Để xảy ra sai phạm về chứng khoán, trái phiếu, UB Chứng khoán Nhà nước ở đâu?

23/04/2022 07:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi hành vi của các thành phần ở trên thị trường rất chặt chẽ, họ biết năng lực tài chính của nhà đầu tư tổ chức phát hành.

Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ban hành ngày 6/4/2022, nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy và các tổ chức Đảng cần tập trung làm tốt trong thời gian tới, trong đó có yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước…”...

Trong đó yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán đang được đông đảo nhân dân quan tâm và ủng hộ.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cho rằng, Thị trường chứng khoán là một kênh tài chính rất là quan trọng, bởi từ trước đến giờ ngân hàng là một kênh cấp vốn, thì bây giờ thị trường chứng khoán cũng là một kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế càng ngày càng tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên thị trường chứng khoán không như thị trường vay vốn của ngân hàng, bởi nó có 2 thị trường là sơ cấp và thứ cấp.

Trong đó, luật pháp của chúng ta tập trung vào thị trường sơ cấp, nơi mà các nhà phát hành trái phiếu thì họ phải tuân thủ luật lệ, đồng tiền phải được kiểm soát.

Tuy nhiên sau khi lên trên thị trường thứ cấp thì tất cả chứng khoán được trao tay bởi các nhà đầu tư mua bán với nhau, thì luật pháp ở thị trường này còn rất là lỏng lẻo. Ví dụ như vấn đề của FLC, Louis Holdings.

“Chúng ta cần phải có sự kiểm soát, giám sát một cách chặt chẽ hơn đối với thị trường sơ cấp và thứ cấp”, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở đâu?

Năm 2020 chứng khoán VN Index tăng 15% vượt xa tăng trưởng GDP 29,1%. Năm 2021 chứng khoán VN Index tăng 36%, năm, trong khi GDP tăng trưởng chỉ có 2,58% (VN Index gấp hơn 10 lần).

“Điều này là không bình thường, bởi một nền kinh tế trì trệ vì dịch bệnh Covid-19 mà chứng khoán lại tăng trưởng rất mạnh mẽ như vậy biểu hiện sự mất cân đối”, tiến sĩ Hiếu từng nhận định về việc này.

Trong sự mất cân đối đó thì có lẽ giờ chúng ta mới nhận thấy có yếu tố đầu cơ được biểu hiện bằng việc lãnh đạo tập đoàn FLC, Louis Holdings bị khởi tố về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, ngay cả về trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng có rất nhiều những sai phạm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tất cả những hành vi trên có lẽ đã được “cho phép xảy ra trong một thời gian dài”, ví như việc Trịnh Văn Quyết đã từng bị xử phạt vào năm 2017 và vừa qua lại tái phạm ở mức độ lớn hơn nhiều.

“Nếu nói Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không biết sự việc trên thì là một điều khó có thể tưởng tượng được.

Bởi lẽ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi hành vi của các thành phần ở trên thị trường rất chặt chẽ, họ biết năng lực tài chính của nhà đầu tư tổ chức phát hành. Nếu chứng khoán lên cao nhanh và mạnh trong khi năng lực nhà đầu tư yếu, thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể không nắm được.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ở đâu khi mà những tập đoàn lớn như FLC, Louis Holdings, Tân Hoàng Minh vi phạm?”, chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi.

Phân tích cụ thể về giải pháp cho vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tiên cần phải xem lại việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, trong đó là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng là cơ quan quản lý tối cao của chính sách tiền tệ, bởi tất cả những vấn đề trên đều liên quan đến tiền tệ, họ đã ở đâu khi để xảy ra những chuyện như trên.

Câu hỏi thứ 2 mà nhiều người đặt ra là thị trường của Việt Nam có lành mạnh hay không?

Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Hiếu nhận định, nếu thị trường lành mạnh thì chứng khoán Việt Nam - VN Index không thể nào tăng trưởng gấp 10 lần GDP, đồng thời nếu tăng trưởng lành mạnh thì các thành phần như FLC, Louis Holdings họ khó có thể “thổi giá” chứng khoán lên một cách mạnh mẽ như vậy.

Thực tế, thị trường chứng khoán của Việt Nam chưa phải là thị trường ổn định, mặc dù chúng ta phải ghi nhận trong vòng 20 năm qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh mẽ.

“Tôi nhớ vào những năm 2000, khi mà thị trường chứng khoán của chúng ta mới được thành lập thì mới chỉ có chứng khoán của một số công ty phát hành cổ phần, bên cạnh đó là trái phiếu của chính phủ.

Hiện nay chúng ta đã có một lượng cổ phiếu rất lớn, bên cạnh đó là trái phiếu của chính phủ, trái phiếu của các doanh nghiệp.

Chúng ta đang có một thị trường rất mạnh, bành trướng, tuy nhiên trong sự tăng trưởng thì có sự không lành mạnh”, Tiến sĩ Hiếu chia sẻ.

Luật còn có bất cập

Trước vấn đề bất cập về thị trường thiếu sự lành mạnh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu có đề xuất các giải pháp giúp ngăn chặn những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có ý định phạm pháp.

Trước hết, cần phải rà soát lại quy định pháp luật, để xem luật lệ của mình hoàn thiện chưa.

Câu trả lời chắc chắn là chưa, vì vậy cần phải rà soát lại tất cả luật về chứng khoán, phát hành trái phiếu.

Việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp có 2 Quyết định được đưa ra là Quyết định 155 được phát hành ra công chúng, và Quyết định 153 là phát hành riêng lẻ.

“Trong Quyết định 153 của chính phủ ban hành năm 2020, có điều khoản về vấn đề lập hồ sơ để xin phát hành trái phiếu, phải có quy định về xếp hạng tín nhiệm nhưng lại có mở ngoặc kép “nếu có". Vậy nghĩa là có hay không cũng được?

Luật không thể nào quy định một cách lỏng lẻo như vậy được, cần phải khẳng định là có hoặc không quy định xếp hạng tín nhiệm”, ông Hiếu chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế phân tích thêm, bên cạnh quy định pháp luật cần phải rà soát lại, thì khả năng giám sát, kiểm soát của các cơ quan nhà nước cần phải được xem lại và chấn chỉnh.

Những vấn đề sai phạm của các doanh nghiệp, trong đó là lãnh đạo của FLC, Louis Holdings cũng đã xảy ra thì cơ quan quản lí cần phải tăng cường hơn nữa.

Quan trọng nữa là cần có tính tuân thủ luật pháp của các thành phần tham gia thị trường, để có thị trường ổn định.

Ví như tại Mỹ thì không có nhiều luật lệ như ở Việt Nam nhưng các tổ chức kinh tế tuân thủ pháp luật chặt chẽ, thể hiện sự văn minh.

Ngay như việc trên đường phố có bảng “Stop” nghĩa là dừng lại thì hầu như 100% các phương tiện đều dừng lại, người dân tuân thủ một cách văn minh, trong khi tại Việt Nam thì nếu không có Cảnh sát giao thông thì người ta sẵn sàng vượt đèn đỏ.

Vì vậy tính tuân thủ luật pháp tại Việt Nam cần phải được nâng cao.

“Ba thành phần quan trọng là luật pháp, cơ quan kiểm soát và các thành phần của thị trường đều phải có cái nhìn tổng thể”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Mạnh Đoàn