ĐBQH: Cần lộ trình tăng tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp

28/10/2022 06:30
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga, tỉ lệ đầu tư ngân sách cho GD đại học, GD nghề nghiệp còn thấp so với khu vực và thế giới, cần lộ trình tăng tỉ lệ lên 20%.

Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một điểm nghẽn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cơ bản nhất trí với Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và các báo cáo của các cơ quan Quốc hội.

“Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh, phức tạp, khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng trưởng kinh tế có sự phục hồi tích cực, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho biết, tỉ lệ đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp còn thấp so với khu vực và thế giới. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho biết, tỉ lệ đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp còn thấp so với khu vực và thế giới. Ảnh: quochoi.vn.

Tự chủ đại học và đổi mới quản trị hệ thống giáo dục đại học được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp cũng được cải thiện.

Tuy nhiên, hiện tại, tự chủ đại học vẫn còn nhiều vướng bởi hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, cách tiếp cận nặng về tài chính, tự chủ là các đầu tư và đặt gánh nặng lên vai người học, chủ yếu là các nguồn thu của các trường đại học hiện nay cũng từ học phí.

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết: “Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược, vai trò quyết định tới chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là chìa khóa để thúc đẩy tăng năng suất duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một trong những điểm nghẽn lớn nhất”.

Cần lộ trình tăng tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp

Về tỉ lệ đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết: “Theo báo cáo vào tháng 8/2022 của Ngân hàng thế giới, khả năng tiếp cận của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của học sinh Việt nam tính bằng tỉ lệ nhập học chung đạt dưới 30%, một trong những nước thấp nhất trong khu vực Đông Á, và thấp hơn nhiều so với các nước có thu nhập cao hơn, chẳng hạn, Hàn Quốc (trên 98%), Trung Quốc (trên 53%), Malaysia (43%)...

Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2021, tỉ lệ lao động trên 15 tuổi đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật là 26,13%, trong đó, trình độ từ cao đẳng trở lên là 15,24%.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng với chủ trương này.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học chỉ đạt từ 4,33-4,74%. Tổng chi cho lĩnh vực giáo dục chiếm 0,25%-0,27% GDP. Đây là mức chi rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ chi cho giáo dục đại học của Việt Nam chỉ chiếm rất nhỏ so với: Indonesia (0,57% GDP), Thái Lan (0,64% GDP), còn Singapore (1% GDP). Như vậy, tỉ lệ này của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/2 so với Thái Lan, 1/3 so với Singapore. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chi ngân sách cho giáo dục đại học trung bình khoảng 1% GDP.

Hơn nữa, quy mô GDP các quốc gia này lớn hơn Việt Nam rất nhiều lần, nếu so sánh với con số tuyệt đối, tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam còn thấp hơn nữa”.

Từ những cơ sở đó, nữ đại biểu kiến nghị: “Tới đây, chúng ta cần đảm bảo ngân sách 20% cho giáo dục, có lộ trình tăng tỉ lệ và mức đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tương đương với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới.

Nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học, giáo dục nghề nghiệp để thực hiện hiệu quả khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, khoa học sức khỏe, luật, sư phạm... và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, để bám sát chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngân Chi