Sau khi có phát ngôn của Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh– Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) về Thông tư 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, bắt buộc cả xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống cũng phải lắp đặt bình chữa cháy trong xe, đã có hàng trăm độc giả gửi ý kiến về Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam không đồng tình với lý giải của vị Cục trưởng này.
Tối 11/1, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cũng cho biết, thông tư này của Bộ Công an không phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với khí hậu ở Việt Nam.
Bà An nói: “Có đồng chí nói là tham khảo ở một số nước, nhưng tham khảo chứ không thể áp dụng máy móc vào đời sống ở Việt Nam. Miền Nam thì nắng nóng quanh năm. Miền Bắc vào mùa hè nắng nóng nhiều ngày lên tới hơn 40 độ, thậm chí ở miền Trung lên tới 45 độ.
Khi xe tắt máy và cửa xe đóng kín thì nhiệt độ trong xe hoàn toàn có thể lên trên 50 độ, thậm chí là 60 độ. Trong khi bình chữa cháy lại được khuyến cáo để nơi thoáng mát, đó là điểm bất cập phải lưu tâm”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: Bộ Công an nên xem xét lại quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô. ảnh: Ngọc Quang. |
Theo Đại biểu Bùi Thị An, ngành công nghiệp ô tô đã có cả trăm năm, nhưng các nhà sản xuất xe ô tô trên toàn cầu đều không thiết kế bình chữa cháy đặt trong xe là có cả một nền tảng kỹ thuật, công nghệ.
“Nếu cần thiết có bình chữa cháy thì tự các nhà sản xuất xe hơi đã phải làm, không cần chờ tới thông tư của Bộ Công an. Cách làm này rõ ràng rất không ổn và ngay cả cách lý giải của đồng chí công an ở Cục phòng cháy cũng vậy.
Nhiều nhà khoa học đặt ra vấn đề với những trường hợp xe cháy là do một phần lỗi động cơ hoặc do nguồn nhiên liệu. Những trường hợp như vậy thường cháy rất nhanh và mạnh, cách tốt nhất là người dân bỏ xe và thoát thân thật nhanh chứ làm gì còn thời gian để mà sử dụng bình chữa cháy mini nữa”, bà An nhấn mạnh.
Chuyện gì xảy ra nếu bình chữa cháy trên xe lãnh đạo cấp cao phát nổ? |
Cũng theo Đại biểu Bùi Thị An, hiện nay đã có Luật Trưng cầu ý dân, những việc có liên quan trực tiếp tới đời sống của dân thì phải hỏi dân rồi mới quyết định.
Nếu chưa thể hỏi ý kiến dân rộng rãi thì phải hỏi các nhà sản xuất xe hơi, hỏi Bộ Khoa học Công nghệ và phải có nghiên cứu, đánh giá khoa học, không thể nào áp đặt một cách vô lý như vậy.
“Có lẽ các đồng chí công an lo lắng cho tính mạng của người dân quá nên đã vội vàng quá chăng? Trong trường hợp này, tôi nghĩ các đồng chí bên Bộ Công an phải suy nghĩ lại, đừng lo ngại vì một việc làm không đúng mà phải cố bao biện.
Ai cũng có lúc sai, nhưng đã sai thì phải dũng cảm nhận sai và sửa chữa, như vậy thì người dân càng thêm tin tưởng chúng ta chứ có sao đâu”, bà An nói.
Nữ Đại biểu của đoàn Hà Nội cũng có chung tâm trạng lo lắng giống như Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) khi dẫn ra thí dụ, ở sân tòa nhà Quốc hội vào tháng 5, tháng 6 có cả trăm chiếc xe chở lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội… dự họp. Có ai đảm bảo được rằng, không có một chiếc bình nào trong xe bị phát nổ? Nếu có nổ, liệu có cháy không? Rồi có bị lan sang các xe ô tô khác không?
Bà An lo lắng: “Đó là mới chỉ nói đến cán bộ của ta, còn rất nhiều đoàn khách ngoại giao sang Việt Nam thì sao? Liệu họ có chấp nhận được chuyện này không? Tôi nghĩ rằng chúng ta đừng tự biến mình thành một trường hợp đặc biệt của thế giới. Trên hết, đừng gieo thêm những lo lắng cho người dân, đừng để người dân nghi ngờ năng lực của cơ quan quản lý”.