Tiếp theo bài 6 Thừa cơ thôn tính Hoàng Sa không có giá trị pháp lý cho yêu sách của TQ trong loạt bài "Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ của Việt Nam" do Tiến sĩ Trần Công Trục gửi tới độc giả báo Điện tử Giáo dục Việt Nam dịp 40 năm Trung Quốc (TQ) thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Lịch sử đã chứng minh, nước mất thì nhà tan, chủ quyền lãnh thổ thường bị ngoại bang xâm phạm khi khối đoàn kết dân tộc bị suy giảm, khi mà trên dưới không đồng lòng, khi có sự tranh giành lợi ích, địa vị… giữa các cá nhân và nhóm lợi ích, khi có sự phân biệt chia rẽ trong nội bộ của một quốc gia, giữa các quốc gia, khu vực và quốc tế vì những tính toán vụ lợi...Đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn nguy hiểm đến đâu.
|
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Sau năm 1954, do bối cảnh lịch sử Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Nam, Bắc theo hiệp đinh Geneva, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở miền Nam tiếp nhận sự bàn giao của Pháp, tiếp tục thực thi chủ quyền đầy đủ và liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thông qua việc cắt quân đồn trú, thị sát, quản lý, thành lập đơn vị hành chính.
Cả 3 lần Trung Quốc (TQ) đem quân thôn tính Hoàng Sa (1909, 1956 và 1974) đều là thời điểm Việt Nam đang phải đối mặt với chiến tranh, địch họa. Năm 1974, lợi dụng cuộc kháng chiến thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam đang vào thời kỳ nước rút, TQ đem quân thôn tính nốt nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chính thể VNCH đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền, những người con Việt Nam tham gia trận hải chiến không cân sức này đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của dân tộc Việt.
Trong bối cảnh lịch sử thời đó, có thể lập trường chính trị 2 miền khác nhau, nhưng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, việc những người lính miền Nam chiến đấu, ngã xuống là nhằm kiên quyết bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam ở Hoàng Sa. Đó là hành động đại diện cho Nhà nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền mà chúng ta không thể xem nhẹ.
Về mặt pháp lý, họ là một chủ thể trong quan hệ quốc tế được thừa nhận bởi hiệp định Geneva. Những tuyên bố của chính quyền VNCH bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, những người lính miền Nam chiến đấu ở Hoàng Sa ngã xuống phải được ghi nhận, đó là bằng chứng của quá trình Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo này trong suốt chiều dài lịch sử.
|
Sơ đồ tác chiến của Hải quân VNCH trong hải chiến Hoàng Sa 1974 |
Sắp tới năm 2014 là tròn 40 năm ngày Hoàng Sa bị TQ thôn tính bất hợp pháp, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn vai trò và sự hy sinh của những người lính miền Nam bảo vệ Hoàng Sa, về mặt pháp lý đó là bằng chứng Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã thực thi chủ quyền một cách hòa bình và liên tục và đầy đủ đối với quần đảo này. Chúng ta tri ân các liệt sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988 thì cũng không thể quên rằng, năm 1974 những người con đất Việt của chúng ta đã ngã xuống để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước họng súng của TQ.
Đó là thực tế không ai phủ nhận được. Chúng ta phải quan tâm và vinh danh những người lính đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa bởi họ là những người Việt Nam, đại diện cho Việt Nam để gìn giữ chủ quyền. Chúng ta không được quên điều đó, đó mới chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các thế hệ cha anh của người Việt, đó cũng mới là cách thiết thực nhất để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh đòi lại chủ quyền Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền Trường Sa trong bối cảnh hiện nay.
Nếu chúng ta không quan tâm đầy đủ và đúng mực đối với vấn đề Hoàng Sa 1974 và vai trò đại diện cho Việt Nam thực thi, bảo vệ chủ quyền quần đảo này của những người lính miền Nam, chúng ta sẽ mất đi một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn và quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà hiện nay ta đang rất cần. Về pháp lý, đó chính là bằng chứng sống động của việc thực thi chủ quyền hòa bình, liên tục của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, có sức nặng rất lớn trong công tác đấu tranh ngoại giao và pháp lý bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, đồng thời bác bỏ các yêu sách vô lý và thủ đoạn chia rẽ nội bộ ta trong vấn đề Biển Đông từ phía đối phương chỉ vì những khác biệt về mặt nhận thức.
Hiện nay, hơn bao giờ hết phải tạo được sự đồng thuận và đoàn kết nội khối để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Công luận khu vực và quốc tế cũng chỉ có thể ủng hộ chúng ta trong tiến trình đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông khi chính người Việt Nam phải đoàn kết, thống nhất và có ý thức cùng nhau đấu tranh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
|
Những người con Đất Việt anh dũng ngã xuống trước họng súng TQ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa của dân tộc Việt Nam. |
Nhìn qua TQ, mặc dù những yêu sách họ đưa ra ở Biển Đông là cực kỳ vô lý và không có bất cứ cơ sở pháp lý nào, nhưng họ lại rất thống nhất, bài bản và hệ thống trong việc thực hiện âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, biến Biển Đông thành ao nhà. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đảng Cộng sản TQ họp bàn vấn đề phát triển TQ thành cường quốc về biển, trong đó có nêu phương châm chỉ đạo hết sức vô lý và không thể chấp nhận ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đó là “chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp cùng khai thác.”
Động thái này rõ ràng nhằm tạo ra sự thống nhất về mặt quan điểm, tư tưởng về cái gọi là “lợi ích cốt lõi quốc gia” và họ bắt đầu triển khai. TQ ở thế phi nghĩa mà còn thống nhất cao độ từ trên xuống dưới như vậy thì đó là một điều chúng ta cần đặc biệt lưu ý và soi lại mình.
Dân tộc Việt Nam có một truyền thống yêu nước nồng nàn và đã được minh chứng qua các thời kỳ lịch sử. Người Việt Nam đều quan tâm, băn khoăn, trăn trở đến toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của đất nước, thậm chí có thể thể hiện lòng yêu nước của mình bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên chúng ta vẫn đang tồn tại những nhận thức, quan điểm trái ngược nhau trong cách thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải, làm thế nào để thống nhất chủ trương bảo vệ chủ quyền một cách nhất quán, rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng luật và củng cố khối đại đoàn kết của toàn dân tộc, tập hợp được rất nhiều tầng lớp khác nhau, đặc biệt là công tác tham mưu nghiên cứu. Do đó chúng ta cần nỗ lực thống nhất từ trên xuống dưới, xây dựng và củng cố đội ngũ các nhà nghiên cứu, tham mưu và hoạch định chính sách tâm huyết, bản lĩnh và có trình độ cao.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường như hiện nay, TQ liên tục đưa ra các phép thử thăm dò thái độ của các bên liên quan và tiếp tục lấn tới trong việc khẳng định yêu sách phi lý của họ với đường lưỡi bò ở Biển Đông, trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 còn cho chúng ta một bài học đắt giá: Muốn bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì không thể dựa hoàn toàn vào bên ngoài, theo phe này hay phe kia mà phải tự lực cánh sinh, kết hợp với việc vận dụng tối đa xu thế quốc tế và khu vực, quan hệ đối ngoại để thực hiện mục tiêu này.
Chính ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống VNCH năm 1974 đã nhận định rằng TQ sẽ đánh Trường Sa, thôn tính bằng vũ lực giống như những gì họ đã làm ở Hoàng Sa có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của Mỹ. Và thực tế lịch sử đã chứng minh, các nước lớn bao giờ cũng tính đến lợi ích của họ đầu tiên và trên hết trong các vấn đề quốc tế. Họ sẵn sàng đổi chác trên lưng của các nước liên quan trực tiếp để bảo vệ lợi ích chiến lược của họ. Hạm đội 7 của Mỹ hoàn toàn có thể can thiệp khi TQ đem quân đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 khi VNCH là đồng minh của Mỹ, nhưng Washington đã không làm như vậy. Người Mỹ và người TQ đã đổi chác trên lưng dân tộc Việt Nam. Bài học này chúng ta không bao giờ được phép quên.
Tự lực tự cường chính là truyền thống là ý chí và nhân phẩm của người Việt Nam đươc hun đúc bằng máu xương và mồ hôi nước mắt của biết bao thế hệ. Cho đến ngày nay truyền thống, nhân cách đó vẫn không bao giờ phai nhòa, vẫn luôn luôn được duy trì và phát huy! Nó được thể hiên trong đường lối chủ trương của hiện nay của Nhà nước Việt Nam thông qua các văn bản, tuyên bố chính thức.
Tuy nhiên, nhấn mạnh điều đó không có nghĩa là VN muốn cô lập, xem nhẹ sự giúp đỡ ủng hộ của bạn bè quốc tế. Hai cuộc kháng chiến dành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc của chúng ta là một minh chứng hùng hồn, dựa vào sức mình là chính và tranh thủ tối đa sự ủng hộ cũng như các xu thế có lợi từ bên ngoài.
Việt Nam đánh giá cao sức mạnh đoàn kết quốc tế và khu vực, nhất là trong tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam luôn luôn tôn trong vai trò vị trí của các cường quốc trong thế cân bằng chiến lược quốc tế hiện tại. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn an ninh Shangri-la năm qua ở Singapore.
Đồng thời Việt Nam cũng không chủ trương ngả theo một cường quốc nào, không lợi dụng nước này, phe nhóm này để chống lại nước khác, không liên minh quân sự, chinh tri… Bởi vì bài học phải trả giá bằng máu xương qua lịch sử nhân loại cho thấy, nếu hoàn toàn trong cậy, ỷ lại một cường quốc nào đó thì mất nhiều hơn là được! Bất kỳ một ai trong quan hệ quốc tế, trước hết họ đều vì lợi ích của chính họ, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích nhỏ để lấy lợi ích lớn hơn, thất thủ Hoàng Sa là một bài học.
Hồng Thủy