Hơn 16 nghìn GV nghỉ việc đều chuyển ra khỏi ngành GD là bất bình thường

28/10/2022 06:18
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Nguyễn Thị mai Hoa, qua thông tin nghiên cứu tập hợp của Cục Nhà giáo, số lượng 16.265 GV hoàn toàn là số GV chuyển ra khỏi ngành giáo dục

Phát biểu tranh luận tại Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội chiều ngày 27/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề cập đến thực trạng và nguyên nhân giáo viên nghỉ việc thời gian qua…

Đại biểu Hoa khẳng định nguyên nhân của giáo viên nghỉ việc không chỉ do việc giáo viên chuyển dịch từ khối công lập sang khối tư thục.

Cụ thể, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: “Chúng ta cần nhìn nhận như thế nào đối với thực trạng giáo viên nghỉ việc?

Để tranh luận với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Trường Giang, tôi xin phép được đưa ra một số số liệu: Trong giai đoạn 2021-2022, cụ thể tính đến tháng 8/2022, do Cục Nhà giáo cung cấp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu tranh luận. Ảnh:quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu tranh luận. Ảnh:quochoi.vn.

Trong tổng số 16.265 giáo viên nghỉ việc, số giáo viên công lập nghỉ việc là 11.407 người, ngoài công lập là 5.858 người.

Nếu phân theo cấp học, mầm non là 6.391 giáo viên nghỉ, trong đó, công lập là 2.503 giáo viên, ngoài công lập là 3.888 giáo viên.

Ở đây, tôi có đầy đủ số liệu ở cả bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Và thông tin qua nghiên cứu, tập hợp của Cục Nhà giáo cho thấy, số lượng 16.265 giáo viên nghỉ việc là hoàn toàn là số giáo viên chuyển ra khỏi ngành giáo dục; chưa có số liệu về khối công lập chuyển sang tư thục”.

“Qua khảo sát, giám sát, cho đến thời điểm này, giáo viên trường công chuyển sang trường tư đang rất ít.

Theo tôi đánh giá, đây là một hiện tượng không bình thường.

Đây không chỉ là vấn đề có một bộ phận cán bộ, công chức nghỉ việc mà là số lượng nghỉ quá lớn trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Trong khi chúng ta đang cần rất nhiều giáo viên, mà hiện nay, số lượng nghỉ lại rất nhiều. Thứ hai, không phải số lượng chung của cả nước mà chủ yếu đang tập trung ở một số tỉnh thành, các địa bàn là khu đô thị đông công nghiệp như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.

Ở đây, về nguyên nhân, các đại biểu cũng đã phân tích rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có vấn đề về lương, có vấn đề về áp lực công việc, có vấn đề liên quan tới việc một bộ phận giáo viên không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có một bộ phận giáo viên phản ánh, họ được đào tạo đơn môn nhưng phải dạy tích hợp, họ không đủ tự tin đứng trước học sinh. Tôi cho rằng, sắp tới, ngành giáo dục sẽ phải đối mặt với chuyện này” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Sau khi phân tích, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị: Nếu phải phân tích kỹ nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc, theo tôi, cần phải phân tích thật kỹ về lương, về điều kiện, môi trường làm việc của nhà giáo...

Tôi cũng đề nghị ngành giáo dục phải quan tâm hơn trong việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi hiện tại giáo viên đang thiếu rất nhiều, Chính phủ cần phải sớm có cái nhìn về vấn đề này để có ý kiến với Quốc hội giải quyết ngay”.

Trước đó, phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, với đội ngũ hùng hậu (hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 biên chế viên chức cả nước). Trong 2,5 năm qua, có hơn 14.000 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công, điều này đặt ra vấn đề cần đánh giá thực chất để có giải pháp phù hợp.

“Sơ bộ tôi tính toán, với 14.427 người/tổng số 1,2 triệu giáo viên trong khu vực công (chiếm khoảng 1,2% trong 2,5 năm). Như vậy, mỗi một năm số lượng giáo viên rời khu vực công khoảng 0,5%, tức là 200 giáo viên sẽ có một người rời khu vực công.

Vấn đề đặt ra đó là, chúng ta đang thực hiện khuyến khích xã hội hóa trong ngành giáo dục.

Tôi cho rằng tình trạng giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường.

Điều quan trọng nhất phải rà soát, đánh giá những người bỏ nghề có tiếp tục làm giáo viên hay không? Đó là vấn đề cần phải đánh giá đúng. Việc giáo viên rời từ khu vực công sang khu vực tư cũng là phù hợp với chủ trương của Đảng, vì đều là phục vụ cho nhân dân, phục vụ sự tăng trưởng và phát triển của đất nước...

Do vậy, chúng ta cần phải đánh giá một cách sát nhất, thực chất nhất để có giải pháp phù hợp”.

Mộc Trà