Không mạnh tay xử lý các doanh nghiệp mắc sai phạm rất dễ dẫn đến 'nhờn luật'

19/04/2022 06:30
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sự ra đời kịp thời của Kết luận 12 góp phần cũng cố niềm tin của Đảng viên vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc này được căn cứ vào báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong đó, yêu cầu mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở bất cập trong đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, chứng khoán..v.v

Các chuyên gia nhận định, việc ra đời của Kết luận 12 trong bối cảnh hiện nay, khi tội phạm tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước đang có xu hướng "nở rộ" là điều hết sức cần thiết và kịp thời để loại bỏ tình trạng “sân trước, sân sau”, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: Quochoi.vn

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 cho rằng: “Câu chuyện về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta vốn đã rất nóng và đầy quyết liệt trong những năm gần đây.

Nhưng qua thực tế thời gian gần đây, chúng ta đã phát hiện ra nhiều doanh nghiệp mắc phải những sai phạm hết sức nghiêm trọng, gây tổn hại không nhỏ đến nền kinh tế. Vì thế, việc Bộ Chính trị đưa ra Kết luận số 12 để tăng cường hơn nữa năng lực, vai trò của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước là việc làm hết sức đúng đắn và kịp thời.

Không thể phủ nhận, sự đóng góp hàng năm của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ngoài nhà nước vào ngân sách là không nhỏ. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có sự châm chước, bỏ qua để các doanh nghiệp này "ngồi" trên pháp luật, thao túng thị trường.

Kết luận số 12 của Bộ Chính trị ra đời cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng đối với từng bối cảnh, từng giai đoạn phát triển của đất nước. Bởi lẽ, các loại tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng cũng ngày càng có sự biến đổi và chúng ta cũng cần có những sự "gia cố" để làm vững chắc hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Nhận định về tính cần thiết sự ra đời của Kết luận số 12, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, khi các cá nhân điều hành doanh nghiệp của FLC hay Tân Hoàng Minh đã có các hành vi thao túng thị trường, làm lũng đoạn thị trường, nếu chúng ta không có thêm những “hàng rào” về luật pháp thì sẽ rất nguy hiểm đến sự ổn định của nền kinh tế.

Vì vậy, Kết luận số 12 ra đời còn là yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn và xử lý những mầm mống khác có ý định thực hiện các hành vi tương tự.

Đồng thời, góp phần mang tính uốn nắn các doanh nghiệp khác, kể cả là doanh nghiệp lớn hay nhỏ để làm sao chúng ta định hướng đúng con đường phát triển cho các doanh nghiệp này.

Đó là phát triển theo hướng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

Ông Trần Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự ra đời của Kết luận 12 của Bộ Chính trị trong bối cảnh này đã rất kịp thời.

Vì thế, các cơ quan làm luật cũng nên nghiên cứu để chỉnh sửa và bổ sung các điều khoản cho thật hợp lý, góp phần hoàn thiện hơn nữa các khung pháp lý. Đặc biệt là hệ thống pháp luật để có thể quản lý chặt chẽ hơn nữa các doanh nghiệp, tập đoàn lớn thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Ông Vinh cũng nêu ví dụ về việc, trước đó đã nhiều lần ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC có hành vi bán chui cổ phiếu, nhưng khi phát hiện ra, hành vi đó của ông Quyết cũng chỉ dừng lại ở mức độ là phạt vi phạm hành chính.

Ông Vinh cho rằng, nếu cứ để tình trạng tương tự xảy ra, nhưng không áp dụng các biện pháp xử phạt mang tính răn đe nghiêm minh, làm bài học cho các doanh nghiệp khác thì rất dễ xảy ra tình trạng “nhờn luật".

“Kết luận 12 ra đời khiến những Đảng viên như chúng tôi cảm thấy rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trước các yêu cầu của thực tiễn. Để công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đi vào thực chất và có hiệu quả, rất cần các Bộ, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu lại các văn bản pháp luật để làm sao thực hiện cho thật công khai, minh bạch”, ông Vinh nêu lên góp ý.

Nêu lên một số quan điểm để góp phần dẹp bỏ được nạn “sân trước, sân sau” trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, ông Vinh chia sẻ: “Vấn đề này từ lâu đã là bài toán đầy hóc búa với những người làm công tác phòng, chống tham nhũng. Để làm triệt để được việc này, rất cần sự vào cuộc tích cực và đồng bộ của các cơ quan chức năng có liên quan.

