Đề cương vẫn là nỗi kinh hoàng của học sinh trước mỗi kì kiểm tra

21/12/2022 06:42
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên chăng, các địa phương trên cả nước nên thực hiện hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ nói không với đề cương, văn mẫu, giảm áp lực học hành cho học sinh.

Thời điểm này, các cơ sở giáo dục trên cả nước chuẩn bị bước vào những tuần cuối cùng của học kì I, cùng với đó là quá trình chuẩn bị kiểm tra, đánh giá cuối kì.

Do thói quen, một số giáo viên, học sinh, phụ huynh vẫn coi kiểm tra cuối học kì I, cuối năm là … thi học kì.

Thói quen tai hại này đã và đang vô tình gây áp lực cho bản thân và học sinh. Đầu năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT đã nêu rõ, trong đánh giá, học sinh hằng năm, tuyệt đối không có thi.

Cụ thể, tại điểm a, b, khoản 1, Điều 7 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ghi rõ như sau:

“a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:

b) Kiểm tra, đánh giá định kì:”.

Gọi tên, nhìn nhận đúng việc kiểm tra đánh giá chứ không phải thi của giáo viên, học sinh sẽ làm giảm áp lực cho xã hội và trước tiên là cho học sinh.

Đề cương là nỗi kinh hoàng của học sinh vào mỗi kì kiểm tra

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội - Ảnh LM

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của phụ huynh trên mạng xã hội - Ảnh LM

Đề cương, nỗi kinh hoàng của học sinh vào mỗi dịp kiểm tra học kì, là nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội, nhận được sự đồng cảm của cộng đồng.

Trong phần bình luận, có ý kiến đồng tình với việc cho học sinh đề cương, nhưng phần nhiều ý kiến phản đối, vì cho rằng khi cho đề cương làm hư học sinh, làm học sinh thành robot...

Thực tế, học sinh đi học đang bị áp lực học tập, không ít học sinh dù bị bệnh, nhập viện, nhưng vẫn phải “ôn bài”, học "đề cương".

Thực tế này đã được thanhnien.vn viết: “Bệnh viện Quận 8 (TP.HCM) một ngày trong tuần, học sinh P.N.N tay cắm kim truyền dịch, mặt mũi phờ phạc vẫn len lén những lúc không có bác sĩ qua lại để mở cuốn đề cương”.[1] Báo tuoitre.vn viết "Nhìn xấp đề cương ôn thi của con mà tôi kinh hãi'[2]

Tại sao học sinh phải chịu áp lực kinh hoàng như thế? Nguyên nhân đơn giản, chính là “đề cương ôn tập”.

Không ít giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hiện nay cho rằng “đề cương ôn tập” chính là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Vì thế, cứ trước khi vào thời gian kiểm tra giữa kì, cuối kì, đều yêu cầu giáo viên bộ môn ra đề cương ôn tập cho học sinh.

Mỗi môn một “bộ đề cương ôn tập”, ít thì năm bảy mặt giấy A4, nhiều thì vài chục trang, học sinh suốt ngày phải “tụng” để chuẩn bị kiểm tra, vô hình trung làm cho học sinh nằm trong trong bệnh viện điều trị vẫn phải làm bạn với “đề cương”.

Khách quan mà nói, “đề cương” cũng góp phần nâng cao tinh thần, thái độ học tập cho học sinh trước khi vào kiểm tra đánh giá định kì.

Thế nhưng, “đề cương” cũng tạo ra không ít bất cập, như: tạo cho học sinh thói quen học tủ, học vẹt; giáo viên dạy thêm mớm đề, tạo ra sự mất công bằng, méo mó trong giáo dục.

Trên hết, “đề cương” phản giáo dục, không có tác dụng nâng cao chất lượng thật sự mà chỉ là chất lượng ảo, phục vụ cho “bệnh thành tích”.

Đôi điều kiến nghị:

Từ thực tế, người viết kiến nghị tất cả các cơ sở giáo dục nên bỏ “đề cương” trước mỗi kì kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, các lớp đã và đang thực hiện chương trình 2018 (lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10) tuyệt đối không ra “đề cương” cho học sinh.

Nếu chương trình mới mà còn có “đề cương”, chẳng khác gì chúng ta đang đồng phục kiểm tra đánh giá, không thể đánh giá đúng phẩm chất, năng lực người học.

Hay nói cách khác có "đề cương" sẽ không có kết quả kiểm tra đánh giá khách quan, giúp người dạy, người học điều chỉnh cách dạy, cách học, phát huy phẩm chất, năng lực của mình.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2022-2023 với học sinh tiểu học.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Việc kiểm tra, đánh giá hướng đến sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của các em, đồng thời đảm bảo công bằng, khách quan.

Sở yêu cầu các trường tuyệt đối không tạo áp lực cho học sinh mà chỉ xem kiểm tra cuối học kỳ như một hoạt động đánh giá định kỳ thông thường.

Đặc biệt, sở yêu cầu nhà trường tiểu học tuyệt đối không chạy theo thành tích mà gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình các em.

Trường tiểu học khi tổ chức ôn tập để kiểm tra cuối học kỳ 1 phải được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với học sinh học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu rồi cho học sinh học thuộc lòng...[3]

Nên chăng, các địa phương trên cả nước nên thực hiện hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ nói không với đề cương, văn mẫu, giảm áp lực học hành cho học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/hoc-trong-so-hai-nhap-vien-cung-phai-on-bai-post1531827.html

[2]https://tuoitre.vn/nhin-xap-de-cuong-on-thi-cua-con-ma-toi-kinh-hai-20180503134646705.htm

[3]https://tuoitre.vn/tp-hcm-yeu-cau-truong-tieu-hoc-khong-soan-de-cuong-bai-mau-cho-hoc-sinh-20221217175537885.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai