Đề Văn có cấu trúc quen thuộc, HS cần tư duy kỹ, tập trung trọng tâm câu hỏi

02/03/2023 06:32
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề thi tham khảo môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo có cấu trúc quen thuộc như những năm qua, nhưng học sinh cần biết tư duy thì mới có thể làm bài tốt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi tham khảo môn Ngữ văn Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Người viết, là giáo viên đang giảng dạy môn Văn bậc trung học phổ thông, nhận thấy đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm nay có cấu trúc quen thuộc như những năm qua, tuy vậy học sinh cần phải biết tư duy thì mới có thể làm bài tốt.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh chụp màn hình)

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh chụp màn hình)

Cấu trúc đề thi quen thuộc

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2023 gồm 2 phần: Đọc hiểu (4 câu) và Làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Phần Đọc hiểu cho ngữ liệu là một đoạn thơ trích trong "Những người đi tới biển" của Thanh Thảo và được thiết lập 4 câu hỏi theo ma trận: nhận biết, thông hiểu (2 câu) và vận dụng (2 câu, mức thấp).

Câu 1 yêu cầu xác định thể thơ. Thí sinh chỉ cần nhìn vào hình thức đoạn thơ là trả lời được thể thơ tự do (0,75 điểm - theo đáp án năm 2022).

Câu 2, chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ trong đoạn thơ. Thí sinh chỉ cần liệt kê một vài từ ngữ như: túp lều, lợp lá tranh, lưỡi liềm, bàn chân thô, bùn lấm - sẽ được trọn điểm (0,75 điểm).

Câu 3, đòi hỏi thí sinh phải có một chút tư duy thì mới trả lời được nội dung của hai dòng thơ: Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ/ Dù uống nước đau lòng vẫn nhớ nguồn.

Thí sinh cần đọc kĩ nội dung hai câu thơ và trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ ý, chẳng hạn: Người mẹ nhắc nhở con phải biết giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc. Chúng ta phải biết ơn công lao của tiên tổ, cha ông đã để lại những giá trị vật chất và tinh thần có giá trị.

Câu 4, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng đọc hiểu nội dung đoạn thơ để nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích. Thí sinh cần biết tư duy, tổng hợp và rút ra nhận xét hình ảnh dân tộc Việt Nam trong văn bản.

Gợi ý: Con người Việt Nam phải sống trong muôn vàn khó khăn, gian lao, vất vả. Nhưng, người Việt luôn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp: yêu nước, căm thù giặc, kiên cường vượt qua gian khó, luôn thể hiện lòng biết ơn…

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội (3 điểm), yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống được tích hợp từ phần Đọc hiểu.

Cần lưu ý, đề chỉ yêu cầu nghị luận về một khía cạnh (nội dung) của vấn đề đó là sức mạnh của tinh thần vượt khó, nên thí sinh phải đọc kĩ đề, viết trọng tâm, triển khai đoạn văn bằng một luận điểm.

Thí sinh giải thích ngắn gọn tinh thần vượt khó là gì, sau đó trả lời các câu hỏi: Tinh thần vượt khó mang đến cho ta những thành quả gì? Nếu không có tinh thần vượt khó, chúng ta sẽ gặp những khó khăn như thế nào? Có thể lấy thêm một dẫn chứng minh họa sao cho thuyết phục.

Câu nghị luận văn học (5 điểm) yêu cầu phân tích đoạn trích trong bài "Việt Bắc" (Tố Hữu); từ đó, nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích.

Việc phân tích, cảm nhận một đoạn trích thơ, văn xuôi (truyện, kí, kịch), học sinh đã được luyện tập nhiều ở trên lớp nên các em sẽ không gặp khó khăn gì.

Tuy vậy, đề thi tham khảo có thêm lệnh phụ: nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích (Việt Bắc), đòi hỏi thí sinh phải nắm kĩ nội dung, nghệ thuật của tác phẩm để rút ra được nhận xét chính xác.

Thí sinh có thể nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện qua đoạn trích: Lẽ sống ân nghĩa được thể hiện qua nỗi nhớ, sự lưu luyến, bịn rịn trong giây phút chia tay giữa đồng bào Việt Bắc và người cán bộ về xuôi.

Đó cũng là sự biết ơn của người cán bộ cách mạng đối với đồng bào Việt Bắc đã cưu mang, giúp đỡ họ trong suốt 15 năm “biết bao nhiêu tình”.

Lẽ sống ân nghĩa giữa đồng bào Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” năm 1954.

Lệnh phụ này chiếm 0,5 điểm mang tính phân hóa, giúp các trường đại học, cao đẳng xét tuyển được thí sinh khá, giỏi văn vào những chuyên ngành phù hợp.

Nhìn chung, cấu trúc đề thi tham khảo môn Ngữ văn quen thuộc, đem đến sự an toàn cho học sinh. Các em chỉ cần nắm vững những phạm vi kiến thức trong chương trình Ngữ văn 12 là có thể làm bài tốt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài