Lấy phiếu tín nhiệm, cần thêm các tiêu chí cụ thể cho từng khối cơ quan

26/10/2023 07:29
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, bên cạnh tiêu chí chung, cần có các tiêu chí cụ thể đối với từng cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp khi lấy phiếu tín nhiệm.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố vào chiều ngày 25/10.

Nhìn vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp này, cũng như 3 lần lấy phiếu tín nhiệm trước đó (kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6/2013 đến nay), khối Chính phủ có nhiều vị trí có tỉ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” lớn hơn so với khối Quốc hội.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm (%) đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo quochoi.vn.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm (%) đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo quochoi.vn.

Lấy phiếu giúp "tự soi" và điều chỉnh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung nằm trong lộ trình nhân sự của Đảng, Nhà nước. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ đánh giá chất lượng, hiệu quả vị trí công tác của các chức danh, chức vụ đang đảm nhận; mà còn là một bức tranh đối sánh để chính bản thân người được lấy phiếu “tự soi” và tự điều chỉnh những điểm chưa phù hợp.

Không chỉ vậy, chính người được lấy phiếu sẽ có động lực bước tiếp, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có thêm động lực nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thêm một bước; đồng thời, tạo sức lan cho những người đồng nghiệp, đồng sự và cấp dưới...

Tất cả các chức danh, chức vụ được lấy phiếu đều có số phiếu “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao” chiếm đa số, còn “tín nhiệm thấp” chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Dù có những vị có đến 71-72 phiếu “tín nhiệm thấp”, nhưng tôi cho rằng, tỉ lệ đó so với số phiếu “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao” chiếm phần nhỏ, giúp các vị trí tự mình “soi chiếu”.

Bên cạnh đó, có thể xem việc lấy phiếu tín nhiệm là cách để thấy được sự nhìn nhận, ghi nhận của các đại biểu về các vị trí chức danh, chức vụ đang được lấy phiếu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: quochoi.vn.

“Ngược lại, bản thân người được lấy phiếu cũng không vì kết quả có số phiếu “tín nhiệm thấp” lớn hơn mà buồn hay có suy nghĩ tiêu cực. Tôi cho rằng, hầu hết người được lấy phiếu đều có bản lĩnh chính trị rất tốt, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, và thực sự đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm trong vai trò của mình.

Tuy nhiên, hiệu quả còn nằm ở công tác phối kết hợp, bởi có những công việc không phải chỉ riêng một mình làm mà thành được, không phải chỉ riêng Bộ ngành mình, mà còn cần có sự phối hợp giữa các Bộ ngành, các thành phần khác... Vì vậy, đây không thể xem là kết quả cốt yếu.

Mặt khác, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, cũng nhằm để cử tri cả nước biết rằng, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thì không thể không tạo những “thước đo” để nhận diện kết quả tổ chức thực hiện từng giai đoạn, của từng cá nhân, tổ chức, đặc biệt với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo chủ chốt...

Vì vậy, cần có sự nhìn nhận toàn diện, khách quan. Và chúng ta hãy chọn chiều tích cực, chiều mang tính chất xây dựng, phát triển để phát huy; đối những điểm còn khuyết thiếu, còn vướng mắc, bất cập, khúc mắc, thì người trong cuộc phải tự điều chỉnh và cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức... Đó là sự nhìn nhận, đánh giá của đại biểu Quốc hội nói riêng và cử tri cả nước nói chung, với mục đích chính là để điều chỉnh trong thời gian tới” - nữ đại biểu phân tích thêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu một lần nữa khẳng định, những người có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”, cũng là một cơ hội để tự điều chỉnh hành vi, làm sao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả và đặc biệt phải được lòng dân, vì tất cả đều là phục vụ nhân dân.

“Như tôi đã nói, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là để thay thế con người, mà là để nâng cấp, cải tiến con người, hay nói một cách trực tiếp chính là muốn nâng cấp, cải tiến cán bộ, lãnh đạo chủ chốt nằm trong diện được lấy phiếu, để nâng cao chất lượng lãnh đạo và sức lan tỏa đồng bộ, mạnh mẽ hơn.

Trong tất cả các lần lấy phiếu tín nhiệm, ngay cả những người có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất, cũng không có nghĩa là mong muốn họ dừng lại. Phải bước tiếp, chạy tiếp một cách vững chãi hơn, điều chỉnh hướng đi tốt hơn, hướng đến đối tượng phục vụ là nhân dân sâu sát hơn” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Chia sẻ về kết quả qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: “Theo tôi, dù là “tín nhiệm cao” hay “tín nhiệm thấp” cũng đều là tín nhiệm. Cần xác định, lấy phiếu tín nhiệm thực chất cũng chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá, chứ không phải là toàn bộ.

Thực tế, có nhiều người mặc dù cũng có sự nỗ lực, cố gắng, nhưng ngồi vào vị trí “ghế nóng”, công việc phức tạp, dẫn đến nhận được phiếu “tín nhiệm thấp”, là chuyện bình thường. Trong khi đó, cũng có thể có những vị trí mà công việc ít "va chạm" trực tiếp với người dân, nên ý kiến cử tri phản ánh đến đại biểu Quốc hội, dư luận bức xúc không "nóng" bằng các vị trí "ghế nóng" nên nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm cao” hơn”.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, “tín nhiệm thấp” cũng không phải là không làm được việc, mà đôi khi, “tín nhiệm cao” cũng chưa hẳn là người tốt toàn diện. Vì vậy, ông cho rằng, việc đánh giá thông qua lấy phiếu tín nhiệm thực chất chỉ mang tính tương đối.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. .Ảnh: quochoi.vn.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. .Ảnh: quochoi.vn.

Nên chăng, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm riêng theo từng khối cơ quan?

Theo nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật, cần tính đến phương án tổ chức lấy phiếu tín nhiệm riêng cho từng khối cơ quan.

Cụ thể, ông Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ: “Tôi cho rằng, nên lấy phiếu riêng cho khối Quốc hội và riêng cho khối Chính phủ. Còn nếu giữ như hiện tại, hai bên có cơ chế khác nhau, một bên là cơ quan lập pháp, một bên là cơ quan hành pháp, mà tính toán giống nhau thì có lẽ chưa thực sự phù hợp. Mà các cơ quan hành pháp thường sẽ “va chạm” nhiều hơn, trong thực tiễn trực tiếp chỉ đạo, điều hành, nhiều khi lại bộc lộ những điều không hợp ý dân, dẫn đến cử tri có thể có nhiều ý kiến trái chiều...”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng cho rằng, nên tính toán đến phương án lấy phiếu tín nhiệm riêng cho các khối cơ quan, vì chính những tính chất, đặc thù ở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Cụ thể, ông Lê Như Tiến bày tỏ: “Đó cũng là một trong những phương án đáng cân nhắc. Tôi cho rằng, cần cân nhắc trong việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đặc biệt, theo tôi, việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm nên được tiến hành với từng chức danh trong từng khối cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vì bản thân cơ quan tư pháp cũng là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... cũng có nhiều sự “va chạm” với nhân dân, có khi ít được sự chia sẻ của cử tri và nhân dân...

Cho nên, theo tôi, nên cân nhắc, đến một độ “chín muồi” nào đó, mới sửa đổi, bổ sung nghị quyết này, để việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện riêng trong cùng một cơ quan. Điều này có thể sẽ đòi hỏi sự công phu một chút, nhưng sẽ đảm bảo công bằng hơn.

Bởi lẽ, khi đó, chúng ta sẽ đánh giá những người có số phiếu “tín nhiệm”, “tín nhiệm cao” nhiều hơn trong cùng một cơ quan cùng chức năng, nhiệm vụ”.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thành An.

“Hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đang được tiến hành “gộp” tất cả cơ quan.

Chính vì vậy, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng về phương án đó. Trong một kỳ họp, có thể tổ chức lấy phiếu ở 3 khối riêng biệt vào 3 buổi khác nhau; hoặc có thể tổ chức trong cùng một buổi nhưng tiến hành với 3 loại phiếu khác nhau, tùy tình hình” - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề cập.

Cần có các tiêu chí rõ ràng đối với từng vị trí để kết quả lấy phiếu tín nhiệm thêm chính xác, khách quan

Mặc dù vẫn ủng hộ việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm “gộp” như hiện nay, song, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu lại cho rằng, cần bổ sung các tiêu chí rõ ràng đối với từng vị trí để đại biểu có cơ sở, căn cứ đánh giá một cách khách quan, công tâm hơn.

Theo đó, nữ đại biểu phân tích: “Trước hết, để có những lá phiếu công tâm, đại biểu Quốc hội không thể thông qua cảm tính, mà phải dựa trên cơ sở là kết quả đạt được thực chất của từng vị trí công tác, để có thể nhìn nhận và đánh giá khách quan.

Thứ hai, tới đây, tôi cho rằng, cần phải có các tiêu chí cụ thể : tiêu chí phấn đấu và tiêu chí để lấy phiếu.

Hiện nay, các tiêu chí vẫn còn khá chung chung. Mỗi vị trí chức danh, chức vụ cũng đang có hồ sơ gồm lý lịch trích ngang, kê khai tài sản... nhưng theo tôi, như vậy là chưa đủ.

Cần phải có các tiêu chí cụ thể để lấy phiếu: tiêu chí đối với cơ quan lập pháp là gì, tiêu chí đối với cơ quan hành pháp là gì, là tiêu chí đối với cơ quan tư pháp là gì?

Quan điểm của tôi là chúng ta cần phải có một điểm nhìn, vừa là điểm nhìn chung, toàn diện, vừa là điểm nhìn khu biệt, điểm nhìn riêng, để chỉ rõ được điểm mạnh - điểm yếu của từng vị trí, chức danh.

Khi có đầy đủ tiêu chí chung và riêng, việc lấy phiếu tín nhiệm mới thực sự công bằng, khách quan”.

“Tôi hy vọng, trong nhiệm kỳ tiếp theo, chúng ta phải chuẩn bị thật chu đáo và kỹ lưỡng trong việc xây dựng các tiêu chí đánh giá, nhận xét đối với các vị trí chức danh, chức vụ được đại biểu Quốc hội cầm lá phiếu để đánh giá về mức độ tín nhiệm trong nhiệm kỳ.

Trên cơ sở đó, các vị trí chức danh nằm ở các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp sẽ cảm thấy thỏa mãn cũng như thoải mái hơn, đồng thời cũng có động lực và mục tiêu phấn đấu hơn” - Đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.

Thành An