Lễ hội này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của vùng Đất Tổ, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các vua Hùng và công lao các thế hệ cha ông.
Nét khác biệt của lễ hội đường phố lần đầu tiên này ở Việt Trì so với các lễ hội khác mang đậm chất dân gian, nêu bật những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của vùng đất Tổ; toàn bộ sự kiện do gần 2.000 nghệ nhân dân gian, đại diện các tầng lớp nhân dân và một số diễn viên trình diễn.
Hơn 60 phút hòa mình vào lễ hội trong không khí sôi nổi, ấn tượng, đầy cảm xúc trên đường phố dọc công viên Văn Lang thành phố Việt Trì – Phú Thọ, hàng chục ngàn người dân và du khách đã cùng tưởng nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng và các thế hệ ông cha, thêm một lần nữa tự hào về những di sản văn hóa quý giá của vùng đất Tổ địa linh nhân kiệt.
Trong tổng thể đoàn rước, hàng trăm người dân và các nghệ nhân dân gian, các ban nghi lễ của các làng xã đã cung nghinh và tái hiện lễ rước kiệu cùng với các xe mô hình mang biểu tượng văn hóa đặc trưng của tỉnh Phú Thọ như:
“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương “; “Cha rồng - Mẹ Tiên”; “Bánh Chưng, bánh Giầy”, “Hồng Hạc Trì”, “Cá Anh Vũ”; “Tinh thần thượng võ thời Hùng Vương”; “Lễ hội Tịch điền”; “Hát Xoan”, “Lễ bơi chải”… Các tích, trò chơi dân gian như: Cướp bông, ném chài; rước giải; bơi chải; múa võ…
Vào dịp Giỗ Tổ hàng năm, các làng thờ Vua Hùng đều rước kiệu về Đền Hùng, tạo sự tôn kính, linh thiêng của lễ hội.
Đây là một trong những nghi lễ truyền thống được duy trì và bảo tồn từ hàng nghìn năm nay, có ý nghĩa giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng, được nhân dân các địa phương nhiệt tình hưởng ứng, truyền đời gìn giữ.
Vì thế có thể thấy trong lễ hội văn hóa dân gian đường phố năm nay Rước kiệu được tái hiện gần như chủ đạo.
Có thể nói, nghi lễ rước kiệu cùng với sự lưu giữ các loại đồ thờ cúng tại đình làng thể hiện thái độ trân trọng đối với lịch sử. Tập tục, nếp làng từ đời này qua đời khác vẫn được lưu giữ chính là giá trị văn hóa độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Rước kiệu được tái hiện trong lễ hội văn hóa dân gian đường phố lần này là một cách giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, đất nước, dân tộc cho mọi người một cách thiết thực.
Người xem và du khách đã chiêm ngưỡng các giá trị văn hóa mang bản sắc này một cách kính cẩn, với tấm lòng thành kính hướng đến vua Hùng và các tiền nhân.
Cùng với nghi lễ rưc kiệu, nghệ nhân và nhân dân các phường, xã thông qua các hình thức biểu diễn gắn với biểu tượng xe mô hình đã góp phần giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất tổ:
Truyền thuyết Lang Liêu, vị hoàng tử thứ 18 đời vua Hùng thứ 6, được báo mộng để làm ra chiếc bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho trời, chiếc bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, dâng cho vua cha trong ngày đầu xuân và được vua cha truyền ngôi.
Nói lên ý nghĩa là lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở cũng như quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa.
Lễ hội Cướp Bông Ném Chài, một trong những phong tục tín ngưỡng phồn thực đặc trưng của cư dân nông nghiệp và được gắn với truyền thuyết về Hùng Vương và đức Tản Viên.
Lễ hội tịch điền xuất xứ từ hơn 4.000 năm trước, lúc vua Hùng dạy người dân trồng những cây lúa nước đầu tiên, ngay tại cánh đồng Lú (nay thuộc phường Minh Nông, thành phố Việt Trì).
Rồi hàng năm, để khuyến khích người dân, vua lấy ngày này làm ngày xuống đồng hay còn gọi là lễ tịch điền.
Tục rước giải tôn thờ con vật linh này, cầu cho mùa màng sinh sôi cùng ước nguyện yên bình, sung túc, khát vọng của bà con về cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở;
Cùng với các tích độc đáo này là các biểu tượng của tinh thần thượng võ, các lễ hội bơi chải, các phường Hát Xoan, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Nét đặc sắc ở đây chính là người dân, chính họ là người gìn giữ di sản và cũng chính họ là người quảng diễn, giới thiệu phô diễn vẻ đẹp của truyền thống và những giá trị đặc sắc của quê hương.
Họ diễn không cầu kỳ, nhẹ nhàng và dung dị như chính cuộc sống hàng ngày của họ.
Công ty cổ phần truyền thông Lạc Việt đơn vị thực hiện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và phòng văn hoá thông tin thành phố Việt Trì đã nỗ lực tổ chức thành công lễ hội văn hóa dân gian đường phố lần thứ nhất này.
Đêm hội thu hút sự theo dõi, tham gia và cùng dự hội của gần 30 ngàn người, bao gồm cư dân địa phương và du khách trong ngoài nước.
Lễ hội góp sức tô điểm và phát huy giá trị độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng hàng năm, làm cho nó trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần tín ngưỡng của người Việt Nam.
Không phân biệt già trẻ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo…. Mọi người đều bình đẳng hành hương về đất Tổ như ước nguyện về với cội nguồn.