so với sách giáo khoa hiện hành và mỗi trường lại chọn nhiều bộ sách khác nhau, nên nếu có trường hợp học sinh chuyển trường thì lại phải mua bộ sách khác, bởi vì chương trình khung giống nhau nhưng việc mà học về thời lượng rồi trước hay sau thì lại khác nhau, điều này dẫn đến rất là nhiều lãng phí trong điều kiện kinh tế đất nước, kinh tế của nhiều hộ gia đình còn khó khăn.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn học mới, nhiều hình thức giảng dạy khác nhau và như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đã phát biểu trong phần về kinh tế - xã hội, có rất nhiều tổ hợp môn mới và giáo viên phải vật lộn để đáp ứng yêu cầu này. Ví dụ chị gái của tôi dạy Vật lý và phải học thêm về Hóa học để dạy tổ hợp, mà hóa học lại còn theo chương trình mới, học bằng tiếng Anh và thực sự một lượng công việc rất lớn.

Tôi cho rằng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho rất nhiều giáo viên phải nghỉ việc và cũng lãng phí đối với nguồn lực. Cũng có tình trạng do không đủ giáo viên để đáp ứng được theo yêu cầu, có những môn học có đến 2-3 giáo viên cùng giảng dạy và kiểm tra định kỳ điểm số, nhận xét cho học sinh các giáo viên cũng phải thực hiện chung”.

Do đó, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đồng tình với Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2023 về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông. Và cho rằng, những gì hiện nay đang diễn ra đã gây rất nhiều lãng phí thì cần phải điều chỉnh ngay trước khi Quốc hội thực hiện giám sát này để là để chống cái lãng phí trong nguồn lực của Nhà nước, tiền của, thời gian của người dân, của giáo viên.

Bổ sung đánh giá quản lý, sử dụng ngân sách trong giáo dục

Góp ý về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cũng đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục.

Cụ thể, vị đại biểu đề nghị đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cũng đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cũng đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục. Ảnh: quochoi.vn.

Theo đó, ông nhấn mạnh “Trong những năm qua, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giáo dục rất lớn. Bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, bất cập, những số liệu cụ thể được nêu trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các báo cáo giám sát của các địa phương đã chỉ ra như hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng dự toán, phân bổ nguồn vốn, giải ngân chậm việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án đại học trực thuộc trên phạm vi cả nước còn chậm; nhiều dự án ký túc xá không hiệu quả, việc in ấn sách giáo khoa còn nhiều bất cập, lãng phí.

Việc sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị ở nhiều địa phương còn để xảy ra nhiều sai phạm xử lý hình sự. Trong Báo cáo giám sát đánh giá nhưng chưa rõ nét, nhất là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tại Mục c, trang 6 Báo cáo giám sát”.

Từ thực tế trên, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị bổ sung đánh giá việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục trong Báo cáo hoặc trong dự thảo Nghị quyết, chỉ rõ những hạn chế, bất cập để thấy được trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm cho thực hiện trong thời gian tới.

Về nội dung cụ thể trong dự thảo nghị quyết giám sát, việc nhận định, đánh giá một số lĩnh vực cụ thể, đề nghị xem xét thống nhất, đánh giá kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế. Ví dụ như đánh giá việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn 2016-2021, song phần tồn tại, hạn chế, bất cập cần khắc phục nên như vậy là chưa phù hợp.

Hơn nữa, việc nhận định kết quả thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2021 đã thật sự thỏa đáng chưa thì đề nghị cân nhắc thêm.

Phát biểu ý kiến tại hội trường, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm đến tình trạng lãng phí trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng, chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường đại học là hoàn toàn phù hợp với cơ cấu kinh tế và nhu cầu xã hội hiện nay.

“Việc mở thêm nhiều ngành đào tạo mới là một xu hướng tất yếu không chỉ tạo điều kiện cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn ngành học tại nhiều trường đại học khác nhau trên cả nước mà không phải dồn về các đô thị lớn, giúp giảm chi phí cho bản thân người học và giảm áp lực về dân cư cho các đô thị lớn bên cạnh đó còn giúp cho các trường đa dạng hóa được dịch vụ đào tạo và có thể thu hút được thêm nhiều sinh viên” - nữ đại biểu lý giải.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm đến tình trạng lãng phí trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ quan tâm đến tình trạng lãng phí trong lĩnh vực giáo dục. Ảnh: quochoi.vn.

Tuy nhiên, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung bày tỏ băn khoăn, liệu những ngành mới đó có được quản lý chặt chẽ trong khâu kiểm soát và thẩm định chất lượng chương trình đào tạo hay không và đơn vị đào tạo có đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên có đủ trình độ và năng lực tương xứng để thực hiện hay không.

Bởi thực tế cho thấy một số trường đại học mở thêm nhiều ngành mới mà chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và quy hoạch ngành nghề dẫn tới thực trạng là hầu hết tại các doanh nghiệp nguồn nhân lực phải qua đào tạo lại nhiều lần mới đáp ứng được nhu cầu vị trí công việc gây lãng phí lớn cho xã hội.

Bên cạnh đó có những trường chỉ chuyên sâu đào tạo kỹ thuật - công nghệ nhưng lại mở thêm nhiều mã ngành như kinh tế, du lịch, ngoại ngữ….

Cuối cùng, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng, để tránh được những thất thoát lãng phí về nguồn nhân lực bên cạnh những biện pháp quản lý chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, gia đình cần quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, giúp cho các em hiểu và lựa chọn đúng các ngành nghề phù hợp với bản thân, phù hợp với nhu cầu xã hội.

Trước đó, trong phần thảo luận sáng ngày 31/10, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng đề cập: “Trong Phụ lục 1 của dự thảo Nghị quyết có thống kê những dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả trong giai đoạn 2016-2021. Trong số 52 dự án được nêu thì có tới 14 dự án là dự án khu nhà ở sinh viên và ký túc xá sinh viên, chiếm 36,4%, đây mới là số liệu thống kê chưa đầy đủ.

Quốc hội và Chính phủ trong những năm qua đã rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và luôn luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu theo đúng tinh thần Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII.

Việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án trường học, nhà ở, ký túc xá sinh viên thể hiện sự quan tâm đó. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai thì rất nhiều các dự án đó đã thực sự không hiệu quả, trong khi nhu cầu về nhà ở và ký túc xá của sinh viên ngày một cấp thiết. Nhiều sinh viên từ các vùng quê ra các đô thị để học đã phải rất long đong, vất vả và tốn kém trong việc thuê nhà trọ và nhiều khi không đảm bảo điều kiện tối thiểu để sinh sống và học tập, điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của các em.

Khi còn bao dự án xây ký túc xá cho các em lại không hiệu quả, lãng phí nguồn lực của quốc gia, bằng việc này đã đi ngược lại với những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục. Cho nên, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội kiến nghị Chính phủ có những chỉ đạo rõ ràng và dứt khoát để sớm hoàn thiện các dự án này đi vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập”.

Ngân Chi