Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thông tin, Bộ cùng các chuyên gia đang xây dựng phương án đổi mới phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nếu tiến tới thi trên máy tính, cần cân nhắc về môn Ngữ văn
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Ngọc Tấn (Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển hướng kiểm tra, đánh giá từ kiến thức sang đánh giá năng lực, phát triển phẩm chất, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Như vậy, yêu cầu đặt ra đối với những người làm giáo dục là làm sao để xây dựng đề kiểm tra đánh giá nói chung, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông nói riêng có yếu tố vận dụng, gắn liền với thực tế cuộc sống. Vì mục đích cuối cùng là từ những bài học ở trường lớp, trong sách vở các em có thể giải quyết những câu hỏi, vấn đề trong đời sống hàng ngày.
Hiện nay, nhiều nhà trường cũng đang có phương án thay đổi về nội dung bài kiểm tra. Đơn cử như môn Ngữ văn yêu cầu học sinh phải hiểu và cảm thụ. Ngữ liệu được sử dụng trong bài kiểm tra không còn bị giới hạn trong phạm vi sách giáo khoa. Có những đề thi Ngữ văn đã chạm và đề cập đến những bài học cuộc sống gần gũi cũng như đưa vào những vấn đề thời sự để học sinh phân tích, bàn luận.
Điều đó đòi hỏi học sinh phải đọc, quan sát, tìm hiểu nhiều hơn. Từ đó đưa ra nhận xét, đánh giá của riêng mình. Và chắc chắn rằng, việc học của các em thay đổi đồng nghĩa với việc giáo viên phải có những phương pháp giảng dạy mới.
Ảnh minh họa. nguồn: Báo Chính phủ |
"Với sự phát triển của công nghệ thông tin, tôi nghĩ rằng thay vì thi trên giấy, chúng ta nên dần chuyển sang thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính để đảm bảo tính minh bạch", thầy Tấn nói.
Lý giải về quan điểm trên, thầy Tấn cho rằng một số trường đại học đang tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực rất hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xây dựng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức đó.
Nhưng chúng ta nên thay đổi từ từ, thận trọng tiến hành từng bước để đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức một kỳ thi phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội cũng như năng lực của học sinh.
Dẫu đã có nhiều nỗ lực trong trang bị các thiết bị công nghệ thông tin đến tất cả các trường. Thế nhưng với học sinh các vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nếu thi trên máy tính phải xem xét đến việc đảm bảo các em có điều kiện tiếp cận công nghệ, thậm chí tính đến có chính sách cộng điểm, ưu tiên cho các em", thầy Tấn băn khoăn.
Vì rõ ràng, những thí sinh này gặp nhiều bất lợi khi tiếp cận với công nghệ thông tin hơn học sinh ở vùng đồng bằng, học sinh ở các thành phố lớn.
Chương trình mới những vẫn thi, kiểm tra theo cách thức cũ sẽ không hiệu quả
Còn theo thầy Nguyễn Quang Hợp (Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ, tỉnh Yên Bái): "Nếu vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp với những bài thi như hiện nay, có lẽ chương trình giáo dục mới chưa thể đạt được mục tiêu đã đề ra".
Vì vậy, năm 2025, chúng ta cần phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp. Nếu dạy theo chương trình mới nhưng vẫn kiểm tra, đánh giá theo phương pháp cũ thì chúng ta sẽ lại trở về cách học cũ, không phát huy được năng lực, phẩm chất thực sự của học sinh.
Thầy Hợp nhận định, kết quả học bạ đánh giá cả một quá trình học tập của học sinh. Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã không còn giữ vai trò là kỳ thi "2 trong 1". Vì vậy, các trường đại học đã chủ động đưa ra nhiều hình thức tuyển sinh, không dựa quá nhiều vào kết quả của kỳ thi này.
Vậy nên cần tính toán để không đặt quá nặng trọng số xét tốt nghiệp trung học phổ thông vào điểm thi mà nên cân bằng theo cách: xét tốt nghiệp dựa trên học bạ 3 năm trung học phổ thông và điểm thi tốt nghiệp (hiện nay, việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn dựa trên kết quả thi tốt nghiệp, điểm khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình năm lớp 12).
"Còn nếu thay đổi hình thức thi từ trên giấy sang máy tính, chắc chắn sẽ có nhiều ưu điểm như đảm bảo công bằng, minh bạch cho một kỳ thi lớn. Nhưng việc triển khai đồng bộ trên cả nước sẽ cần thời gian vì ở các địa phương miền núi, cơ sở vật chất, máy tính, kết nối internet còn hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu của kỳ thi", thầy Hợp chia sẻ.
Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 phải thực hiện dựa trên hai nguyên tắc. Đó là kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện hành và điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu, mục đích của chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ đó kỳ thi phải gia tăng tính chất theo hướng đánh giá năng lực. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có lẽ sẽ cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra một phương án thi chính thức.