Đầu tiên, trong luật công chức, viên chức chúng ta yêu cầu cán bộ thực hiện nghiêm túc việc, đã là công chức nhà nước thì không được phép tham gia tổ chức, kinh doanh một số ngành nghề dễ “sa vào cám dỗ”.

Đặc biệt là các ngành nghề thuộc lĩnh vực chứng khoán, nhà đất.

Hoặc nếu phát hiện ra công chức, viên chức vi phạm là “sân sau”, bao che, bảo kê cho các sai phạm thì cần được quy định rõ về mức độ xử lý, mức phạt như thế nào cho đủ sức răn đe.

Điều quan trọng nhất vẫn là cách làm việc nghiêm minh, chính trực của lực lượng điều tra, không bị chi phối bởi vật chất, để đưa ra được những chứng cứ sát thực. Khi ấy, trước mỗi chứng cứ đưa ra, tội phạm tham nhũng phải tâm phục, khẩu phục.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều cán bộ điều tra đã bị mua chuộc, khiến cho công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta gặp không ít cản trở.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có phương án bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người tố cáo để cho sau này sẽ có nhiều người dám đứng lên tố cáo sai phạm. Cũng bởi mối quan hệ “sân sau, sân trước” mà trước đây nhiều nhân chứng đã bị trù dập, thậm chí là bị thủ tiêu khi có ý định đưa sự việc ra ánh sáng.

Tiếp sau đó, chúng ta cần làm tốt công tác cán bộ, chọn đúng người, đúng sở trường để sắp xếp vào đúng vị trí trong bộ máy công quyền. Điều này không chỉ sẽ góp phần làm giảm đi tình trạng “con ông, cháu cha”, mà còn giảm được tình trạng nhiều người dùng tiền để mua “ghế” trong bộ máy nhà nước.

Sau đó, lại dùng chính vị trí đã mua được để phục vụ và bảo kê cho các doanh nghiệp của mình làm ra những hành vi sai trái”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo. Ảnh: N.Q
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo. Ảnh: N.Q

Cùng quan điểm khi đánh giá về Kết luận 12 của Bộ Chính trị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng: “Tôi cũng là một Đảng viên có hơn 60 năm tuổi đảng nên trước việc này, tôi thấy rất hoan nghênh và tin tưởng hơn nữa vào vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Đã là tội phạm tham nhũng, chúng ta không chỉ để ý đến các vụ đại án, tham nhũng lớn mà cũng cần lưu tâm đến các vụ tham nhũng vặt.

Vì đây chính là một phần mầm mống để dẫn đến các vụ tham nhũng lớn, gây tổn hại đến nền kinh tế. Với các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng vậy, từ sau những vụ việc của các công ty như Việt Á, FLC hay Tân Hoàng Minh chúng ta cũng cần lưu ý hơn nữa việc siết chặt lỗ hổng quản lý với các doanh nghiệp này kể cả từ những vi phạm nhỏ nhất”.

Liên hệ giữa công cuộc phòng, chống tham nhũng đối với của Đảng với công tác giáo dục thế hệ tương lai, thầy Bảo cho rằng:

“Những biện pháp mang tầm vĩ mô, góp ý cho Đảng ta để góp phần loại bỏ vấn nạn tham nhũng đang xảy ra thì cũng đã có rất nhiều ý kiến đóng góp.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng, với các thế hệ tương lai chính là các học sinh, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hiện tại chúng ta vẫn chưa có các chương trình giảng dạy và giáo dục về việc nhận biết, phòng tránh tội phạm tham nhũng.

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang rất quyết tâm với công tác phòng, chống tham nhũng thì việc ngành giáo dục hình thành cho trẻ nhân cách và nhận biết để sau này các em có thể né tránh cũng là một hành động cùng chung tay vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của đất nước.

Quá trình dạy, không chỉ là dạy về luật mà cần biên soạn giáo án, nêu lên những gương sáng về phòng, chống tham nhũng, những biện pháp mang tính răn đe để sau này tạo ra một thế hệ "thờ ơ" với tham nhũng và dám đứng lên tố cáo những hành vi sai trái”.

Trung Dũng