Đề thi Văn có nhiều điểm mới, phân loại được học sinh

02/06/2019 11:48
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo nhận định của nhiều thầy cô, đề văn thi lớp 10 Hà Nội có yếu tố mới mẻ, bất ngờ, đảm bảo việc phân loại học sinh, đáp ứng yêu cầu của đề thi.

Sáng 2/6, thí sinh Hà Nội bước vào thi môn văn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020.

Bình luận về đề thi năm nay, theo nhiều thầy cô trong tổ Văn của hệ thống giáo dục Học Mãi thì, đề thi Tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn của Thành phố Hà Nội năm nay giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kĩ năng viết các đoạn văn nghị luận.

Theo thầy Nguyễn Phi Hùng  thì ở Phần I, đề thi hỏi về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

Các câu hỏi đều kiểm tra các kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ

Câu 4, yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài, chiếm trọng số điểm cao nhất của đề thi, đòi hỏi các em trình bày bài không chỉ đủ ý, mạch lạc mà còn phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức đoạn văn, về phần tiếng Việt.

Đề văn thi tuyển lớp 10 công lập Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).
Đề văn thi tuyển lớp 10 công lập Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).

Tuy nhiên, điểm mới rất đáng chú ý trong đề thi năm nay là ở Phần II của đề thi, thay vì một đoạn văn được trích ra từ một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 thì lại là một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

Đây có thể là một bất ngờ với các thí sinh nhưng đoạn văn bản dùng làm ngữ liệu để hỏi trong đề thi lấy nguồn từ sách giáo khoa Ngữ văn 9, các câu hỏi xoay quanh việc kiểm tra các kiến thức tiếng Việt, kĩ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội tương đối quen thuộc nên các em cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Nhìn chung đề thi năm nay có điểm mới so với đề thi năm ngoái ở chỗ: Cấu trúc và ba điểm được điều chỉnh từ 6/4 sang 7/3; 

Ngữ liệu được mở rộng không chỉ trong các văn bản chính thức học sinh được học trong sách giáo khoa, tuy nhiên ngữ liệu vẫn nằm trong sách.

Câu hỏi liên quan đến nghị luận xã hội cũng mang tính mở hơn, yêu cầu học sinh trình bày những suy nghĩ của cá nhân, có tính liên hệ thực tiễn.

Cô Đỗ Khánh Phương thì cho rằng: “Đề thi năm nay có nhiều thay đổi so với năm trước, tính phân loại của đề thi hợp lí hơn do việc thay đổi trong việc sử dụng ngữ liệu, cách thức ra đề thi. Ở phần 2:

Đoạn văn gây bất ngờ vì không nằm trong văn bản đọc hiểu nhưng lại nằm trong phần luyện tập sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 trang 11 và là đoạn nghị luận xã hội. Điều này sẽ tránh được tình trạng học tủ của học sinh”.

Trinh Phúc